Có một điều đặc biệt tại huyện Bắc Tân Uyên là đa số những di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn đều gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của vùng đất anh hùng này. Một trong những di tích mà chúng tôi đã có dịp đến thăm mới đây, đó là Di tích chiến thắng Bông Trang - Nhà Đỏ (ấp 1, thị trấn Tân Bình) - một địa chỉ giáo dục truyền thống nhiều ý nghĩa.
Trận đánh lịch sử
Sau thất bại của chiến dịch “Cái bẫy”, đầu tháng 2-1966, để giành thế chủ động trên chiến trường, Mỹ mở cuộc hành quân Rolling Stone (Hòn đá lăn) đánh ra Dầu Tiếng - Tân Bình (bắc Sài Gòn) nhằm mở rộng đường số 7, chia cắt Chiến khu Đ, bình định khu vực Nhà Đỏ - Bông Trang (hai đồn điền cao su lớn của tỉnh), giải tỏa áp lực của ta ở phía bắc Sài Gòn. Cuộc hành quân này nhằm hai mục đích là tìm diệt cơ quan đầu não thuộc lực lượng chủ lực của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong Chiến khu Đ và thực hiện bình định, mở rộng vùng chiếm đóng ở Nhà Đỏ - Bông Trang.
Di tích chiến thắng Bông Trang - Nhà Đỏ là địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng nhiều ý nghĩa
Về phía ta, trước sức tấn công của địch, Sư đoàn 9 được phân tán thành nhiều bộ phận, phối hợp với du kích trong khu vực liên tục chặn đánh tiêu hao sinh lực quân đội Mỹ. Thế trận chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích được phát huy tối đa. Quân Mỹ đi đến đâu cũng gặp bãi mìn, hầm chông, gặp các lực lượng phục kích, nên tốc độ tiến công rất chậm chạp. Sau gần 20 ngày tiến công (từ ngày 1 đến 20-2-1966), Mỹ không thể khép nổi vòng vây, nên cuộc hành quân “Hòn đá lăn” coi như phá sản. Mục đích “tìm diệt” trở nên không khả thi, quân Mỹ buộc phải co lại để tập trung lực lượng thực hiện mục tiêu “bình định” tại khu vực Nhà Đỏ - Bông Trang, Tân Bình, Bình Mỹ - những cửa ngõ quan trọng dẫn vào căn cứ Chiến khu Đ.
Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Miền chuẩn y triển khai kế hoạch tác chiến trên tinh thần khẩn trương, tổ chức tiến công sớm, không cho Mỹ có thời gian chuẩn bị tăng viện cho Lữ đoàn 173 ở Phước Vĩnh đánh vào Chiến khu Đ, tập kích kết hợp với phục kích. Trước hết phải dụ Mỹ ra ngoài công sự theo kế hoạch của bộ phận tác chiến sư đoàn đã chuẩn bị. Song song với việc làm trên, ta di chuyển đội hình tiến gần về hướng Mỹ... Nhận thấy đây là thời cơ thuận lợi để tiêu diệt đối phương, bộ đội đặc công Chiến khu Đ cùng bộ binh Sư đoàn 9 hình thành 3 mũi, tập kích vào đội hình quân đội Mỹ.
Trận đánh ác liệt kéo dài từ 22 giờ ngày 23-2 cho đến 5 giờ sáng ngày 24-2-1966 không dứt điểm, binh lính Mỹ bị thiệt hại nặng. Số còn lại dồn thành 2 cụm chống trả quyết liệt khi được pháo yểm trợ. Thời điểm kết thúc đã đến, các đơn vị nhanh chóng rút ra, về tập kết ở địa điểm đã có kế hoạch trước (bên bờ suối Bông Trang) tiêu diệt toàn bộ binh lính Mỹ còn co cụm nơi đây. Kết quả, trận tập kích trong đêm 24-2-1966, quân ta đã đánh tiêu hao nặng tiểu đoàn Úc, bắn cháy 48 xe bọc thép M113, 24 xe tăng… sau đó đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn Mỹ tại dốc Bà Nghĩa trên đường 16. Quân ta tấn công Sở Chỉ huy Lữ đoàn 3 tại Bông Trang - Nhà Đỏ, làm thay đổi cục diện trên chiến trường đưa binh lính Mỹ vào thế bị động. Đặc biệt, chiến thắng Bông Trang - Nhà Đỏ của Sư đoàn 9 đã góp phần trực tiếp đánh bại cuộc hành quân “Hòn đá lăn” trên hướng phản công mà Westmoreland cho là trọng yếu ở hướng bắc Sài Gòn.
Giá trị lịch sử của di tích
Trận Bông Trang - Nhà Đỏ được xem là một trong những trận đánh sử dụng nghệ thuật vận động tập kích xuất sắc, đạt hiệu suất chiến đấu cao, để lại nhiều bài học kinh nghiệm về tổ chức và sử dụng lực lượng thực hành vận động tập kích vào cụm quân địch một cách linh hoạt, sáng tạo, đạt hiệu quả cao của ta . Đây là một trong những điển hình của tư tưởng tiến công và hành động chống phản công trong đánh địch tiến công càn quét, là bước tiến bộ của bộ đội ta về khả năng đánh tập trung. Chiến thắng này cũng góp phần to lớn vào thắng lợi trong nhiều trận đánh kế tiếp trên toàn địa bàn tỉnh Bình Dương, góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Bà Nguyễn Thị Vui, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Tân Uyên, cho biết tháng 4-2019, tượng đài chiến thắng Bông Trang - Nhà Đỏ đã được khánh thành tại địa điểm chiến thắng Bông Trang - Nhà Đỏ năm xưa. Khu di tích cũng đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đây là một công trình văn hóa - nghệ thuật thể hiện nội dung tư tưởng và tinh thần của thời đại, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống cách mạng của quân và dân trên mảnh đất Bông Trang - Nhà Đỏ oai hùng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đây còn là nơi ghi dấu những chiến công hiển hách của quân dân Bình Dương, đồng thời để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.
Có dịp thăm lại các địa phương gắn liền với chiến thắng Bông Trang - Nhà Đỏ năm xưa, như: Tân Bình, Bình Mỹ (Bắc Tân Uyên), Chánh Phú Hòa (TX.Bến Cát), ai cũng sẽ nhận ra sự “thay da, đổi thịt” từng ngày của các vùng đất này. Những vùng đất bom cày, đạn xới năm nào nay đã được thay bằng những vườn cao su, vườn cây xanh ngát, nhiều nhà máy, xí nghiệp hiện đại mọc lên; đời sống người dân cũng được nâng lên từng ngày. Khu di tích chiến thắng Bông Trang - Nhà Đỏ là một trong những “địa chỉ đỏ” chứa đựng nhiều ý nghĩa trên địa bàn tỉnh, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của ông cha và lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ đi sau, đặc biệt là với thế hệ trẻ.
HỒNG THUẬN