Đẩy nhanh tốc độ thanh toán không dùng tiền mặt: Cần sự phối hợp từ nhiều phía - Kỳ 2
Kỳ 2: Thực hiện hiệu quả các giải pháp
(BDO)
Thời gian qua, để đáp ứng yều cầu của nền kinh tế, hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đầu tư mở rộng các loại hình dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), như: Thanh toán điện tử, thẻ ATM, E-banking, Phone banking, Internet banking, Home banking… Theo đánh giá, việc phát triển hệ thống thanh toán qua ngân hàng không chỉ tạo tiền đề cho phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng mà còn giúp Nhà nước quản lý vĩ mô một cách hiệu quả, đặc biệt là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Người dân rút tiền tại một máy ATM trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: THANH HỒNG
Nỗ lực của các ngân hàng
NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh tỉnh Bình Dương là một trong những ngân hàng có máy ATM nhiều nhất (36 máy), lắp đặt tại các điểm trung tâm của tỉnh, với trên 240.000 thẻ ATM đã được phát hành. Bên cạnh đó, chi nhánh đã lắp đặt 20 máy POS tại các cửa hàng, siêu thị, hệ thống bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Dịch vụ thanh toán lương tự động của chi nhánh đang phục vụ hàng trăm đơn vị trong toàn tỉnh. Ngoài các dịch vụ truyền thống, chi nhánh chú trọng cung cấp các sản phẩm dịch vụ có tiện ích cao gắn với công nghệ hiện đại, như dịch vụ ngân hàng điện tử BIDV E-banking, dịch vụ tin nhắn tự động BSMS, dịch vụ thẻ tín dụng quốc tế, dịch vụ thanh toán hóa đơn (điện, nước, cước viễn thông)…
Theo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bình Dương, đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 744 máy giao dịch ATM tự động đang hoạt động, tăng 34 máy so với năm 2017. |
Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV - Chi nhánh tỉnh Bình Dương, cho biết trong năm 2018, tổng số khách hàng cá nhân của đơn vị đạt hơn 200.000 khách hàng, tăng 17% so với năm 2017. Trong năm, chi nhánh đã giới thiệu các dịch vụ, sản phẩm ngân hàng điện tử của BIDV đến khách hàng cá nhân và đã thu hút được một lượng lớn khách hàng sử dụng, qua đó làm giảm áp lực giao dịch tại quầy và được khách hàng sử dụng đánh giá cao về chất lượng dịch vụ, sản phẩm như BSMS, IBMB, Internet banking, BIDV Smartbanking… Đến nay, sau 5 năm tích cực cụ thể hóa chủ trương TTKDTM, chi nhánh đã đạt tốc độ tăng trưởng khách hàng sử dụng thanh toán qua hệ thống BIDV hàng năm khoảng 10%, trong đó tăng trưởng mạnh trong 2 năm trở lại đây. Đây còn là tín hiệu khả quan và hứa hẹn nhiều tiềm năng tăng trưởng loại hình dịch vụ này tại ngân hàng trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh tỉnh Bình Dương, năm 2018 tiếp tục là năm có nhiều chuyển biến khả quan đối với chi nhánh. Các mảng dịch vụ, TTKDTM qua số điện thoại, thanh toán quốc tế, dịch vụ thu hộ tiền điện, nước, thu hộ ngân sách Nhà nước… được ngân hàng chú trọng phát triển. Nhờ đó, số thẻ tín dụng ngân hàng phát hành trong năm qua tăng 20%, doanh số thanh toán thẻ tăng 45%, doanh số sử dụng thẻ tăng 22%, số khách hàng Online banking tăng 30%... so với năm 2017. Đặc biệt, tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ của ngân hàng được mở rộng, chiếm 30% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của đơn vị trong năm 2018.
Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp
Để đẩy mạnh TTKDTM, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bình Dương phối hợp với các sở, ban ngành, Kho bạc Nhà nước, các NHTM triển khai, mở rộng việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách. Bên cạnh đó, các NHTM trên địa bàn tỉnh cũng tích cực tiếp thị, kêu gọi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở tài khoản thanh toán qua ngân hàng. Các tổ chức tín dụng cũng vận động các đối tượng có thu nhập mở thẻ; đồng thời tăng cường lắp đặt máy ATM ở những khu vực đông dân cư, bố trí POS ở các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để khuyến khích khách hàng thanh toán.
Bà Phạm Thị Kim Nga, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh khu công nghiệp, cho biết để nâng dần tỷ trọng TTKDTM trong các phương thức thanh toán, cùng với việc ngân hàng tăng cường hiện đại hóa công nghệ và các hệ thống thanh toán, đơn vị tiếp tục tuyên truyền đến khách hàng về lợi ích của việc TTKDTM như nhanh chóng, tiện lợi và an toàn. Việc tuyên truyền này giúp khách hàng hiểu hơn, nắm được ưu nhược điểm của từng hình thức, từ đó tự quyết định chọn lựa hình thức phù hợp nhất với mình. Có như vậy, những thay đổi này mới thực sự xuất phát từ nhu cầu tự thân và mới khiến cho khách hàng xóa đi thói quen và tập quán thanh toán chi tiêu bằng tiền mặt.
Ông Trần Ngọc Linh cho rằng, tuy đã đạt được những kết quả khả quan nhưng hiện tại, nhiều người dân còn nhận thức hạn chế về việc không sử dụng tiền mặt, vẫn còn thói quen và tâm lý khó thay đổi là sử dụng tiền mặt, đặc biệt là vùng nông thôn. Để thay đổi một thói quen của người dân là rất khó khăn, do đó ngân hàng cần phối hợp với các ngành, địa phương kiên trì vận động, tuyên truyền để người dân thay đổi. Bên cạnh đó, các bên liên quan cần vận dụng hiệu quả Chỉ thị 20 của Chính phủ về thanh toán lương và đối tượng trả lương qua thẻ.; đa dạng hơn nữa các loại thẻ sao cho phù hợp với từng đối tượng khách hàng, như phát hành thẻ ATM cho sinh viên, thẻ ATM cho nông dân, công nhân… để người dân dễ tiếp cận và quen dần, vì chỉ có chiếc thẻ ATM là người dân có thể rút tiền, thanh toán hóa đơn, thánh toán tiền mua hàng qua máy POS ở bất cứ đâu…
“Về phía ngân hàng, chúng tôi xác định cần đầu tư vào nền tảng và kiến trúc hệ thống công nghệ để bảo đảm một kiến trúc công nghệ tiên tiến nhất, có hiệu năng và độ mở rộng cao cũng như an toàn về bảo mật thông tin. Mặt khác, chúng tôi sẽ nâng cao quản lý và xử lý tập trung, đầy đủ hệ thống dữ liệu và cải tiến, nâng cáp, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với các dịch vụ ngân hàng, có khả năng tích hợp hiệu quả với các sản phẩm mới. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước nên đưa ra quy định về việc phát hành thẻ đối với NHTM, như số lượng phát hành thẻ trên một máy ATM, để giảm tải cho các máy ATM do các NHTM lớn thực hiện đầu tư, mua sắm và có chế tài đủ mạnh để tạo sự công bằng trong hoạt động thẻ giữa các ngân hàng”, ông Linh nói.
Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank - Chi nhánh tỉnh Bình Dương, cho biết về việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, Chính phủ đã ban hành Quyết định 241, phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công. Tại Bình Dương, nhiều dịch vụ đã được triển khai thanh toán thông qua ngân hàng như điện, nước, hải quan…, tuy nhiên việc triển khai tại các trung tâm hành chính công, chi tiêu công qua ngân hàng chưa được đẩy mạnh. Cùng với đó, quá trình giao dịch thu dịch vụ hành chính công liên quan đến vấn đề lệ phí, phí, chi tiêu công trên địa bàn tỉnh vẫn đa phần thực hiện theo phương thức thanh toán truyền thống là tiền mặt, chưa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Do vậy, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh cần tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tăng cường kết nối với các ngân hàng thực hiện thanh toán thu phí, lệ phí, chi tiêu hành chính công qua các dịch vụ thanh toán của ngân hàng. Có như vậy, chủ trương TTKDTM sẽ thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.
THANH HỒNG