Dấu xưa trên vùng chiến khu Long Nguyên

Cập nhật: 05-06-2021 | 10:02:38

Nhắc đến những vùng đất gắn liền với truyền thống đấu tranh cách mạng trên quê hương Dầu Tiếng, không thể không nhắc đến chiến khu Long Nguyên. Chiến khu Long Nguyên nay thuộc xã Long Tân, đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào cuối năm 2018.

Nơi ghi dấu lịch sử

Chiến khu Long Nguyên trước kia là một vùng rộng lớn, bao gồm các xã Long Nguyên, huyện Bến Cát (nay là xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng) và xã Long Tân, Long Hòa huyện Dầu Tiếng ngày nay. Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, trong suốt 2 cuộc kháng chiến, chiến khu Long Nguyên trở thành một trong những nơi trú đóng của cơ quan đầu não cách mạng, như: Khu ủy miền Đông, Tỉnh ủy Gia Định, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, cơ quan huyện Bến Cát; các lực lượng vũ trang: Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 301. Trong những năm tháng kháng chiến, cái tên chiến khu Long Nguyên đã gắn liền với những trận chiến kiên cường, bất khuất của nhân dân và quân giải phóng.

Ông Lê Văn Thái (bìa phải), Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với chiến khu Long Nguyên cho lãnh đạo huyện Dầu Tiếng và xã Long Tân

Vào cuối năm 1945, thực dân Pháp tái chiếm Bến Cát. Trong chỉ thị của Trung ương Đảng ngày 25-12-1945, việc xây dựng căn cứ đã được đặt ra ngay từ đầu: “Phải chọn đóng ở những địa điểm chiến lược lợi hại: tiến có thể đánh, lùi có thể giữ”. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và yêu cầu của cuộc kháng chiến, cuối năm 1946, ta bắt đầu hình thành những chiến khu, như: Chiến khu Đ, Thuận An Hòa, Vĩnh Lợi và Long Nguyên. Năm 1948, nhiều công nhân cao su đã bất hợp tác với giặc Pháp, bỏ làng ra Long Nguyên lập căn cứ chống Pháp. Đây là vùng căn cứ rộng lớn, được bao bọc bởi con sông Thị Tính giàu phù sa và những cánh rừng già rậm rạp che phủ. Lúc bấy giờ, chiến khu Long Nguyên có 11 ấp, như: Hóc Măng, Bà Tòng, Hố Mên, Hố Miếu, Nhà Mát, Trảng Lớn, Bờ Cảng… Khi điều kiện cách mạng thuận lợi, căn cứ Long Nguyên nối liền lên núi Cậu và tiếp giáp với chiến khu Dương Minh Châu ở tỉnh Tây Ninh.

Tài liệu Hội Khoa học Lịch sử tỉnh cũng ghi lại, năm 1947, phong trào cách mạng được phục hồi, lực lượng vũ trang phản công tiêu diệt nhiều đồn bót của địch buộc chúng rút bỏ bót ở Phó Bình, Nhà Mát, xã Long Nguyên được giải phóng hoàn toàn. Năm 1948, tại căn cứ Long Nguyên, ta tổ chức đào giao thông hào, đào hầm chống chiến xa, chống xe tăng vừa tăng gia sản xuất, trồng bắp, mì cung cấp lương thực cho bộ đội. Tổ chức sản xuất vũ khí, như làm súng 2 nòng, cung, nỏ, địa lôi, chông sắt… và vận chuyển lương thực, vũ khí tiếp tế cho chiến khu Đ.

Với nhiều thành tích trên chiến trường, trải qua 2 cuộc kháng chiến, vùng căn cứ Long Nguyên luôn được giữ vững, mở rộng ra các hướng, nối liền với các căn cứ chiến lược xung quanh, tạo thành địa bàn vững chắc để các lực lượng vũ trang đứng chân hoạt động. Dù phải chịu nhiều gian khổ, hy sinh nhưng quân và dân Long Nguyên vẫn kiên trì bám giữ từng tấc đất vùng chiến khu, bảo vệ và giữ vững căn cứ cách mạng Long Nguyên đến ngày thắng lợi cuối cùng.

 

Cuối năm 1950, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam bộ đã đến chiến khu Long Nguyên dự lễ tổng kết chiến dịch Lê Hồng Phong. Đây là chiến dịch lớn duy nhất của thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ, nhằm đẩy mạnh phong trào chiến đấu của quân và dân ta trên các chiến trường để cầm chân, phá thế kìm kẹp của địch chia cắt chiến trường, mở rộng căn cứ cách mạng của quân ta. Thành công của chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, đánh tan hệ thống đồn bót, tháp canh của địch trên một phạm vi rộng lớn (quốc lộ 13, liên tỉnh lộ 14, đường 7 và vùng cao su Dầu Tiếng), làm suy yếu lực lượng địch, phá thế bao vây của chúng xung quanh chiến khu Long Nguyên và dọc hành lang chiến khu Đ lên chiến khu Dương Minh Châu.

Sau Hiệp định Giơnevơ được ký kết, năm 1955, ở Long Nguyên, Tỉnh ủy chỉ đạo lập một căn cứ bí mật, do đồng chí Ba Hanh phụ trách. Năm 1956, ta bắt đầu xây dựng căn cứ, xây dựng lực lượng vũ trang. Tỉnh ủy chủ trương rút lực lượng đang bám trong rừng căn cứ các địa phương về căn cứ Long Nguyên xây dựng lực lượng. Cuối năm 1956, ta đã tập hợp xây dựng được 2 tiểu đội, đến tháng 3-1957 phát triển lên 6 tiểu đội. Cuối năm 1957, Mỹ - Diệm dùng xe ủi phá rừng Long Nguyên, di dân từ miền Bắc vào và gom dân lập khu trù mật ở xã Long Nguyên. Nhân dân Long Nguyên đã nổi dậy đấu tranh quyết liệt kéo dài gần 2 tháng, cuối cùng chúng phải phá vỡ kế hoạch.

Năm 1965 cũng là năm có nhiều sự kiện quan trọng diễn ra ở chiến khu Long Nguyên: Ngày 27-2-1965, Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ nhất tại căn cứ Bà Tòng xã Long Nguyên, tất cả các đoàn đại biểu trong tỉnh đều về dự; ngày 5-6-1965, tại xóm Vườn Trầu, ấp Hố Mên, xã Long Nguyên, Tiểu đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của lực lượng vũ trang tỉnh mang tên Tiểu đoàn Phú Lợi được thành lập; ngày 18-6-1965, Mỹ đã sử dụng 27 lượt máy bay chiến lược B52 ném bom rải thảm xuống ấp Trảng Lớn, Bờ Cảng, xã Long Nguyên - đây là lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, cũng là lần đầu tiên trên thế giới Mỹ sử dụng máy bay ném bom B52...

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử làm nên trận đại thắng mùa xuân năm 1975 của dân tộc, quân ta đã chọn căn cứ Căm Xe ở chiến khu Long Nguyên (nay thuộc xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng) làm Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30-4-1975.

Góp phần giáo dục truyền thống

Năm tháng đi qua, chiến tranh cũng lùi dần vào quá khứ. Nếu có dịp trở lại vùng đất chiến khu Long Nguyên năm xưa - nơi ghi dấu một thời chiến tranh ác liệt, hoang tàn đổ nát - ai cũng có thể nhận ra sự đổi thay từng ngày trên vùng đất Long Nguyên hôm nay. Để những chiến tích của một căn cứ kháng chiến năm xưa không bị phai nhạt trước những thay đổi của cuộc sống, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân khu vực, việc đầu tư xây dựng khu di tích là một việc rất cần thiết đã được tỉnh và huyện hết sức quan tâm. Việc xây dựng khu di tích còn tỏ lòng biết ơn sâu sắc toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đã kề vai sát cánh bên nhau trong những năm tháng chiến tranh ác liệt để làm nên lịch sử của vùng đất chiến khu Long Nguyên; từ đó, góp phần phát huy, giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của cha ông, của dân tộc cho các thế hệ mai sau.

Chiến khu Long Nguyên là biểu tượng, là niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân, các lực lượng vũ trang của TX.Bến Cát và huyện Dầu Tiếng ngày nay. Tại xóm Vườn Trầu, ấp Hố Mên trong vùng chiến khu Long Nguyên xưa (nay là ấp Đồng Bà Ba, xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng) đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh, UBND huyện Dầu Tiếng đã khoanh vùng bảo vệ hơn 1.000m2 để xây dựng bia kỷ niệm. Tại ấp Trảng Lớn, Bờ Cảng xã Long Nguyên, Bến Cát (nay là xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng), nơi đế quốc Mỹ đã sử dụng máy bay ném bom B52 cũng đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh và huyện Dầu Tiếng cũng đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng đề xây bia tưởng niệm...

Để ghi lại những dấu tích của vùng căn cứ kháng chiến năm xưa, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng; đồng thời là địa điểm sinh hoạt văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân trong khu vực, thời gian qua, UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Dầu Tiếng đã có kế hoạch đầu tư xây dựng lại khu di tích lịch sử chiến khu Long Nguyên tại xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng. Đặc biệt, vào cuối năm 2018, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận chiến khu Long Nguyên là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đến giữa tháng 3-2019, huyện Dầu Tiếng đã tổ chức lễ đón nhận bằng công nhân di tích cấp tỉnh.

CẨM LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên