Để doanh nghiệp và người lao động có thể “sống được”!

Cập nhật: 09-07-2011 | 00:00:00

Ngày 1-7 vừa qua, tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ việc tăng lương tối thiểu ở khu vực doanh nghiệp (DN) sớm hơn 3 tháng so với lộ trình. Cùng ngày này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định thời gian tới phải kiên quyết thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu cho khu vực DN áp dụng từ ngày 1-10-2011.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc tăng lương lần này căn cứ trên 4 tiêu chí là chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI), tốc độ tăng GDP, mặt bằng tiền lương và mức sống tối thiểu. Dựa vào các yếu tố nói trên có thể nhận thấy, đã đến thời điểm bắt buộc phải thống nhất một mức lương tối thiểu với cả DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Còn theo thống kê chưa đầy đủ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì trong 6 tháng đầu năm 2011, cả nước đã xảy ra hàng trăm cuộc ngừng việc tập thể, đình công tại 23 tỉnh, thành phố, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2010 mà một trong những nguyên nhân đình công là do mức lương trung bình của lao động (LĐ) hiện nay quá thấp, không đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động (NLĐ). Riêng tại Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm 2011 số vụ đình công, tranh chấp LĐ xảy ra trên địa bàn là 131 vụ, nguyên nhân là do người sử dụng LĐ vi phạm các quy định về pháp luật LĐ, giá cả liên tục gia tăng nhưng thu nhập của NLĐ không tăng, đời sống của NLĐ ngày càng khó khăn dẫn đến đình công, tranh chấp LĐ...

Những số liệu trên cho thấy rằng, một trong những lý do xảy ra đình công, tranh chấp LĐ trong thời gian qua ở các DN là do giá cả liên tục gia tăng nhưng thu nhập của NLĐ không tăng... do đó việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu cho khu vực DN là quyết định hết sức cần thiết. Theo đó, bước điều chỉnh tăng lương được đề xuất khá rộng: từ 500.000 đến 700.000 đồng đối với DN trong nước, từ 300.000 đến 380.000 đồng đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, mức lương đề xuất điều chỉnh này nếu được chấp thuận và thực hiện vào tháng 10-2011 cũng chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của NLĐ, đặc biệt trong điều kiện giá cả thị trường tăng cao như hiện nay, song việc thực hiện mức lương này ở nhiều DN không phải là chuyện dễ và có thể làm nảy sinh một số tình hình khác. Nguyên nhân là do hiện nay DN đã gánh nặng chi phí đầu vào, việc tăng lương đối với các DN có các sản phẩm hàng hóa bán ra tăng giá thì không sao. Nhưng đối với các DN mà giá bán sản phẩm của họ không tăng lắm hoặc tăng không bằng việc tăng giá của nguyên vật liệu đầu vào thì có thể buộc họ phải thu gọn sản xuất và như vậy số người thất nghiệp sẽ có khả năng tăng lên...

Thật không hề đơn giản: Trong tình hình lạm phát và khó khăn mà không tăng lương thì đời sống NLĐ càng vất vả hơn nhưng để có điều kiện tăng lương thì DN buộc phải tiết kiệm, tăng năng suất lao động, xem xét, định biên lại vấn đề con người... Để giải được bài toán này chỉ có cách DN đàm phán với tập thể LĐ về một mức tăng lương hợp lý, cho phép DN không phải cắt giảm nhân sự mà thu nhập của NLĐ cũng ở một mức nào đó được xem là phù hợp... để cả DN và NLĐ cùng có thể “sống được”. r

VÕ HƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên