Đến với Trường Sa thân yêu- Bài 2

Cập nhật: 24-05-2022 | 08:38:19

Bài 1: Mang theo yêu thương…

Bài 2: Hải trình dạt dào…

Gió nhẹ. Sóng yên biển lặng. Tàu kiểm ngư KN - 491 cứ thế rẽ nước lướt sóng theo đúng lộ trình đã định, đưa Đoàn công tác số 7 đi thăm quân và dân ở quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/12 (Tư Chính)…

Háo hức chờ mong

Trên chuyến hải trình lần này, với tôi cũng như nhiều đại biểu khác, lần đầu tiên đi Trường Sa và cũng lần đầu tiên được đi tàu KN - 491, một trong những tàu kiểm ngư hiện đại nhất của nước ta hiện nay. Do vậy, buổi chiều lên tàu ra đảo, tôi có ý định phải tìm hiểu khám phá về con tàu cho thỏa trí tò mò. Rời giường nằm ở khu vực tầng 2 (tính từ đáy tàu lên), sau khi vòng quanh tham quan một vòng trên tàu, được sự hướng dẫn, tôi lên thẳng tầng trên để xin vào buồng lái. Khác hẳn những gì tôi nghĩ, buồng lái được thiết kế rất hiện đại, ngăn chia ra làm khu vực khác nhau; buồng lái, tác nghiệp, thông tin, theo dõi thông tin máy. Tại khu vực điều khiển con tàu, tôi hỏi Thiếu tá Nguyễn Văn Tuyên, Thuyền trưởng tàu KN - 491, người có thời gian công tác gắn bó với con tàu này hơn 3 năm, rằng tàu đi đêm tối như vầy, làm sao biết tàu đang đi đúng hải trình, có bảo đảm an toàn không? Thuyền trưởng Tuyên cười và nói ngay với tôi, tàu được đóng theo công nghệ hiện đại, có cảm biến cảnh báo, định vị đường đi..., mọi hoạt động của tàu điều được điều khiển bằng nhấn nút, vặn nút thôi. Đặc biệt, tàu có chế độ lái tự động, theo hải trình đã cài đặt sẵn. Đúng như lời anh nói, trên bàn điều khiển của tàu, tôi nhìn một lúc lóa cả mắt, rất nhiều màn hình to, nhỏ của ra đa, thông số kỹ thuật và nút nhấn có đèn xanh đỏ, bàn phím điều khiển để điều khiển các thiết bị khác trên tàu, đèn, camera...

Các đại biểu đoàn công tác tỉnh Bình Dương trên tàu KN - 491

Tàu KN - 491 thuộc thế hệ tàu tuần tra đa năng cỡ lớn hiện đại nhất của kiểm ngư Việt Nam hiện nay - lớp KN-2011. KN-2011 là phiên bản nâng cấp cải tiến từ thiết kế tàu DN-2000 của hãng Damen trang bị cho Cảnh sát biển Việt Nam. Tàu có một số khác biệt như thiết kế ống khói, bổ sung hangar trực thăng và thiết kế mũi tàu kiểu lưỡi rìu đặc trưng, giúp tàu rẽ sóng tốt hơn khi đi biển... Thuyền trưởng Tuyên cho biết thêm, những chuyến chở đại biểu đi thăm đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/12, Ban Tổ chức tính toán kỹ, lựa khoảng thời gian thời tiết ổn định nhất, biển lặng sóng yên để đi, né những khoảng thời gian thời tiết xấu, biển động. Tuy nhiên, thiên nhiên cũng khó nói chắc chắn được, có nhiều đoàn cũng gặp phải áp thấp, bão, biển động... Có những lần, những đoàn công tác hải trình đi biển yên gió lặng nhưng khi về hải trình chỉ cách đất liền mấy chục cây số thì gặp biển động, sóng to sẽ bị say sóng.

Qua câu chuyện với người thuyền trưởng, tôi thêm hiểu hơn về nhiều việc làm thầm lặng ở những chuyến đi công tác dài ngày trên biển, trong đó có việc kịp thời hỗ trợ ngư dân gặp sự cố, ốm đau, tàu bị hỏng máy... “Có những lúc chúng tôi chỉ nhận được tin báo về tọa độ gặp nạn của tàu ngư dân trên biển, sau đó mọi liên lạc và định vị tàu của ngư dân không hoạt động. Những lúc như vậy, anh em cùng tàu đến đúng tọa độ nơi tàu ngư dân gặp nạn cung cấp rồi sau đó bằng kinh nghiệm đi biển, theo hướng gió, luồng nước để tìm đến tàu ngư dân và lai dắt về đất liền sửa chữa”, Thuyền trưởng Tuyên tâm sự.

Ra khỏi khu vực buồng lái tàu, tôi lại tiếp tục đi khám phá những khu vực khác trên tàu. Trên boong tàu, ánh nắng chan hòa, gió biển thổi mát rượi, nhiều đại biểu cũng đang chọn cho mình chỗ đứng ưng ý nhất để chụp những bức ảnh đẹp làm kỷ niệm. “Tàu KN - 491 rất hiện đại. Do vậy, tôi phải tranh thủ chụp những bức ảnh ở vị trí tàu khác nhau, buồng lái, trên boong tàu, mũi tàu… để lưu lại làm kỷ niệm và chia sẻ cho bạn bè biết thêm thông tin về tiềm lực lực lượng kiểm ngư của chúng ta…”, ông Nguyễn Văn Long, đại biểu đoàn công tác tỉnh Bình Dương nói.

Theo lịch hải trình đi, thời gian tàu xuất phát từ cảng Quốc tế Cam Ranh tới điểm đảo đầu tiên là đảo Đá Thị khoảng 37 giờ đồng hồ. Trong khoảng thời gian này, các đại biểu trên tàu đều có chung tâm trạng háo hức chờ mong đến ngày được đặt chân lên đảo thỏa nỗi niềm khát khao mong chờ được ra thăm biển đảo quê hương bấy lâu này...

Những chiến sĩ “thầm lặng”

Chuyến hành trình ra Trường Sa lần này kéo dài 8 ngày, để bảo đảm sức khỏe cho các đại biểu, công tác hậu cần từ việc ăn uống đến giấc ngủ đã được Ban Tổ chức chăm lo rất chu đáo. Đó là nhờ cả vào nỗ lực lớn của tập thể nhà bếp trên tàu. Các đại biểu thường gọi họ với cái tên trìu mến: “Anh nuôi”. Câu chuyện trên boong tàu, phòng ngủ hay bữa ăn, luôn được các đại biểu dành cho các “anh nuôi” bằng hai từ: “Khâm phục”. 3 giờ sáng, khi mọi người vẫn đang say giấc nồng thì điện khu vực bếp đã sáng trưng. Các “anh nuôi” đang tất bật, luôn tay luôn chân khẩn trương khiến cho cả gian bếp nhộn nhịp hẳn. Thi thoảng tàu gặp sóng mạnh làm tàu lắc lư, nghiêng ngả, xoong nồi bị trượt dồn về các phía, vung rơi liểng xiểng…

Những “anh nuôi” trên tàu đúng là những chiến sĩ “thầm lặng”, đem lại những bữa cơm ngon miệng giúp các đại biểu bảo đảm sức khỏe trong suốt hải trình dài ngày đến với Trường Sa. Thương các “anh nuôi” vất vả phải dành thời gian 20 giờ trong ngày để lo việc ăn uống cho đoàn công tác, ngoài thời gian tham gia hoạt động chung của đoàn công tác, nhiều đại biểu nữ còn luôn tranh thủ xuống bếp ăn phụ giúp các anh công việc bếp núc. Chị Nguyễn Thị Thúy Phượng, cán bộ Quỹ Học bổng Vừ A Dính cùng với 8 thành viên khác của đoàn luôn túc trực phụ giúp các anh nhà ăn những công việc bếp núc, rửa chén đũa, nhặt rau, chia đồ ăn vào các khay... “Các anh người ít, phục vụ số lượng đoàn đại biểu đông, rất vất vả, liên tục chân tay, bảo đảm cho những bữa sáng, trưa, chiều, khuya lên bàn ăn đúng giờ. Do vậy, ngoài thời gian tham gia hoạt động của đoàn, chúng tôi không ai bảo ai lại tranh thủ vào bếp phụ các anh những việc làm được cho đến khi kết thúc chuyến hỏa trình này”, chị Phượng tâm sự.

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh hải quân, cho biết việc bảo đảm sức khỏe cho các đại biểu qua những bữa cơm hàng ngày trên tàu được các thủ trưởng các cấp giao trọng trách cho đội ngũ “anh nuôi” làm nhiệm vụ trên tàu… Do vậy, các “anh nuôi” được tuyển chọn từ các đơn vị, là người có kinh nghiệm trong nấu ăn, có trách nhiệm cao, có sức khỏe chịu đựng được sóng gió, không bị say sóng... để thành lập tổ nuôi quân. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trước khi lên tàu nhận nhiệm vụ các “anh nuôi” phải trải qua khóa tập huấn về chuyên môn nấu ăn ngon bảo đảm cung cấp đủ dinh dưỡng cũng như cách bảo quản giữ cho thực phẩm, rau củ quả, thịt, cá... luôn được tươi ngon và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… Có như vậy mới bảo đảm được nhiệm vụ đưa các đoàn đại biểu đến với Trường Sa…(Còn tiếp)

Đại úy Trần Đăng Khoa, Bếp trưởng tàu KN - 491, cho biết: “Làm bếp ở trên đất liền vốn dĩ đã vất vả bởi việc vặt nhiều, luôn chân luôn tay. Công việc bếp núc trên tàu còn vất vả gấp bội, nhất là khi gặp phải thời tiết xấu, biển động mạnh cấp 5 đến cấp 7, sóng cao hàng mét tàu cứ thế chồm lên hụp xuống khiến công việc bếp núc, nấu nướng, rửa rau, thái thịt... vô cùng khó khăn. Những lúc như vậy, ai chưa quen thì lấy dây thắt ngang lưng buộc thành bếp, hay tì hông vào thành bếp hoặc dùng toàn lực toàn cửa cơ thể để gồng lên dồn xuống 2 chân giống như người học võ đứng thế trung bình tấn để trụ vững, rồi một tay giữ chặt xoong nồi, còn tay kia đảo đồ trong nồi...”.

ĐỖ TRỌNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1674
Quay lên trên