Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Giờ quyết định vận mệnh cho dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”, tình thế cách mạng ở tỉnh Thủ Dầu Một cũng đã chín muồi...
Bài 3: Thủ Dầu Một chuẩn bị giành chính quyền
75 năm trôi qua, những nhân lịch sử cho thời điểm hào hùng tại Thủ Dầu Một hiện không còn nhiều. Những người còn lại cũng đã già yếu bởi dòng chảy thời gian. Nhưng những câu chuyện lịch sử mà họ từng cung cấp, đã trở thành nguồn tư liệu quý giá để thế hệ mai sau mãi ghi nhớ.
Chợ Bưng Cầu không chỉ là nơi giao thương nổi tiếng, nơi đây còn chứng kiến một quyết định lịch sử của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945
Theo lời kể của các nhân chứng và tư liệu sử sách còn ghi lại, cùng với khí thế sôi sục của cả nước, tại tỉnh Thủ Dầu Một, thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam kỳ về việc chuẩn bị trong toàn xứ, ngay từ năm 1940, Tỉnh ủy đã chỉ đạo cho các địa phương trong tỉnh ráo riết chuẩn bị đón thời cơ cách mạng, thành lập các đội vũ trang tự vệ, rèn đúc, mua sắm vũ khí... sẵn sàng tham gia khởi nghĩa.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Giờ quyết định vận mệnh cho dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta” thì tình thế cách mạng ở tỉnh Thủ Dầu Một đã chín muồi. Đêm 23-8-1945, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã họp mở rộng tại chợ Bưng Cầu (phường Hiệp An) để kiểm điểm lực lượng, phân công cán bộ, lập ra Ủy ban Khởi nghĩa của tỉnh do đồng chí Văn Công Khai làm trưởng ban. Tại cuộc họp, Tỉnh ủy cũng quyết định dời sở chỉ huy về ngã ba Lò Chén - Chánh Nghĩa để thuận tiện việc chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh lỵ. |
Sau khởi nghĩa Nam kỳ (23- 11-1940) thất bại, giặc Pháp đàn áp lực lượng ta dữ dội. Chúng truy bắt những người cộng sản và yêu nước ở các làng, đồn điền cao su. Nhiều người bị bắt và bị giết hại. Tháng 3-1943, tổ chức Đảng và phong trào cách mạng của tỉnh Thủ Dầu Một mới dần hồi phục. Cũng theo đó, lần lượt các đơn vị vũ trang được tái lập ở các địa phương. Các đơn vị vũ trang tự trang bị vũ khí bằng nhiều cách, như lấy từ kho vũ khí của địch, mua hoặc đổi bằng lương thực, tước súng của bọn lính… Giữa năm 1945, phong trào Thanh niên Tiền phong (TNTP) ra đời ở Sài Gòn và các tỉnh, thu hút hàng vạn thanh niên vào tổ chức bán vũ trang yêu nước. Ở Thủ Dầu Một, lực lượng TNTP cũng được thành lập vào tháng 5-1945 và phát triển mạnh mẽ.
Về sự kiện lịch sử này, ông Nguyễn Văn Hữu (Một Hữu), nguyên Tỉnh đội trưởng, Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Thủ Dầu Một, từng kể: Khoảng tháng 5-1945, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã chỉ đạo các cơ sở khẩn trương chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa khi thời cơ chín muồi. Từ đó đến tháng 8-1945 là bước phát triển nhảy vọt của phong trào quần chúng ở Thủ Dầu Một với Hội Cứu quốc, công nhân, nông dân và các đội tự vệ được thành lập. Hầu hết, nhân dân lao động đều tham gia trong đoàn thể quần chúng. Còn cán bộ Đảng, Mặt trận Việt Minh thì sôi nổi diễn thuyết về chủ trương của Đảng, của Việt Minh.
Ông Nguyễn Hảo Đức, một cán bộ lão thành cách mạng, cho biết ông sinh ra trong thời kỳ đất nước bị thực dân Pháp đô hộ. Cuộc sống người dân ngày càng lầm than, đói khổ. Tháng 1-1945, ông tròn 18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời mỗi con người. Thấy ông nhanh nhẹn, gan dạ nên bác sĩ Nguyễn Văn Đối, Tỉnh ủy viên, phụ trách Việt Minh kết nạp ông vào Mặt trận Việt Minh, ở Đội Xích vệ đỏ, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám ở tỉnh Thủ Dầu Một. Trong những lần gặp, ông hay kể rằng ông vẫn còn nhớ như in bài học đầu tiên về con đường cách mạng mà ông đã được bác sĩ Nguyễn Văn Đối dạy. Nó gồm 5 bước: Điều tra, tuyên truyền, tổ chức, giáo dục và hướng dẫn đấu tranh.
Thời kỳ đó, ông Nguyễn Hảo Đức được giao nhiệm vụ làm công tác vận động quần chúng. Bởi lúc bấy giờ, Tỉnh ủy chỉ đạo đẩy mạnh công tác binh vận trong cảnh sát và cộng hòa vệ binh. Kết quả có hàng chục hạ sĩ quan và chỉ huy địch theo ta. Trong số đó, nhiều người trở thành nòng cốt điều hành binh sĩ làm theo lời kêu gọi của Việt Minh ủng hộ nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền; đồng thời đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên truyền cổ động toàn dân khởi nghĩa trên nhiều khu vực, trong đó trọng điểm là Phú Cường. Vì vậy, bên cạnh số cán bộ, đảng viên, còn có đông đảo những cán bộ Cứu quốc, Hội truyền bá Quốc ngữ, TNTP làm công tác tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền là nêu cao khẩu hiệu “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Chính phủ cộng hòa dân chủ”, “Chính quyền về tay Việt Minh”... và những tin chiến thắng của Hồng quân Liên Xô và quân Đồng minh, tin thất bại của phát xít Đức, Ý, Nhật... Hình thức hoạt động bao gồm cả tuyên truyền miệng, tổ chức phát loa, dạ hội biểu diễn ca kịch lịch sử, đội múa lân người Việt, người Hoa đi cổ động... Những hoạt động tích cực sôi nổi này được đông đảo nhân dân hưởng ứng, tham gia và trở thành sức mạnh áp đảo việc truyền bá tư tưởng tiêu cực của địch.
Song song công tác tuyên truyền, các đơn vị tự vệ, Thanh niên Cứu quốc, TNTP trong các làng thuộc tỉnh Thủ Dầu Một tích cực luyện tập võ thuật, hoạt động tuyên truyền, cổ động biểu dương lực lượng. Đội tự vệ Lò Chén Phú Cường, TNTP Chánh Hiệp, Phú Hòa, Phú Mỹ, Định Hòa… hoạt động rất mạnh mẽ. Có nơi có từ 50 - 100 đội viên. Các đội TNTP tự trang bị vũ khí thô sơ như gươm, mã tấu, gậy tầm vông. Đặc biệt, ở Phú Hòa, TNTP được trang bị hơn 10 súng lấy được của Nhật.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn Quảng Thủ, địa danh từ thời Pháp thuộc (giờ trở thành khu đất công ở khu phố 9, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một), ông Bùi Văn Sửu, một người đã gắn bó với khu vườn này từ khi tóc còn để chỏm, cho biết trước đây, vườn Quảng Thủ là văn phòng của Tây, sau đó bị ta đánh chiếm. Với diện tích khoảng 1 ha, vườn có một cây mít nài to, nơi đây hàng ngày trở thành nơi tập luyện võ thuật của đội TNTP. “Mỗi buổi chiều, ngay tại vườn Quảng Thủ này tập hợp khoảng mấy chục thanh niên, phụ nữ. Mỗi người một khúc tầm vông tập luyện võ thuật…”, ông Bùi Văn Sửu nhớ lại.
Để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa, ngày 14-8-1945, Đội Cảm tử quân của huyện Tân Uyên cũng được thành lập với 14 đội viên. Cùng với Đội Cảm tử quân thì trên khắp 32 xã của huyện Tân Uyên lúc bấy giờ, lực lượng TNTP cũng hoạt động rất sôi nổi. Đây là 2 lực lượng đã đóng góp to lớn cho thắng lợi Cách mạng tháng Tám ở Tân Uyên. Đồng thời, đây cũng chính là những hạt giống đầu tiên của lực lượng vũ trang Tân Uyên anh dũng sau này.
Ở quận Lái Thiêu, Mặt trận Việt Minh cũng đã lãnh đạo thành lập lực lượng tự vệ do thầy giáo Nguyễn Văn Tép chỉ huy. Ở hầu khắp các làng trong quận thành lập được lực lượng tự vệ, mỗi xã vài chục đội viên làm nòng cốt cho phong trào khởi nghĩa giành chính quyền tại địa phương. Phong trào tập luyện quân sự, sắm sửa, rèn đúc vũ khí, làm gậy tầm vông diễn ra khắp nơi. Các đội Thanh niên Cứu quốc, TNTP, đội viên tự vệ ở các xã tổ chức đột kích vào các đồn bốt Nhật - Pháp để lấy vũ khí. Khẩu hiệu lúc này là “Đánh đuổi phát xít Nhật”, “Ủng hộ Việt Minh”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Khởi nghĩa giành chính quyền”... kêu gọi nhân dân hăng hái ủng hộ tiền bạc, thóc gạo vào Quỹ Cứu quốc để mua sắm vũ khí, băng cờ chuẩn bị khởi nghĩa.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Giờ quyết định vận mệnh cho dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta” thì tình thế cách mạng ở tỉnh Thủ Dầu Một đã chín muồi. Đêm 23-8- 1945, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã họp mở rộng tại chợ Bưng Cầu (phường Hiệp An) để kiểm điểm lực lượng, phân công cán bộ, lập ra Ủy ban Khởi nghĩa của tỉnh do đồng chí Văn Công Khai làm trưởng ban. Tại cuộc họp, Tỉnh ủy cũng quyết định dời sở chỉ huy về ngã ba Lò Chén - Chánh Nghĩa để thuận tiện việc chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh lỵ.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến tỉnh, các đơn vị vũ trang tuy chưa được trang bị kiến thức quân sự, thiếu kinh nghiệm chiến đấu, vũ khí ít ỏi, thô sơ, chủ yếu là tầm vông, giáo mác đã hừng hực ý chí chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập dân tộc, góp phần làm nên thành công của Cách mạng tháng Tám ở tỉnh Thủ Dầu Một. (còn tiếp)
THU THẢO