Đến hẹn lại lên...!

Cập nhật: 11-02-2011 | 00:00:00

Sau những ngày vui tết, người dân khắp nơi bắt đầu du xuân các đền chùa, tham quan danh lam thắng cảnh. Ai cũng đến cầu tài lộc, cầu một năm tốt lành, cầu cho gia đình gặp nhiều may mắn, hạnh phúc. Nơi họ đến đông nhất vào những ngày này là chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu ở TX.TDM, núi Bà Đen ở Tây Ninh, chùa Bà Chúa Xứ Núi Sam ở Châu Đốc, An Giang...

Chuyện viếng chùa hay đến những điểm du lịch bên cạnh ý nghĩa cũng không khỏi tránh những nhọc nhằn. Bởi ở lễ hội nào họ cũng bị đội quân cúng thuê, gieo quẻ thuê, giựt dọc, ăn xin bao vây. Dù lực lượng an ninh trật tự túc trực 24/24 nhưng đội quân ấy quá đông nên khó lòng kiểm soát hết. Rất nhiều hành vi lừa đảo công khai và tinh vi, nào là người đông, đường tắc, nào là “chặt chém”. Chứng kiến tại điểm chùa Bà (TX.TDM) được biết, mới mùng 8 tết mà giá giữ xe tăng lên theo cấp số nhân. Nguyên nhân là do tắc đường từ vòng ngoài nên du khách phải gửi xe bên ngoài với giá “cắt cổ” từ 10.000 - 20.000 đồng/xe máy hoặc 30.000 - 50.000 đồng/ô tô tùy loại.

Tại các đền chùa, chuyện đốt nhang khấn nguyện đã được người giữ chùa hướng dẫn từ cổng ngoài. Dù du khách có đốt bao nhiêu nhang đi nữa thì mỗi người chỉ cầm được 3 cây nhang khi vào chùa. Vậy thế mà vỏ bao nhang vẫn vứt lềnh khềnh, vàng mã chất đống ngồn ngộn, khói hương nghi ngút khiến cho không khí quanh chùa trở nên ngột ngạt. Ở một số lễ hội, người ta đã lấy đồng tiền làm thước đo của lòng thành. Sau khi đốt nhang khấn nguyện với Phật, thánh, thần linh, người ta thường đến “cúng dường” để đổi lấy bao lì xì đỏ, trong đó có miếng vàng mã. Theo quan niệm của họ, đây là miếng vàng may mắn suốt năm, làm đâu trúng đó.

Còn nữa! Đó là chuyện bày biện bên lề đường bán văn hóa phẩm mê tín dị đoan. Dù đã có biển cấm nhưng nhiều người vẫn bán một cách ngang nhiên. Các đối tượng này đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một số người và biến những nơi uy nghiêm, tôn kính thành địa điểm kinh doanh, thu lợi bất chính cho cá nhân.

Những vấn nạn thuộc loại “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” trên đây cứ “đến hẹn lại lên” tại các lễ hội đầu xuân chính là xuất phát từ sự buông lỏng, thiếu kiên quyết trong xử lý của chính quyền địa phương, các ngành chức năng và của ban tổ chức các lễ hội. Năm nào cũng vậy, trước khi vào mùa lễ hội, các bộ, ngành liên quan, các cấp chính quyền luôn chỉ đạo chính quyền cơ sở, các ban tổ chức tăng cường quản lý và tạo môi trường lành mạnh trong các lễ hội, điểm di tích, vừa đáp ứng nhu cầu chiêm bái, tâm linh của nhân dân vừa vui, an toàn; kiên quyết xử lý, dẹp bỏ những tệ nạn ra khỏi các đền thờ, khu di tích nhằm bảo đảm sự trang nghiêm, tôn kính ở những nơi này. Nhưng việc chấn chỉnh, uốn nắn những mặt trái của các lễ hội không đến nơi đến chốn, thậm chí còn phó mặc những người tổ chức đời hóa, tục hóa, thị trường hóa lễ hội.

Đối với du khách, nhất là khách từ xa đến, cần phải biết “gạn đục, khơi trong” những điều gì nên giữ và điều gì nên bỏ khi tham dự các lễ hội, không nên quá tin vào chuyện xin xăm, bói toán, những hành vi xâm hại di tích, tiếp tay cho những kẻ buôn thần bán thánh, hành nghề mê tín dị đoan.

MAI HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên