Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Cập nhật: 25-04-2024 | 09:45:06

(BDO) Mới đây trên mạng xã hội chia sẻ video ghi lại cảnh một học sinh trường THCS Bình Chuẩn (phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An) bị một cô gái dùng nón bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu ngay trước cổng trường Tiểu học Bình Quới chỉ vì xích mích nhau trên mạng xã hội.


Bảo vệ học sinh trước vấn nạn bạo hành là trách nhiệm chung của toàn xã hội

Câu chuyện học sinh nảy sinh xích mích, mâu thuẫn, rồi dẫn đến gây gổ, đánh nhau gây thương tích không còn là hiện tượng hiếm thấy ở nhiều trường học, nhiều nơi. Một lần nữa vấn đề bạo lực học đường lại gióng lên hồi chuông trong công tác giáo dục lứa tuổi học trò của gia đình, nhà trường và xã hội.

Nhìn hình ảnh em học sinh lớp 7 nằm co mình ôm đầu chịu trận từ những cú đạp, những cái đánh từ mũ bảo hiểm rơi xuống người, những tiếng kêu cứu “Chị ơi, cứu em” nhưng bất lực làm người xem video ai cũng đau xót…

Điều đáng nói, vào thời điểm xảy ra vụ việc, có nhiều học sinh chứng kiến nhưng không ai vào can ngăn. Đây là một sự thực đáng buồn, giá như có người lớn hoặc các em học sinh kia đồng lòng cùng nhau, không ngại xông vào can ngăn, hay gọi điện thoại báo ngay cho công an hoặc nhà trường thì vụ việc sẽ không đi quá xa như vậy.

Hiện tượng học sinh vô cảm trước bạo lực học đường, thậm chí không can ngăn mà còn reo hò, cổ vũ khi chứng kiến bạn mình đánh nhau… đã trở thành mối lo ngại. Sau sự việc, nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ vấn đề, răn đe và xử lý nghiêm theo quy định.

Tuy nhiên, mỗi bậc phụ huynh, nhà trường, ngành giáo dục cần có phương pháp giáo dục học trò biết cách xử sự, giáo dục kỹ năng sống để các em biết cách tự bảo vệ mình, bảo vệ bạn học và những người xung quanh mình.

Cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp răn đe để những sự việc đau lòng như vậy không tái diễn. Một cái tát, một cú đá hay những lời chửi rủa, tất cả đều là những hành vi bạo lực có thể gây ra hậu quả nặng nề về cả thể chất và tâm lý của nạn nhân. Thay vì để những sự việc rắc rối xảy ra rồi mới giải quyết, ngay từ sớm chúng ta cần vun đắp cho tâm hồn con trẻ về cách đối nhân xử thế với mọi người xung quanh.

Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, các em còn rất hồn nhiên và ngây thơ, cần được gia đình, xã hội chăm sóc, bảo vệ. Bảo vệ trẻ em trước bạo hành là trách nhiệm chung của toàn xã hội, cần có sự chung tay góp sức của gia đình, nhà trường, cộng đồng và các cơ quan chức năng.

Mỗi cá nhân, gia đình và tổ chức cần chung tay góp sức để xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, giúp các em phát triển toàn diện và hòa nhập xã hội. Để các em thực sự mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

TUỆ NHI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1022
Quay lên trên