Bài 3: Viết tiếp bài ca người lính biển
Đúng theo hải trình đi vào khoảng gần 5 giờ sáng và 13 giờ chiều trong ngày, Tàu KN- 491 dừng chạy và neo đậu ngoài biển cách các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa khoảng 1.000m, chờ đến giờ đưa đại biểu vào thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang sinh sống và làm nhiệm vụ tại đây. Từ xa xa, qua ống nhòm của buồng lái tàu, tôi đã thấy thấp thoáng dáng hình của cán bộ, chiến sĩ xếp hàng ngay ngắn, trong bộ quân phục chỉnh tề để chuẩn bị làm lễ đón đoàn vào thăm đảo…
Trường Sa trong trái tim
Xuồng đưa đại biểu từ tàu KN-491 vào thăm đảo đều được lực lượng thủy tàu chuẩn bị sẵn sàng từ trước. Sau giờ ăn sáng, loa tàu lại vang lên những dòng thông báo từ ban tổ chức về việc xuống tàu vào đảo theo thứ tự đã quy định và bảo đảm an toàn trong quá trình di chuyển xuống xuồng vào đảo.
Ông Nguyễn Lộc Hà (thứ 2, từ trái qua), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn công tác tỉnh Bình Dương thăm hỏi, động viên và tặng quà cán bộ, chiến sĩ trên đảo Phan Vinh B (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa)
Ấn tượng về cán bộ, chiến sĩ qua từng nơi đoàn đến đã đeo đuổi trong tâm trí chúng tôi suốt dọc cuộc hải trình dài ngày. Thế hệ người lính biển hôm nay đã và đang tiếp nối truyền thống hào hùng của bao lớp cha anh đi trước, với dũng khí oai hùng của bộ đội Cụ Hồ. Chiến sĩ Trần Hoàng Trung, quê TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), nhập ngũ năm 2021, hiện đang làm nhiệm vụ tại đảo An Bang, cho biết dù đã thi đậu đại học Nha Trang nhưng Trung vẫn quyết định bảo lưu kết quả và tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ để đem chí trai phụng sự Tổ quốc. “Năm 2021, tôi đã viết đơn tình nguyện xin nhập ngũ, sau khi kết thúc khóa huấn luyện, được phân công làm nhiệm vụ nơi đảo xa, cảm thấy rất vinh dự và tự hào vì được cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc. Thời gian đầu, mới ra đây cũng còn nhiều bỡ ngỡ chưa quen, tuy nhiên được sự giúp đỡ của thủ trưởng và các đồng đội, tôi đã nhanh chóng làm quen được và thích nghi với công việc, môi trường sống trên đảo. Hôm nay, được cán bộ từ đất liền ra thăm hỏi sức khỏe và tặng quà, tôi và đồng đội rất vui mừng, phấn khởi”, anh Trung nói.
Tương tự, chiến sĩ Phạm Như Đạt, quê Hưng Yên, hiện đang làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa Lớn, nhập ngũ năm 2021, chia sẻ: “Mong muốn được làm người lính đảo đã là niềm mơ ước của tôi từ ngày nhỏ. Và khi trở thành chiến sĩ ở đảo Trường Sa thì niềm tự hào càng lớn hơn, càng muốn gắn bó và cống hiến nhiều hơn. Mỗi cán bộ, chiến sĩ ở đảo Trường Sa Lớn nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung luôn đoàn kết yêu thương, chia sẻ trách nhiệm, xem đảo là nhà, biển cả là quê hương và đồng đội là anh em ruột thịt, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chúng tôi nguyện vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…”.
Chính trị viên đảo Tốc Tan C Nguyễn Văn Trưởng, quê ở Bắc Ninh, cho biết ngày con ngồi trên ghế nhà trường đã rất yêu hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ với ngôi sao năm cánh lấp lánh trên mũ. Xuất phát từ tình yêu ấy đã thôi thúc anh thi vào trường quân đội. Niềm vinh dự lớn lao với anh là được nhận nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Cuộc sống của người lính đảo tuy còn những khó khăn về vật chất lẫn tinh thần nhưng đó là một niềm vinh dự và tự hào. Với mỗi chiến sĩ trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, họ luôn đặt quyết tâm cao. “Hai tiếng Trường Sa rất thiêng liêng với tôi, như chính trái tim mình, cũng là mạch máu chảy trong tâm hồn tiếp thêm động lực và sĩ khí để tôi cùng cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở đảo Tốc Tan C nói riêng, ở quần đảo Trường Sa nói chung thêm vững chắc để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biển, đảo của Tổ quốc”, Chính trị viên Nguyễn Văn Trưởng nói.
Vinh quang người chiến sĩ
Khi tới thăm đảo Phan Vinh B, ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trưởng đoàn công tác của tỉnh đã thay mặt đoàn công tác số 7 gồm những đại biểu của các cơ quan bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp... có bài phát biểu xúc động. Trong bài phát biểu, ông Nguyễn Lộc Hà đã ôn lại truyền thống lịch sử anh hùng, đảo vinh dự được đặt tên người anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh (quê huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), thuyền trưởng một con tàu không số vận chuyển vũ khí vào miền Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, đã cho tàu trú tại hòn đảo này để tránh bão và cứu đồng đội. Anh đã anh dũng hy sinh trong một trận chiến đấu không cân sức với tàu chiến Mỹ. Sự kiên cường, mưu trí của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng đồng đội đã trở thành bất tử. Thay mặt đoàn công tác số 7, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân tỉnh Bình Dương, ông Hà gửi tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đây tình cảm sâu sắc nhất; chúc cho tất cả cán bộ, chiến sĩ luôn mạnh khỏe, tiếp bước cha anh nêu cao tinh thần đoàn kết, huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh Tổ quốc và nhân dân giao phó: Canh biển, canh đảo, canh trời của quê hương và là điểm tựa vững vàng trước biển của ngư dân.
Đây cũng là mong muốn chung của các đại biểu trong đoàn công tác khi đến thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Cuộc sống của người lính biển càng vất vả, khó khăn càng hun đúc lòng tự hào, tự tôn dân tộc, thêm quyết tâm vững chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, thành viên của đoàn công tác tỉnh Bình Dương, chia sẻ: “Từ rất lâu, chúng tôi đã mong muốn đến thăm quần đảo Trường Sa của Tổ quốc. Hôm nay vinh dự được đặt chân lên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chúng tôi rất xúc động khi được tận mắt nhìn thấy những hoạt động của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Tất cả đều thể hiện tình đoàn kết quân - dân gắn bó keo sơn. Đặc biệt, các công trình văn hóa trên đảo như Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Đài tưởng niệm liệt sĩ, chùa Sinh Tồn Đông, chùa Trường Sa... là những công trình văn hóa tiêu biểu của huyện đảo Trường Sa, mang lại cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở nơi đây hình bóng đất liền và là điểm tựa tinh thần vượt qua mọi khó khăn, giông bão, vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Qua chuyến công tác thăm quân dân ở quần đảo Trường Sa lần này, được tận mắt cảm nhận những hoạt động, được trò chuyện với các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các đảo đã giúp chúng tôi càng hiểu biết sâu sắc hơn về cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió. Điều kiện càng vất vả, khó khăn càng hun đúc lòng tự hào, tự tôn dân tộc của những người lính biển thêm quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi luôn luôn tự hào về các anh, những người lính biển kiên cường, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Các anh tiếp tục truyền cảm hứng yêu nước, giúp chúng tôi nhận thức sâu sắc hơn về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc... (còn tiếp)
ĐỖ TRỌNG