Đẩy mạnh kết nối để phát triển du lịch gắn với nghề truyền thống

Cập nhật: 15-09-2023 | 08:57:27

 Gốm, sơn mài, gỗ… là những nghề truyền thống nổi tiếng của Bình Dương. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, có nghề đến nay vẫn tiếp tục phát triển, tạo được tiếng vang khắp nơi, nhưng cũng có một số nghề nguy cơ dần mai một.

 Một cơ sở điêu khắc ở phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một còn gắn bó với nghề gỗ truyền thống trên vùng đất này

Còn đó những khó khăn

Một trong những nghề truyền thống của Bình Dương đang phát triển, tạo được giá trị trong nền kinh tế, đó là nghề gốm. Hiện nay, “Nghề gốm Bình Dương” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Gốm sứ cao cấp Minh Long I là một trong những thương hiệu nổi tiếng của nghề gốm Bình Dương cũng như của cả nước, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Ở một góc khác của nghề gốm Bình Dương, trước đây trên vùng đất Lái Thiêu của TP.Thuận An có nghề làm heo đất cũng rất nổi tiếng. Thời điểm hưng thịnh, nơi đây có khoảng 200 hộ chuyên làm heo đất. Bên cạnh sự cạnh tranh của những sản phẩm có chất liệu khác, rồi tính chất công việc nặng nhọc nhưng thu nhập không cao, nhiều lò phải di chuyển đi nơi khác để thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo chủ trương chung… nên số hộ và người lao động gắn bó với nghề làm heo đất cũng giảm dần.

Hiện nay, số hộ theo nghề làm heo đất ở đây chỉ còn khoảng hơn 10 hộ, trong đó chủ yếu là vẽ heo đất (nhập sản phẩm heo đất nung từ nơi khác về vẽ). Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, người gắn bó với nghề vẽ heo đất hơn 30 năm qua tại phường Lái Thiêu cho hay: “Khó khăn nhất hiện nay tại cơ sở của bà là khâu tiêu thụ sản phẩm. Cơ sở hoạt động chủ yếu vào dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu sử dụng heo đất tăng cao, sản phẩm làm ra mới bán chạy. Còn lại những tháng khác, chúng tôi chỉ làm cầm chừng, khách mua lai rai thôi nên làm xong thường đóng gói cất kho”.

Tương tự, tại phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một trước đây cũng có rất nhiều lò chuyên sản xuất các mặt hàng lu, hủ, khạp… theo phương thức thủ công truyền thống. Hiện nay, ở đây chỉ có lò lu Đại Hưng là còn hoạt động, vì đây là di tích cấp tỉnh nên được quan tâm giữ lại để bảo vệ. Với phương thức sản xuất thủ công truyền thống, trong thời gian qua, lò lu Đại Hưng là một trong những điểm thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, cái khó trong phục vụ khách du lịch tại di tích này là chưa có điểm nghỉ chân, chưa có các dịch vụ bổ trợ khác như bán đồ lưu niệm, ăn uống… Đây cũng là khó khăn đang gặp phải tại các di tích lịch sử - văn hóa khác trên địa bàn tỉnh trong quá trình khai thác phục vụ du lịch.

Một trong những nghề truyền thống “đìu hiu” nhất hiện nay có lẽ đó là nghề gỗ (chạm, điêu khắc) ở TP.Thủ Dầu Một. Nhiều năm trước, khi nghề gỗ còn phát triển, các cơ sở mộc ở đây hoạt động rất rộn ràng. Chỉ cần đặt chân đến khu vực đầu chợ Phú Văn (phường Phú Thọ) là đã nghe tiếng đục, đẽo gỗ lóc cóc vang khắp xóm. Thời gian gần đây, tiếng lóc cóc ấy thưa dần, đồng nghĩa với nghề truyền thống này cũng không còn mấy ai theo đuổi.

Trăn trở với nghề truyền thống

Sản phẩm được sản xuất từ nghề và làng nghề ở Bình Dương chứa đựng những dấu ấn truyền thống và sự tinh xảo của các nghệ nhân. Vì thế, việc bảo tồn giá trị văn hóa các nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch sẽ góp phần tích cực trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Bên cạnh những giá trị văn hóa - lịch sử gắn liền với vùng đất này, nghề truyền thống được xác định là một trong những tài nguyên mang giá trị đặc trưng để hình thành sản phẩm du lịch.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch là mối quan tâm chung của tỉnh, nhiều công trình nghiên cứu của các chuyên gia trong và tỉnh đã được thực hiện. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành một số văn bản liên quan đến công tác bảo tồn, phát triển nghề truyền thống và làng nghề truyền thống. Đáng chú ý nhất là Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống nơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp du lịch trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một”. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, thời gian qua, đề án này triển khai vẫn còn chậm so với tiến độ.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh, trong tình hình đô thị hóa hiện nay khó để công nhận thêm những làng nghề truyền thống (Bình Dương mới có 1 làng nghề truyền thống đó là làng sơn mài Tương Bình Hiệp). Nghề hay nghề truyền thống là một phần sinh kế của người dân gắn bó với nghề. Vì thế, khi thực hiện công tác bảo tồn nghề truyền thống phải luôn cân nhắc sao cho phù hợp, không nên làm bằng mọi giá. Cùng với 2 nghề truyền thống đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ông cũng đề nghị xem xét nghề gỗ của Bình Dương để lập hồ sơ đề nghị công nhận trong thời gian tới, bởi đây cũng là một nghề truyền thống lâu đời trên đất Bình Dương.

Theo định hướng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đã được tỉnh phê duyệt, một trong sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh là tham quan làng nghề thủ công truyền thống. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sản phẩm du lịch tham quan làng nghề truyền thống vẫn còn manh mún, chưa thật sự trở thành sản phẩm dịch vụ hoàn chỉnh để đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch, tạo nguồn thu cho ngành du lịch, góp phần cải thiện kinh tế cho các cơ sở sản xuất từ nghề truyền thống…

 Để đánh giá một cách tổng quan và thực tế nhất về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh nói chung, đặc biệt là phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh nói riêng, mới đây, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã có đợt giám sát tình hình thực tế tại TP.Thuận An, TP.Tân Uyên và TP.Thủ Dầu Một. Trên cơ sở kết quả giám sát, kịp thời tham mưu cấp tỉnh xây dựng những chính sách phù hợp, góp phần khôi phục, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là những nghề truyền thống đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên