Sau bao lần bỏ lỡ cơ hội theo đoàn, cuối cùng chúng tôi cũng có dịp thăm lại di tích lịch sử - văn hóa địa đạo Tam giác sắt. Giữa cái nắng ban trưa oi nồng của tháng 3, chúng tôi dừng xe trước khu di tích để đi bộ vào bên trong. Qua tìm hiểu sử sách cộng thêm lời thuyết minh cuốn hút của cán bộ tại di tích, niềm tự hào về truyền thống cha ông, về dân tộc Việt Nam như nhân lên gấp bội...
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến dự và tặng quà cho trẻ em khó khăn trong một chương trình xuân ý nghĩa được tổ chức tại di tích địa đạo Tam giác sắt
Một góc di tích địa đạo Tam giác sắt hôm nay
Địa đạo huyền thoại
Địa đạo Tam giác sắt nằm trên địa phận 3 xã Tây Nam của TX.Bến Cát, gồm: An Điền, An Tây và Phú An (vậy nên nơi đây còn có tên gọi là địa đạo Tây Nam Bến Cát). Với người dân 3 xã Tây Nam nói riêng, người dân Bến Cát, Bình Dương nói chung, đây là nơi có ý nghĩa lịch sử hết sức đặc biệt. Di tích là một trong những chứng tích gắn liền với lịch sử oai hùng của quân và dân địa phương, tỉnh nhà và cả dân tộc Việt Nam.
Từ năm 1948, hệ thống địa đạo Tam giác sắt đã bắt đầu hình thành. Vừa đào vừa rút kinh nghiệm, địa đạo tiếp tục được đào nhiều hơn, sáng tạo hơn. Để chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến, người dân 3 xã Tây Nam đã ngày đêm bí mật đào những đường hầm để trú ẩn trước bom đạn kẻ thù. Dần dần, những đường hầm bí mật hình thành nhiều thêm, rồi liên thông được với nhau. Từ sự sáng tạo khéo léo của con người, họ đã cùng nhau tạo ra một “làng ngầm”, một hệ thống địa đạo hết sức kỳ diệu trong lòng đất. Mỗi khi nhắc đến sự chung sức, đồng lòng của người dân 3 xã Tây Nam, chúng tôi lại nhớ đến khí thế của phong trào “nhà nhà đào địa đạo” qua câu thơ: “Chồng vác xuổng, vợ vác len. Con xách lồng đèn, cầm vá theo sau. Cả nhà chung sức với nhau. Đào hố, đào hào, chống đạn, chống bom”.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, địa đạo Tam giác sắt là một địa bàn có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng, nhất là trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Nơi đây từng là căn cứ của Huyện đội Bến Cát, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Trong suốt 20 năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, Mỹ - ngụy nhiều lần tổ chức càn quét, đánh chiếm Tam giác sắt nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng của ta nhưng đều thất bại. Dù được trang bị vũ khí tối tân với hàng ngàn quân lính, nhưng Mỹ - ngụy đã phải thất bại thảm hại khi đặt chân đến vùng đất này. Nhờ có hệ thống địa đạo trong lòng đất, lực lượng cách mạng của ta đã có chỗ dựa vững chắc từ nhân dân. Thế nên, bên trên bom cày đạn xới, nhưng bên dưới lòng đất mọi sinh hoạt vẫn diễn ra và nhờ đó lực lượng cách mạng vẫn kiên cường bám trụ lâu dài và đánh thắng được kẻ thù xâm lược. Với sự sáng tạo trong việc tạo ra hệ thống địa đạo độc đáo này của nhân dân 3 xã Tây Nam, địa đạo Tam giác sắt được xem là một trong những minh chứng của “thế trận lòng dân”, làm cho kẻ thù phải khiếp sợ, thất bại.
Lưu dấu truyền thống
Mỗi khi có dịp về TX.Bến Cát tìm hiểu truyền thống đấu tranh cách mạng, những chứng tích lưu dấu truyền thống cha ông, chúng tôi thường được nghe cán bộ văn hóa thị xã giới thiệu đến di tích địa đạo Tam giác sắt với một lòng tự hào sâu sắc. Ông Lê Nguyên Khôi, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TX.Bến Cát, cho biết với ý nghĩa lịch sử của khu di tích, hàng năm địa phương, các ban ngành, đoàn thể thường chọn nơi đây để tổ chức rất nhiều hoạt động quan trọng, như: Hội trại giao quân, sinh hoạt về nguồn của các ban ngành, đoàn thể, địa phương. Đặc biệt, với thế hệ trẻ, khu di tích địa đạo Tam giác sắt có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, lòng yêu quê hương, đất nước. Từ đó, những người trẻ sẽ soi rọi lại mình để cố gắng hơn trong học tập, rèn luyện và ra sức phấn đấu, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.
Có dịp tham dự một chương trình xuân được tổ chức ngay tại khu di tích địa đạo Tam giác sắt, chúng tôi được nghe nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kề về truyền thống lịch sử hào hùng gắn liền với cái tên địa đạo Tam giác sắt. Chúng tôi còn nhớ rất rõ khi ông đưa tay chỉ một vòng rồi nói, con đường 13, đường 14 và đường số 7 cắt ngang đã hình thành nên một hình tam giác rất rõ ràng. Đây cũng là nơi có nhiều trận đánh xảy ra giữa quân dân ta và kẻ thù hết sức quyết liệt, cho nên nơi đây mới được gọi là Tam giác sắt. Sau này, Tam giác sắt được mở rộng ra thêm. Trong chiến tranh, người dân nơi đây phải chịu rất nhiều mất mát, hy sinh bởi bom cày, đạn xới. Hòa bình lập lại, bà con đã nỗ lực khắc phục khó khăn, xây dựng và phát triển quê hương, nhưng hậu quả chiến tranh để lại vẫn còn rất nặng nề. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ mong muốn nhân dân TX.Bến Cát, đặc biệt là 3 xã vùng Tam giác sắt sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu để đưa xã nhà đi lên cùng với sự phát triển chung của TX.Bến Cát và tỉnh Bình Dương.
Với những giá trị độc đáo của hệ thống địa đạo và ý nghĩa lịch sử của vùng đất này, năm 1996, địa đạo Tam giác sắt đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Việc xếp hạng, công nhận di tích địa đạo Tam giác sắt có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó không chỉ là ghi nhận về sự đóng góp của quân dân 3 xã Tây Nam trong công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, mà điều đó còn có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục lòng tự hào lịch sử dân tộc cho các thế hệ mai sau.
Trong thời gian qua, di tích đã được UBND tỉnh đầu tư rất nhiều kinh phí để bảo tồn, trùng tu và phát triển nơi đây thành một điểm du lịch, sinh hoạt về nguồn có ý nghĩa quan trọng. Từ sự đầu tư trùng tu, tôn tạo của tỉnh, nơi đây đã hình thành khu trung tâm quần thể tượng đài rộng lớn, gồm: Tượng đài, phù điêu, tượng bà mẹ Việt Nam anh hùng, tượng anh du kích, tượng sinh hoạt, chiến đấu của quân và dân 3 xã Tây Nam Bến Cát. Ngoài ra, trong khu di tích này còn có các hạng mục công trình, như: Nhà lưu niệm, nhà điều hành, nhà văn bia, sân hành lễ, nhà trưng bày, khu cây xanh, vườn hoa... Ông Lê Nguyên Khôi cho biết di tích địa đạo Tam giác sắt do tỉnh quản lý, đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo. Đây là di tích cấp quốc gia có ý nghĩa rất đặc biệt đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân địa phương. Vì thế, di tích luôn là ưu tiên hàng đầu trong các dịp tổ chức hội trại giao quân, về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương. Hàng năm, di tích còn đón tiếp nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu về địa đạo, về truyền thống đánh giặc của cha ông ta.
CẨM LÝ