Đi qua một chiến dịch

Cập nhật: 30-04-2020 | 08:54:58

Mùa Xuân năm 1975, Trung đoàn Pháo binh 186 trong đội hình Sư đoàn 312 bộ binh rầm rập tiến quân về giải phóng Sài Gòn - Gia Định. 45 năm đã trôi theo dòng thời đại, nhưng quãng thời gian sống cao đẹp, hào hùng lứa tuổi 20 vẫn còn khắc sâu trong trái tim những cựu chiến binh, mãi không thể nào quên.

Từ ngầm sông Bé đến rừng Đồng Xoài

Sau 16 ngày hành quân rất khẩn trương, nhất là từ ngày nhận bức điện khẩn của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”.

Bức điện vừa là mệnh lệnh vừa là lời hịch cổ vũ tinh thần đối với chỉ huy, chiến sĩ trên chiến trường. Từ ngã ba Đông Dương (tiếp giáp 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia) đoàn xe, pháo đã chạy cả về đêm để tránh máy bay địch oanh tạc và tăng vận tốc hành quân. Vượt qua quãng đường dài gần 2.000 km, trong đó có trên 1.500 km đường núi, rừng Trường Sơn hùng vĩ với nắng lửa, mưa nguồn và đầy rẫy đạn, bom, mìn ...

24 giờ ngày 20-4-1975, những chiếc xe kéo pháo đầu tiên của Trung đoàn đã tiến sâu vào khu vực có chiến sự, chuẩn bị vượt ngầm sông Bé (tỉnh Tây Ninh). Vừa lúc nhận được tin trinh sát đi trước báo về phía bên kia ngầm có 30 xe tăng của quân lực Việt Nam Cộng hòa (viết tắt VNCH) đang phục kích. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 10 Vũ Đăng Khang ra lệnh cho toàn tiểu đoàn tạm dừng hành quân, ngụy trang xe pháo và đào hầm ngủ, không được mắc võng. Ông nói: “Đồng chí nào không đào hầm ngủ, nếu trúng mảnh đạn pháo chết còn bị kỷ luật”.


Ảnh minh họa

Nhờ có ánh trăng soi sáng nên mọi công việc được thực hiện nhanh chóng. Một số chiến sĩ trẻ do hành quân dài ngày gian khổ nên đã thấm mệt, vừa đào vừa ngủ gục ngay trên miệng hầm còn dang dở, nhưng ngay sau đó bị cán bộ trung đội gọi dậy lại tiếp tục đào. Trong đêm, tôi nhìn thấy xung quanh liên tục có những ánh chớp sáng cùng những tiếng súng nổ đì đùng như trời đang có mưa dông.

Sáng ngày 21-4, toàn bộ xe tăng địch rút, trung đoàn tiếp tục hành quân cả ngày - đêm không nghỉ. Chúng tôi chia nhau vài phong lương khô 701 ăn ngay trên xe. Nước uống đựng trong bi đông cá nhân đeo bên hông nhưng khi khát phải nhấp từng ngụm nhỏ dè xẻn, ai nấy đều có bài học về tiết kiệm nước uống.

Tôi nhớ mãi ngày hành quân qua tỉnh Savanakhet (Lào), mỗi bi đông chỉ chứa một lít nước; xe phải chạy liên tục không dừng, dọc hai bên đường cây cỏ cháy đen, trời nắng gắt, khát nước uống liên tục. Qua canh trưa, các bi đông chúng tôi mang theo đều đã cạn, cơn khát bắt đầu hành hạ, cổ họng khô rát rất khó chịu...

Bỗng có cơn mưa thoảng qua, quan sát thấy từ vết trũng của bánh xe chạy trước nước còn đọng lại, váng bùn chưa kịp lắng xuống, tôi vội bấm anh lái xe chạy chầm chậm. Chỉ trong 15 giây tôi đã kịp nhảy xuống xe, chạy băng lên phía trước, quỳ xuống đường chụm hai bàn tay lại hớt nước từ trong vũng đó rót vào miệng bi đông. Leo lại lên xe, tôi cho viên khử trùng vào, lắc nhẹ mấy cái, giữ yên một lát rồi... uống. Bi đông được truyền tay nhau, mỗi người một ngụm tạm thời đẩy lui cơn khát.

Cũng như những ngày trước, mỗi xe có hai lái xe, luân phiên. Ai nấy đều nhúng ướt khăn trùm kín đầu, mặt để làm mát và chống bụi. Đoàn xe kéo pháo nối dài 5 km bám đuôi nhau chạy rù rì trên con đường đất uốn khúc, gập ghềnh, bụi đỏ bay mù mịt, nhìn như một đàn voi đang lầm lũi nối nhau đi... lùi trong bão cát sa mạc. Cách nhau vài chục mét mà người ngồi xe giữa chỉ thấy thấp thoáng nòng pháo xe đi trước và đầu xe đi kề sau.

Đang còn mùa Xuân, trong khi miền Bắc rét mướt thì miền Đông Nam bộ đã nắng nóng gay gắt như đổ lửa; từ giữa trưa đến xế chiều lại có gió Lào thổi qua càng làm cho không khí thêm oi bức, ngột ngạt. Bộ quần áo vải kaki Tô Châu mặc trên mỗi người đã bạc phếch, phủ đầy bụi, thấm mồ hôi khô cứng, kêu sột soạt, cứ chạm vào da thịt nóng rát.

Ban đêm, cả đoàn phải dừng lại rất lâu, nhường đường cho những chiếc xe đặc chủng dài mang từng quả tên lửa phòng không và mấy chục chiếc xe tăng T54, T56 chạy băng ngang theo hướng khác. Tất cả các xe đều chạy không mở đèn. Giữa vùng rừng núi rộng mênh mông, tiếng các loại động cơ xe cùng nổ rầm rầm, nhiều tia lửa đỏ rực bay ra từ 2 hàng lỗ tản nhiệt của những chiếc xe tăng nhìn đầy uy lực, làm cho không khí ở khu vực này đang nóng lại càng thêm sôi sục.

Thiếu tá, Trung đoàn trưởng Phùng Kim Tình (sau này ông là đại tá, Trưởng ban Pháo binh Quân khu 5) ngồi trên chiếc xe Zep chiến lợi phẩm mui trần chạy dọc theo đoàn quân. Vẻ mặt nghiêm khắc, với giọng miền Nam sang sảng ông ra lệnh cho chỉ huy các đơn vị: Hành quân khẩn trương nhưng phải chú ý giữ vững đội hình, đúng khoảng cách.

Lúc này, các chiến sĩ ngồi trên các xe kéo pháo đa phần là người Hải Dương, Hà Nội và Thanh Hóa lứa tuổi 20 nhưng rất tỉnh táo. Ai cũng nóng lòng chờ đến giờ được nổ súng chiến đấu, dù biết đó là cuộc chiến sinh - tử và tất cả đều hiểu rõ ý nghĩa lịch sử to lớn của các trận đánh sắp tới.

Rạng sáng ngày 22-4, có 90% số vũ khí trang bị của trung đoàn, bao gồm 11/12 khẩu lựu pháo 122 ly, 4 khẩu súng cối 120 ly và 12 súng máy 12,7 ly (chở trên xe), 7/8 khẩu canong 85 ly, 10/12 khẩu cao xạ 37 ly với 75 xe cơ giới các loại và hơn 1.000 quân lần lượt vào đến vị trí tập kết tại một khu rừng già rộng lớn huyện Đồng Xoài (tỉnh Phước Long, nay là tỉnh Bình Phước). Mặc dù còn rất mệt mỏi nhưng chúng tôi đã bắt tay ngay vào các việc ngụy trang, đào công sự, kiểm tra kỹ thuật xe pháo và chuẩn bị hậu cần, đạn dược bảo đảm cho chiến đấu.

Từ sáng ngày 23 đến chiều 25-4, máy bay trinh sát OV10, L19 của quân lực VNCH liên tục bay lượn trên khu vực trú quân của Trung đoàn thả những quả lựu đạn khói xuống. Ngay sau đó, nhiều lượt máy bay AD6 lao tới ném bom ầm ầm vào giữa đội hình của Trung đoàn. Cách công sự của tôi 30 m, một chiếc xe vận tải hậu cần trúng bom bốc cháy. Không rõ số thương vong là bao nhiêu nhưng tôi thấy nhiều chiếc võng vải xanh khiêng người thấm máu được đưa đi...

Suốt ngày 26-4, mấy chiếc máy bay trực thăng bay rà thấp, to như chiếc thuyền lớn; tiếng máy nổ "phành, phành" và gió mạnh từ cánh quạt làm nghiêng ngả các ngọn cây. Bên dưới nhìn lên qua tán lá tôi thấy rõ mặt tụi lính đứng trên, mắt đeo kính chắn gió, mặc đồ rằn ri đang dòm xuống. Mỗi khi chiếc trực thăng chúi đầu là phóng ra 1 - 2 quả đạn rocket hoặc xả xuống từng loạt 20 ly nghe như tiếng ai thổi lửa "phụt, phụt..."; dưới công sự nhiều nòng súng hướng lên, rê theo. Tôi đã lắp một quả đạn súng B40 ngắm vào ô cửa mở của chiếc trực thăng đang bay "treo" chếch trên đầu, tầm bắn rất gần nhưng có lệnh không nổ súng để giữ bí mật cho đơn vị.

Do những ngày phải dùng nước suối, ăn rau dại và ngủ rừng trong điều kiện khắc nghiệt nên ở tại đây chiều nào tôi cũng thấy mấy chiếc võng có người nằm trên trùm chăn kín mít, co giật, rên la vì đang lên cơn sốt rét, được quân y khiêng về phía con suối - nơi có dãy lán bệnh xá dã chiến của Trung đoàn.

Tối cùng ngày, cả khu rừng trở nên yên ả hiếm có, như không có người, chốc chốc nghe tiếng kêu "tắc kè". Mấy anh lính trẻ xúm quanh chiếc bán dẫn bỏ túi, mở đài Sài Gòn nghe tường thuật lại cuộc họp "Quốc hội lưỡng viện" của chính quyền VNCH. Ông Trần Văn Hương sau 6 ngày làm quyền tổng thống thay ông Nguyễn Văn Thiệu, chắc đã già yếu lắm rồi, nói chậm rề rà vẻ bất lực, giao lại chức tổng thống cho Đại tướng Dương Văn Minh. Ông Minh gọi ông Hương bằng thầy, tự xưng là con. Tổng thống mới tiếp tục kêu gọi phía Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam "ngừng bắn để thương lượng". Rồi nhạc nổi lên, giọng của ca sĩ nhạc lính Duy Khánh hát cứ lặp đi lặp lại mấy câu: "Hòa bình ơi, hòa bình ơi...Ta gánh chung đau thương một trời, Nam Bắc ơi quê hương tình người..." nghe não lòng.

Ra chiến trận

7 giờ 30 phút ngày 27-4, sau khi lấp đất kín các bếp Hoàng Cầm, từng đại đội tập hợp chỉnh tề dưới tán lá các cây cổ thụ nghe chính trị viên đọc quyết định của Quân ủy Trung ương về việc "Mở chiến dịch Hồ Chí Minh", cùng mệnh lệnh cơ động chiến đấu của chỉ huy đơn vị.

Ngay sau đó, toàn trung đoàn xuất kích. Tiếng máy nổ rền vang, trên mui mỗi xe phất phới lá cờ giải phóng (màu nửa đỏ, nửa xanh, ở giữa có ngôi sao vàng), tinh thần quyết tâm chiến đấu của bộ đội lên rất cao. Tiểu đoàn 10 pháo mặt đất 122 ly đi trước, dẫn đầu là xe Đại đội trưởng Đại đội 1 Trần Nhàn cơ động mấy chục km, đến một khu đất rộng, bằng phẳng thì hạ pháo khỏi xe. Ai cũng nghĩ nơi đây là trận địa của đơn vị, nhưng đến 17 giờ chiều sau khi ăn cơm sớm, lại móc pháo lên xe tiếp tục di chuyển.

2 khẩu đội pháo 122 ly thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 10 do anh Nhiên, anh Chiên - Khẩu đội trưởng; còn tôi - pháo thủ số 1 do anh Mão, Đại đội phó chỉ huy trực tiếp cùng 5 khẩu đội hỗn hợp gồm cối 120 ly và pháo 85 ly thuộc Tiểu đoàn 14 được tách ra, chia làm hai cụm chiến đấu dưới sự chỉ chung của anh Thưởng, Tiểu đoàn phó lập tức triển khai chiếm lĩnh trận địa, đặt pháo, gỡ bạt, đào công sự. Các hòm đựng khí tài, đạn và thuốc phóng được mở ra chuẩn bị bắn. Một tổ trinh sát - đo đạc khẩn trương đi đài, tiếp cận với mục tiêu ngay khi trời vừa tối.


Ảnh minh họa

Liên tục từ đêm ngày 27 đến chiều 29, bảy khẩu pháo thi nhau phát hỏa, có lúc bắn cấp tập nhiều quả đạn sát thương vào căn cứ của địch ở Bình Cơ, Bình Mỹ (huyện Củ Chi, tỉnh Hậu Nghĩa cũ, nay thuộc TP.Hồ Chí Minh) làm hỏa lực mạnh chi viện cho bộ binh Trung đoàn 141, hình thành thế bao vây và tiêu diệt tiểu đoàn bảo an đang đóng giữ tại đó, mở thông đường 16 cho các đơn vị của sư đoàn tiến quân.

Trong đêm tối, bóng các pháo thủ bình tĩnh ôm, chuyền cho nhau từng viên đạn nặng đến 15 kg lao vào đuôi nòng pháo hoặc thả vào nòng súng cối. Bộ đội ta chiến đấu rất dũng cảm, càng bắn càng hăng, phối hợp nhịp nhàng, thoăn thoắt thao tác theo những tiếng hô khẩu lệnh to, rõ, dứt khoát, âm vang khắp trận địa: Phần tử... Phần tử xong. Nạp đạn... Nạp đạn xong. Bắn. Đùng... Bắn. Đùng...Đùng...

Toàn thân hai khẩu pháo 122 ly rung giật mạnh, từng quầng lửa sáng rực màu hồng vàng phụt ra hình tròn, đường kính 0,5 m ôm lấy bệ khóa nòng, theo đó là những tiếng departs nổ đinh tai, nòng pháo thụt xuống và đẩy lên cùng nhịp với mỗi viên đạn phóng ra. Thông tin liên lạc giữa tổ trinh sát - đo đạc với trận địa bằng VTĐ luôn thông suốt, báo về nhiều viên đạn phóng tới trúng các mục tiêu. Một viên đạn pháo đã bắn trúng lô cốt nổ tung, tan xác tên thiếu tá đồn trưởng đang đứng trên nóc hung hăng hò hét.

Các pháo thủ mồ hôi đầm đìa phải cởi áo ở trần. Từng người lúc mệt quá sức nằm xuống tại chỗ chợp mắt ít phút; khi đói bóc lương khô ra vừa ăn vừa bắn, không dừng lại. Những hình ảnh này vẫn hiện lên rõ nét, mỗi khi tôi hồi tưởng về quá khứ.

Cuối chiều ngày 28-4 lúc trời chạng vạng, có tốp 7 - 8 chiến sĩ nước da đen sạm, mặc bộ đồ màu đen, đầu đội mũ tai bèo, cổ thắt khăn rằn, chân mang dép cao su, vai khoác súng AK 47, quanh bụng là bao đựng các hộp tiếp đạn và dắt mấy quả lựu đạn tròn mỏ vịt. Một người vai đeo khẩu B 40, lưng gùi chiếc giỏ tre, trong đựng 10 viên đạn to như cái bắp chuối (một loại súng bắn xe bọc thép hay lô cốt rất hiệu quả). Các anh băng ngang trận địa, ghé xem 2 khẩu lựu pháo 122 ly, vẻ thích thú. Trao đổi mấy câu, tôi được biết đây là bộ đội địa phương, đi đánh một cái "bốt" cách vài cây số đến sáng về.

Tôi hỏi anh mang B40:

- Anh bắn bao nhiêu quả mà phải đem theo nhiều thế?

Anh trả lời bằng tiếng Nam bộ đặc sệt: Bắng hớt chổ đó rồi dìa, bìn thườn mờ. (Bắn hết chỗ đó rồi về, bình thường mà).

Anh mời tôi điếu thuốc Basto xanh. Sau mấy phút đứng bên chiến hào, chúng tôi nắm chặt tay nhau lắc mạnh. Các anh hối hả bước đi, nhẹ nhàng ra chiến trận. Tôi cầu mong cho các anh hôm sau về được nguyên vẹn, đầy đủ.

Bị các đơn vị của ta tiến đánh mạnh, Sư đoàn 5 địch đã dùng các loại pháo, cả pháo tự hành 175 ly (vua chiến trường) bắn trả điên cuồng như đổ đạn, chỉ sau khi pháo chúng tôi khai hỏa ít phút.

Sau này, khai thác qua tù binh tôi được biết trận địa của ta nằm trong khu vực kiểm soát của địch. Các đài quan sát gần nhất khi thấy ánh lửa đầu nòng pháo của ta (ban đêm nhìn rõ hơn) sẽ báo về trung tâm để xác định tọa độ trên bản đồ, sau đó trung tâm báo phần tử bắn cho trận địa pháo. Nhờ vậy, họ bắn rất nhanh và chính xác; phát đầu tiên đạn rít gió bay qua đầu, phát thứ 2 rút tầm điểm nổ gần, đến phát thứ 3 có thể trúng mục tiêu.

Chúng tôi đã phải hứng chịu nhiều đợt pháo kích dữ dội từ nhiều hướng, có đợt kéo dài cả tiếng đồng hồ. Những tiếng nổ của đạn lớn nghe như sấm sét, mặt đất dưới chân rung chuyển, văng tung tóe cùng tiếng nhiều mảnh vỡ kim loại xé gió bay vù vù ... đập trúng thành xe, pháo kêu leng keng chát chúa. Cụm chiến đấu của Tiểu đoàn 14 bị dính mấy quả đạn pháo. Anh Luận, chính trị viên đại đội và 7 chiến sĩ trong khẩu đội 120 ly hy sinh, 7 chiến sĩ khác bị thương, 2 khẩu pháo hư hỏng nặng.

Riêng tôi, trong đêm 28-4 trời tối đen, lúc đang khiêng vác các hòm đạn thì đầu bị va vào cửa sau của chiếc xe ô tô đến tiếp đạn (sau này chụp MRI mới biết bị nứt đỉnh xương sọ). Máu chảy từ vết thương xuống ướt mặt gây choáng, tôi đã dùng đồ trong túi y tế cá nhân tự sơ cứu vết thương tại chỗ.

Toàn trung đoàn, sau khi cắt ra một bộ phận từ các Tiểu đoàn 10, 12, 14, 16 bắn chi viện cho bộ binh tấn công các căn cứ ở Bình Mỹ và Lai Khê. Trong 2 đêm ngày 28 và 29-4, lợi dụng trời tối phía bên ta đã huy động lực lượng lớn xe pháo do đặc công và trinh sát của Tỉnh đội Thủ Dầu Một dẫn đường, bí mật tiến gần đến chiếm lĩnh, đào công sự, dần hình thành các trận địa, chuẩn bị cho trận tấn công vào căn cứ Phú Lợi.

Tôi nghĩ, đây là một quyết định táo bạo của người chỉ huy, bởi vì xung quanh có rất nhiều thám báo địch, chúng sử dụng VTĐ báo về trung tâm chỉ huy và lúc đó các đơn vị của trung đoàn cũng đã nằm trong tầm pháo của địch.

Đêm 29-4, chiếc xe đi đầu của ta bất ngờ gặp ổ phục kích của địch, chúng xả súng bắn chặn; do vậy xe không đi theo đường lớn được phải rẽ ngang qua cánh ruộng mì (sắn). Do địa hình mấp mô, đường lún nên xe của ta không kéo được pháo. Các pháo thủ đã phát huy truyền thống "Chân đồng vai sắt " của pháo binh Việt Nam dùng sức người đưa từng khẩu pháo nặng gần 2 tấn vượt qua hai lớp hàng rào của địch.

Mới 1 khẩu đội pháo canon 85 ly của ta vào đến trận địa thì "đoàng, đoàng... ", bị pháo của địch bắn trúng, đạn nổ hất tung mọi thứ ra nhiều phía. Khói tan, có 7 người thì 5 người đã bị thương, nặng nhất là anh Thuật bị đứt lìa cánh tay phải, anh Cai gãy cổ tay trái, anh Việt mảnh đạn găm thủng bụng. Chỉ còn 2 người, anh Hai khẩu đội trưởng và anh Chính phải lo băng bó cho thương binh, khi có lệnh bắn vẫn lắp đạn khoan bắn nhiều phát trúng lô cốt địch.

3 giờ sáng ngày 30-4-1975, chúng tôi - 2 khẩu đội pháo 122 ly nhận lệnh rời khỏi trận địa trên cơ động 20 km về hợp lực với tiểu đoàn. 2 chiếc xe Zin 56 kéo theo 2 khẩu pháo lớn chở đầy đạn và gần 20 cán bộ, chiến sĩ tăng tốc lao nhanh trong đêm tối.

Rạng sáng, các trận địa pháo của Trung đoàn 186 đã lập thành 3 tầng với cự ly đến các mục tiêu như sau: Pháo cao xạ 37 ly hai nòng và trọng liên 12,7 ly đặt cách hàng rào địch 500 m, pháo 122 ly cách 4 km, pháo ca nong 85 ly cách 7 km. 5 khẩu pháo ca nong 130 ly của Lữ đoàn 45 cũng tham gia lập thành tầng thứ tư, đặt pháo cách 10 km. Tất cả đã lên phần tử bắn cùng chĩa nòng về một hướng và sẵn sàng chờ lệnh nổ súng...

Đúng 5 giờ 05 phút sáng ngày 30-4, hàng chục khẩu pháo mặt đất và cao xạ -"bầy voi thép" đồng loạt gầm vang, khạc lửa mở màn cho trận tấn công dữ dội vào các mục tiêu trong căn cứ quân sự Phú Lợi, Sư đoàn 5. Tiếng đạn bay xé gió "véo, véo" trên không, với nhiều tiếng nổ "đùng, đoàng" lớn, nhỏ liên tục đã tạo nên trận cuồng phong bão tố, dội xuống đầu 500 quân thường trực cùng nhiều lực lượng, phương tiện chiến tranh của địch tập trung về đây, lập thành một pháo đài kiên cố và tuyên bố "Tử thủ giữ Bình Dương".

Trời sáng hẳn. Khi khói bụi vẫn còn mù mịt, một tiểu đoàn công binh đã ém sẵn xông vào rà gỡ mìn, phá banh nhiều lớp hàng rào và khắc phục một đoạn hào chống tăng. Quân địch ngoan cố chống trả, tập trung nhiều họng trọng liên 12,7  ly và cối 81 ly bắn chặn quyết liệt, đồng thời cho 2 chiếc xe tăng liều chết chạy ra phản kích. Thế trận diễn ra giằng co.

Trước tình hình đó, theo yêu cầu của trên, các khẩu đội pháo ta tiếp tục bắn thêm nhiều loạt đạn dồn dập, chính xác vào các ổ đề kháng, diệt 1 xe tăng địch. Quân địch có dấu hiệu hoảng loạn, rút hết vào những boong ke hoặc xuống hầm ngầm ẩn nấp.

9 giờ 30 phút, khi thời cơ đã đến xe tăng cùng bộ binh Trung đoàn 165 phối hợp với bộ binh Tỉnh đội Thủ Dầu Một ào ạt tấn công tiêu diệt địch và bắt sống số lượng lớn quân địch. Đến 10 giờ 30 phút ngày 30-4, quân ta làm chủ hoàn toàn căn cứ Phú Lợi.

Cùng lúc, căn cứ Bộ tư lệnh Sư đoàn 5 thiện chiến nhất của quân lực VNCH tại Lai Khê, Bến Cát, được gọi là "cánh cửa thép" phía Đông - Bắc Sài Gòn cũng đã bị các đơn vị trực thuộc Sư đoàn 312 và của chiến dịch đập tan. Tư lệnh sư đoàn - chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ đêm trước còn nói trấn an quan, lính: "Sư đoàn 312 không làm được gì đâu", giờ đã bị thảm bại, thất vọng, dùng súng bắn vào đầu tự sát ngay trong hầm sở chỉ huy.

Trên hướng Quốc lộ 13, Trung đoàn Bộ binh 209 lập nhiều chốt phục sẵn, đón lõng quân địch tháo chạy từ các nơi về Thủ Dầu Một và Sài Gòn nổ súng tiêu  diệt nhiều xe, bắt sống hơn 7.000 tên, trong đó có sư đoàn phó cùng toàn bộ cơ quan tham mưu sư đoàn, hai ban chỉ huy Trung đoàn Bộ binh 7 và 9, thu nhiều phương tiện, vũ khí.

Pháo binh ta nhận tiếp lệnh chuẩn bị bắn cầu vồng vào các căn cứ của địch ở Thủ Dầu Một và Biên Hòa. Lúc này, diễn biến trên chiến trường rất mau lẹ: 11 giờ ngày 30-4 tỉnh Thủ Dầu Một được giải phóng; 11 giờ 30 phút cùng ngày, tân Tổng thống VNCH Dương Văn Minh qua sóng đài Sài Gòn đã phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Từ nay, cả miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Trong giây phút lịch sử thăng hoa ấy, bầu trời như cao vút lên, trong xanh, tỏa nắng vàng rực rỡ. Đứng bên các khẩu pháo nòng vẫn nóng và khét mùi thuốc súng, những người lính trẻ trên mặt và quần áo còn lấm lem bụi đất, đôi mắt mệt mỏi chợt vụt sáng, tất cả như vỡ òa. Người cười, người khóc đều nhảy lên, vui sướng đến tột cùng trong tiếng quân reo vang trời, dậy đất: Hết chiến tranh rồi ... Mẹ ơi ... Em ơi ... Sống rồi...

Theo đó, nhiều loạt đạn súng tiểu liên AK 47, K 56 xen nhau bắn lên trời nổ ròn rã để chào mừng quân ta đại thắng. Và, cũng thay lời tiễn biệt với vong linh của hàng triệu chiến binh cả hai phía đã ngã xuống trong cuộc chiến tàn khốc, kéo dài, đẫm máu và đầy nước mắt.

Sau ngày thu pháo

Là từ chuyên môn của "dân" pháo binh, người đang đứng trên trận địa (hoặc ở bãi tập) nghe tiếng hô khẩu lệnh: "Thu pháo" từ người chỉ huy trực tiếp thì các pháo thủ trong khẩu đội phải chấp hành và lập tức phối hợp thực hiện nhiều thao tác kỹ thuật nhằm đưa khẩu pháo đang từ trạng thái bắn trở về trạng thái nghỉ. Tương tự như một võ sĩ lúc thượng đài, vận nội công, sau khi đánh knock out đối phương thả lỏng mọi cơ bắp trên cơ thể về bình thường.

Hành động của các khẩu đội pháo trên các trận địa cùng một lúc thu pháo khiến tôi hiểu rằng chiến tranh đã thực sự kết thúc.


Các cựu chiến binh gặp mặt nhân dịp 60 năm thành lập Trung đoàn 186 (Ảnh chụp tại Hà Nội)

Qua ngày ăn mừng chiến thắng và ngủ "khách sạn ngàn sao" giống nhiều đêm trước. Sáng 1-5, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 186 nhận lệnh thu pháo từ các nơi tập trung về đóng quân tạm trong căn cứ Lai Khê, Bến Cát - một khu quân sự rộng lớn. Tại đây, nhiều hố lớn, nhỏ rải rác, nhiều dãy nhà tôn bị trúng đạn pháo rách tơi tả hoặc lỗ chỗ những vết đạn súng AK; hàng đống súng, đạn, mìn, lựu đạn... đủ các kiểu của địch vứt bỏ vì thua trận còn nằm ngổn ngang khắp nơi mà mới chiều tối hôm trước công binh đi thu gom, dọn dẹp chưa kịp tiêu hủy.

Từng trung đội được phân ở trong một dãy nhà dã chiến có vách ngăn cho mỗi tiểu đội, mái lợp tôn dập hình sóng, uốn thành vòm. Sau bao ngày phải nằm ngủ dưới hầm, trên sạp tre lán trại hoặc mắc võng ngủ rừng nay chúng tôi đã được ở trong nhà, tuy hỗn độn nhưng có giường, tủ, bàn ghế, có nơi vệ sinh và nước máy.

Ngày ba bữa, chúng tôi được ăn theo chế độ bồi dưỡng trong 1 tháng, bữa nào cũng có thịt, cá tươi và không thể thiếu một quả trứng gà rán kiểu ốp la khá thịnh soạn. Tiểu đội nào thích thì cứ tới nhà kho đại đội vác một bao 50 kg gạo nhập khẩu Thailand về để dưới giường, buổi tối nếu đói thì tự nhóm lửa nấu ăn thêm; cơm trắng thơm lựng cùng với nhiều loại đồ hộp USA sản xuất cho quân đội, ăn rất ngon.

Bộ máy chính quyền mới của tỉnh Bình Dương sớm được hình thành. Cứ cách ngày lại có một đoàn cán bộ, nhân dân địa phương các cấp từ ấp, xã, phường, quận, tỉnh tới thăm và chúc mừng chiến thắng, úy lạo đủ các loại trái cây miệt vườn. Có nhiều loại tôi chỉ mới biết qua đài, báo, truyện thì đến nay mới tận mắt thấy và thưởng thức như trái sầu riêng, vú sữa, chôm chôm, măng cụt... Đoàn đi, đại đội lại gọi từng tiểu đội lên nhận về, nhiều người chưa quen ăn sầu riêng, thấy vỏ nó sần sùi xấu xí, ngửi có mùi lạ cho là mít thối, vứt hết.

Anh Đường, một trong những người lính Hà Nội từng chê mùi sầu riêng đó, cách đây 2 năm, gặp lại tôi tại TP.Hồ Chí Minh, nói: “Bây giờ, hễ ngửi thấy mùi... thơm sầu riêng là tôi thèm không chịu nổi. Có lần mua được trái to nặng 5kg, hai vợ chồng tôi ngồi ăn liền mạch, hết sạch. Ha ha ha ...”.

Thế mới thấy, cũng những con người đó ban đầu chưa biết, ngộ nhận, nói nó xấu và căm ghét những cái đó. Nhưng càng về sau, khi ta đã qua trải nghiệm, hiểu chuyện rồi lại yêu thiết tha chính những cái đó. Và, ngược lại.

Thời gian hàng ngày của chúng tôi hồi đó khá thoải mái, chỉ làm công tác bảo quản xe, pháo, tập dượt lại vài động tác của điều lệnh đội ngũ nhẹ nhàng. Cách một vài tối mới có cuộc họp cấp đại đội. Riêng việc gác đêm vẫn phải thực hiện nghiêm, mỗi người gác một tiếng, đảo giờ mỗi ngày.

12 giờ ngày 3-5, đang ngủ trưa ngon giấc bỗng chúng tôi giật mình tỉnh dậy, nhiều tiếng nổ lớn dữ dội, tức ngực, rất gần, kéo dài cả giờ làm chiếc giường tôi nằm chao đảo, nghiêng ngả. Theo phản xạ người lính ở chiến trường, cả tiểu đội bật dậy, nằm rạp xuống sàn nhà, hai tay gập dưới ngực cho đến khi các tiếng nổ thưa và nhỏ dần. Hỏi ra tôi mới biết, mấy ông lính nhà ta lần đầu nhặt được 1 ống pháo sáng, tay máy giật nụ xòe, thế là "bục" quả sáng bay thẳng vào kho đạn gây ra vụ cháy và kích nổ hàng loạt. Nghe nói đấy là kho đạn pháo của địch gần bên, Quân đoàn 1 đã tiếp quản.

Tôi có thằng bạn "4 cùng" tên là Nguyễn Công Thành (đã mất năm 2018): Nhà ở cùng trong khu gia đình Bệnh viện Quân y 108, cùng học một trường phổ thông ở Hà Nội, cùng tuổi và cùng nhập ngũ một ngày. Nhưng đến khi chia đơn vị thì tôi là lính dưới đại đội, còn nó là lính trên sư đoàn bộ.

Sáng Chủ nhật ngày 5-5, Thành từ bên Sở chỉ huy Sư đoàn 312 (đóng tại Sở chỉ huy Sư 5 VNCH cũ) đến tìm tôi, rủ đi thị xã Thủ Dầu Một chơi. Ra khỏi cổng doanh trại là đường Quốc lộ 13. Vừa lúc một chiếc xe "đò" còn mới choang đang đi tới theo hướng Bắc - Nam, chưa kịp đưa tay vẫy chiếc xe đã dừng xịch trước mặt, anh lơ xe nhanh nhẹn bước xuống: Mời các ông giải phóng lên xe.

Tôi và Thành bước lên, xe tăng tốc; đang đứng lơ ngơ, lại nghe có tiếng phụ nữ: Mời hai ông giải phóng ngồi đây.

Lâu nay chúng tôi chỉ quen ngồi trên thùng xe vận tải kéo theo pháo chạy đường xấu, xóc nhảy đùng đùng, mấy khi chạy đến vận tốc 60 km/h. Nay được ngồi xe phóng nhanh, vận tốc hơn 90 km/h tôi có cảm giác lâng lâng như mình đang bay. Suốt hành trình dài 20 km, mặt đường thảm nhựa phẳng phiu, xe chạy êm, tôi chỉ nghe tiếng lốp rào rào, gió mát rượi. Mấy chục hành khách đều nhìn chúng tôi với ánh mắt thân thiện. Vài câu chuyện ngắn trao đổi qua lại với các cô, bác trên xe mà sau đó đi đâu tôi cũng nghe nói, đại khái là: Hai ông giải phóng đẹp trai, khỏe mạnh thế này mà mấy ông cộng hòa cứ nói là bảy cộng sản đu cành đu đủ không gãy. Mấy ông cộng hòa nói, cộng sản tới lột hết các móng tay, móng chân sơn màu của phụ nữ, con gái rồi tàn sát dân lành máu chảy thành sông... Họ nhắc lại cho vui, vì lúc đó mọi người đều biết rằng không có chuyện này xảy ra.

Dọc hai bên Quốc lộ 13 vẫn còn nguyên khung cảnh của bãi chiến trường: Từng bãi kéo dài, ngồn ngộn đủ các loại vũ khí, đạn dược, quần áo của sĩ quan, binh lính cộng hòa đã trút bỏ khi tháo chạy. Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy một ngôi nhà dân bị trúng đạn pháo sụp đổ tan hoang, nghĩ rằng đạn lạc; rừng cao su còn đang bốc cháy rào rào, lửa đỏ rực suốt ngày đêm, khói đen kịt lan tỏa, khét lẹt cùng những tiếng nổ "lục bục" như bắp rang bơ của các loại đạn rơi vãi trong đó.

TX.Thủ Dầu Một (nay là TP.Thủ Dầu Một) khi đó đã là một đô thị lớn tấp nập, khắp nơi cờ hoa rực rỡ; có nhiều ngôi nhà cao tầng san sát, xe máy các loại chạy qua chạy lại dập dìu. Lạ nhất với tôi khi đó là những chiếc xe Lambro 3 bánh nhỏ bé, luồn lách, chở được nhiều người và hàng đi lại tiện lợi, tiếng máy nổ "pằng, pằng, pằng..." nghe giống súng bắn liên thanh. Nhà hai bên đường trung tâm thị xã gắn những bảng hiệu quảng cáo to, hàng hóa đủ loại, rất phong phú, bắt mắt, hầu hết mang nhãn hiệu của Japan, Taiwan; người bán thì luôn miệng chào mời, còn người mua cười vui vẻ.

Lác đác, những tốp bộ đội đứng mặc cả mua một vài món phụ tùng xe đạp, chiếc đồng hồ đeo tay sáng lấp lánh hoặc con búp bê tự nhắm, mở mắt xinh xắn. Hai đứa chúng tôi đi vòng quanh dạo chợ chỉ để xem các gian hàng, thỏa mãn tính hiếu kỳ và mở rộng nhãn quan của người lính. Ngoài phố, trong chợ, từ các cô gái trẻ đến những bà tuổi đã lớn, đa số có trang điểm môi son, má phấn, mang đồ trang sức, làm tóc và mặc đồ đẹp đủ kiểu tây, ta sang trọng, nhìn quen mà lạ, đi ngang qua thoảng mùi nước hoa hoặc xà bông thơm ngào ngạt.

Giữa trưa thấm mệt, lại vừa đến khu ăn uống, tôi kéo Thành ghé quán ngồi thư giãn. Mỗi người gọi 1 ổ bánh mì pa tê, uống 1 chai bia to hiệu Tiger ướp lạnh, hút 1 điếu thuốc lá Captain đầu lọc, nhả từng vòng tròn khói tỏa thơm lừng.

Một đàn bồ câu trắng bỗng từ mái ngôi nhà 3 tầng phía bên kia vỗ cánh bay sà xuống vệ đường trước mặt, vội vàng cúi nhặt những hạt đậu xanh của ai đó vừa ném xuống... Thủ Dầu Một (nay thuộc tỉnh Bình Dương) một vùng đất trù phú, màu mỡ và mến khách thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trên trục Quốc lộ 13, cách Sài Gòn 30 km về hướng Bắc. Chiến tranh mới đi qua 5 ngày nhưng đâu đó đạn, bom vẫn nổ và ở nơi đây cuộc sống yên bình sớm trở lại.

Chúng tôi - những người lính, trong bộ quân phục bạc màu, trên đầu đội mũ "cối" gắn quốc huy kề vai nhau, ưỡn ngực, hiên ngang cùng sải những bước chân dài vững chắc đi trên đường phố rộng thênh thang. Trong lòng dâng trào một cảm xúc khó tả, cảm xúc của người vừa trải qua bao nhiêu gian khổ, nguy hiểm, ẩn mình tận rừng sâu, đồng đội người mất người còn, đến hôm nay đã trở thành những người chiến thắng.

TP.Hồ Chí Minh tháng 4-2020

TRẦN TẤN LÂN

(Nguyên là chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng tỉnh Thủ Dầu Một, nay là tỉnh Bình Dương)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên