Di tích ấp chiến lược kiểu mẫu Bến Tượng

Cập nhật: 09-01-2021 | 08:25:03

 Trong quá trình xâm lược nước ta, Mỹ đã thực hiện nhiều biện pháp, chính sách để đàn áp, chia rẽ dân ta hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng. Với mục đích đó, những “ấp chiến lược kiểu mới” được chúng lập lên ở nhiều nơi để dồn dân vào một chỗ cho dễ bề quản lý. “Ấp chiến lược kiểu mẫu Bến Tượng” ở xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng là một trong những ấp điển hình như thế..

 Hiện nay di tích ấp chiến lược Bến Tượng chỉ mới có bia giới thiệu di tích ấp chiến lược kiểu mẫu Bến Tượng

 Nơi thử nghiệm chương trình “ấp chiến lược”

Theo lời kể của người dân địa phương, trước kia, nơi đây là một vùng đất khá hoang sơ, cây cối rậm rạp. Trên vùng đất này có một con suối nhỏ nước chảy quanh năm mát mẻ, nhiều đàn voi trong rừng thường đến đây uống nước, nghỉ ngơi. Vì thế, người dân nơi đây quen gọi địa danh này là Bến Voi, tức Bến Tượng ngày nay.

Cách trung tâm huyện khoảng 5km, ấp chiến lược Bến Tượng nằm trên vùng đất khá bằng phẳng, rộng rãi. Đường đến di tích ngày nay rất thuận lợi. Từ trung tâm huyện, theo quốc lộ 13 xuôi về hướng TX.Bến Cát, rẽ vào trường Tiểu học Lai Hưng B chạy thêm khoảng 2km là đến địa bàn di tích ấp chiến lược kiểu mẫu Bến Tượng.

Trong những câu chuyện kể về lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng của vùng đất anh hùng Bàu Bàng, không thể không nhắc đến “Ấp chiến lược kiểu mẫu Bến Tượng”. Ông Huỳnh Thanh Hưng, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bàu Bàng, cho biết ấp chiến lược kiểu mẫu Bến Tượng do Mỹ - ngụy lập nên vào năm 1962 để thực hiện chính sách dồn dân lập ấp mà chúng đã tạo ra trên chiến trường miền Đông Nam bộ lúc bấy giờ. Tổng chu vi của ấp chiến lược dài khoảng 8km, được bao bọc xung quanh bởi hệ thống hàng rào kẽm gai dày đặc. Ngay từ đầu, địch đã quyết tâm xây dựng nơi đây thành nơi thí điểm kiểu mẫu cho cả miền Đông Nam bộ.

Mục đích của chúng khi lập ấp chiến lược là dồn dân ta vào đây để kìm kẹp, kiểm soát chặt chẽ và để “tát nước bắt cá”. Vì thế, chúng bố trí một trung đoàn chủ lực ngụy và 6 đại đội bảo an, dân vệ, công dân vụ và 70 liên gia trưởng để quản lý mọi hoạt động liên quan đến ấp chiến lược. Trung bình cứ một người dân thì có một tên địch kìm kẹp ngày đêm. Mục đích của chúng là bằng mọi giá phải cắt đứt mối quan hệ giữa nhân dân với cách mạng để thực hiện mưu đồ tiêu diệt lực lượng cách mạng của ta lúc bấy giờ.

Theo lịch sử địa phương, từ tháng 3-1962, trong chiến dịch “Mặt trời mọc”, địch gom dân xã Lai Hưng, một phần dân xã Chánh Phú Hòa với khoảng 3.500 người vào ấp chiến lược Bến Tượng. Chúng cấu trúc ấp chiến lược Bến Tượng theo kiểu xây dựng đồn bót: Xung quanh ấp chiến lược chúng bắt dân rào hàng rào tre (sau đó thay bằng hàng rào cọc sắt và dây kẽm gai), đào 3 chiến hào bao bọc (mỗi hào rộng 2,5m và sâu 2m) lấy đất đào hào đắp thành ba bờ đê. Ba hào sâu, ba bờ đê cao đan xen nhau, dưới hào sâu và trên bờ đê chúng cho cắm chông và các bãi mìn dày đặc, cùng với hệ thống lô cốt, đài quan sát trang bị súng 12,7 ly, đèn pha chiếu sáng. Bên trong ấp chiến lược có sân bay trực thăng, trại gia binh, kho vũ khí, kho để lúa gạo của dân. Trong ấp chiến lược, chúng phân chia dân ra từng khu, từng ô với bộ máy kìm kẹp chặt từ ấp xuống tới trưởng ô, tới từng liên gia. Lực lượng hỗ trợ bộ máy tề xã có trung đội dân vệ, đại đội bảo an thường trực, địch còn sử dụng ba tiểu đoàn chủ lực có cả xe tăng sẵn sàng yểm trợ khi cần thiết.

Chế độ Mỹ - Diệm đã chọn Bến Tượng là nơi để thử nghiệm chương trình “ấp chiến lược” của chúng. Trước kia, khi địch còn gom dân, khoanh vùng lập ấp thì ấp chiến lược Bến Tượng có diện tích khoảng gần 1km2, với chiều dài 1km và chiều rộng hơn 0,8km. Khi địch kiểm soát, chúng mở 4 cổng ra vào chia ra 4 góc: Cổng chính nằm ở hướng bắc, cổng Ông Khương nằm ở hướng đông, cổng Cây Me nằm ở hướng nam và cổng Bến Trà Di nằm ở hướng tây. Hàng ngày người dân ra vào chủ yếu ở cổng chính.

 Hình ảnh ấp chiến lược kiểu mẫu Bến Tượng trước đây (ảnh tư liệu do Phòng Văn hóa - Thông tin cung cấp)

Phong trào phá tan ấp chiến lược

Theo sử liệu địa phương, việc phá ấp chiến lược Bến Tượng được thực hiện ba mũi giáp công, cán bộ cơ sở tích cực nắm dân, đẩy mạnh vận động quần chúng, nội công ngoại kích, sử dụng vợ con tề đánh tề, sử dụng gia đình binh sĩ vận động ra đào ngũ, đánh vào tâm lý, tình cảm binh lính địch ở cơ sở. Bộ đội, du kích đánh tiêu hao, kìm giữ quân chủ lực ngụy, trừng trị bọn ác ôn, đầu sỏ. Trong trận đánh phá đầu tiên ngày 9-8-1964, hơn 1.000 người dân trong ấp đồng loạt biểu tình chống dồn dân lập ấp, đốt phá, đòi về quê cũ làm ăn. Giữa tháng 9-1964, ta tiếp tục đánh phá đợt 2, quần chúng sôi sục đấu tranh, đốt phá cả ấp cháy rừng rực. Sau 92 ngày đêm kiên cường đấu tranh với kẻ thù, 3.000 dân đã được giải phóng.

Đánh đúng đối tượng kìm kẹp, diệt đúng đối tượng ác ôn, nợ máu trong ấp chiến lược là đánh đúng chỗ hiểm yếu của địch vì đây là “xương sống” của ấp chiến lược. Với cách đánh này, ta đã tạo được mâu thuẫn trong nội bộ, gây nghi kỵ lẫn nhau, thủ thế với nhau, tìm cách chém giết lẫn nhau giữa chỉ huy, ác ôn với binh lính, giữa binh lính với tề. Đồng thời nêu cao công tác binh vận, làm cho ngụy quân, ngụy quyền biết được chế độ ưu việt của cách mạng, thấy được sự nhồi nhét tư tưởng phản động trong binh lính ngụy, dẫn tới phản chiến, binh chiến, đào ngũ. Đây là cách đánh địch hiệu quả nhất, gây tổn thất nhiều nhưng không chết người, có tác dụng lâu dài về chính trị đối với cách mạng.

Sống trong sự kìm kẹp của quân thù, với tinh thần yêu nước, yêu quê hương làng xóm một cách nồng nàn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ấp Bến Tượng đã phối hợp với các lực lượng địa phương đứng lên phá tan ấp chiến lược kiểu mẫu Bến Tượng của địch ở huyện Bàu Bàng, trở về với quê hương. Có thể nói, phá tan ấp Bến Tượng là phá đi một chiến lược kiểu mới mà Mỹ lập lên hòng áp đặt ở miền Nam, tạo thế đà cho công cuộc kháng chiến trên toàn chiến trường miền Nam Việt Nam. Vì thế, việc phá tan ấp chiến lược Bến Tượng có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy.

Với những ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử, ngày 14-9- 2012, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận di tích ấp chiến lược kiểu mẫu Bến Tượng là di tích cấp tỉnh.

Ông Huỳnh Thanh Hưng, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bàu Bàng, cho biết theo kế hoạch trong năm 2021, địa phương sẽ đầu tư xây dựng một số hạng mục nhằm bảo vệ, nâng cấp và đưa di tích vào khai thác phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu của người dân. Đến lúc đó, di tích sẽ được nhiều người biết đến hơn và góp phần tích cực trong việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ đi sau.

 CẨM LÝ  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1699
Quay lên trên