Di tích Nhà máy xe lửa Dĩ An: Nơi ghi dấu sự ra đời của chi bộ Đảng đầu tiên

Cập nhật: 06-02-2021 | 04:31:56

Với bề dày lịch sử hơn 100 năm hình thành, phát triển, Nhà máy xe lửa Dĩ An ở khu phố 1, phường Dĩ An, TP.Dĩ An là một trong những di tích đã được UBND tỉnh công nhận. Nơi đây ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cùng với sự hình thành, phát triển của giai cấp công nhân và cũng là nơi ra đời chi bộ Đảng đầu tiên...

 Tượng đài Đề pô xe lửa Dĩ An

 Hình thành đội ngũ công nhân

Theo lời giới thiệu của cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin TP.Dĩ An, Nhà máy xe lửa Dĩ An do thực dân Pháp xây dựng để phục vụ cho chương trình khai thác thuộc địa của chúng trên lãnh thổ nước ta. Nơi đây ghi dấu sự hình thành rất sớm của đội ngũ giai cấp công nhân Việt Nam. Đặc biệt là sự ra đời của một trong những chi bộ đầu tiên của Xứ ủy Nam kỳ và là nơi diễn ra phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân chống sự xâm lược của bọn đến quốc thực dân.

Vào năm 1902, Pháp tiến hành xây dựng Nhà máy xe lửa Dĩ An với chức năng phục vụ việc bảo trì, sửa chữa các đoàn tàu ở các tuyến đường sắt Sài Gòn - Biên Hòa - Nha Trang, Sài Gòn - Lộc Ninh, Sài Gòn - Mỹ Tho... Sau 10 năm xây dựng, năm 1912, nhà máy chính thức đi vào hoạt động. Đây là nhà máy xe lửa tương đối hiện đại thời bấy giờ, chỉ đứng sau nhà máy Trường Thi ở Vinh (Nghệ An).

Lịch sử địa phương ghi lại, cùng với sự ra đời của nhà máy là sự hình thành đội ngũ công nhân xe lửa Dĩ An. Họ xuất thân từ tầng lớp nông dân do chính sách bần cùng hóa của chủ nghĩa đế quốc buộc phải dấn thân vào làm thuê trong nhà máy. Suốt thời gian xây dựng nhà máy, một số người dân Dĩ An phải bán sức lao động cho bọn chủ Pháp, làm những công việc hàng ngày vì chén cơm manh áo của gia đình. Trong lớp công nhân đầu tiên, người địa phương ở các xã lân cận chiếm khoảng 70%, số còn lại được tuyển từ các địa phương khác.

Theo thiết kế ban đầu, tổng diện tích khu làm việc của nhà máy khoảng 4.000m2, gồm văn phòng của chánh chủ sở và một số nhà xưởng, kho nguyên vật liệu. Hệ thống sản xuất chia làm 4 phân xưởng. Ngoài ra, nhà máy còn có 1 nhà đèn (trạm điện), 1 máy phát điện công suất 1.000W, kho vật tư nguyên liệu. Đến năm 1937, chúng cải tạo nơi đây thành trường dạy nghề và bắt đầu tuyển khóa học đầu tiên đào tạo các ngành nghề như nguội, tiện, rèn, gò, đúc, mộc vào năm 1938.

Ngay khi chính thức đi vào hoạt động, với chính sách vơ vét bóc lột nặng nề, chủ nhà máy trả lương cho công nhân với giá hết sức rẻ mạt, chế độ làm việc khắc nghiệt: Tăng giờ làm, nếu nghỉ bệnh, nằm viện, sinh đẻ sẽ không có lương... Vì vậy, đời sống của công nhân ở đây gặp rất nhiều khó khăn và lâm vào bước đường cùng. Đó là yếu tố tất yếu dẫn đến phong trào đấu tranh của công nhân đòi quyền lợi và chống ách thống trị của kẻ thù.

Nơi hình thành chi bộ cộng sản đầu tiên

Từ năm 1928, với chủ trương “vô sản hóa” tại các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, đồn điền, tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” đã đưa hội viên đến hoạt động, cùng ăn ở, lao động với công nhân. Họ đưa những tờ báo có nội dung yêu nước và quyển “Bản án chế độ thực dân Pháp” đến để công nhân chuyền tay nhau đọc. Từ đó, ý thức giác ngộ giai cấp của công nhân nhà máy được nâng cao rõ rệt.

Sau quá trình chuẩn bị, tháng 1-1930, Chi bộ Đề pô xe lửa Dĩ An đã ra đời. Đồng chí Nguyễn Đức Thiệu được chỉ định làm bí thư. Ngay sau khi thành lập, chi bộ bắt tay vào việc tổ chức thành lập và lãnh đạo Công hội đỏ vận động công nhân đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Đặc biệt, nhân Ngày Quốc tế lao động 1-5-1930, họ đấu tranh đưa yêu sách đòi tăng lương, thực hiện chế độ làm việc 8 giờ/ngày, bỏ chế độ làm khoán, không được đánh đập công nhân... buộc thực dân Pháp phải nhượng bộ trước sự đoàn kết, có tổ chức và kiên quyết của những người thợ xe lửa Dĩ An.

Sau một thời gian hoạt động, do bị địch phát hiện và khủng bố gắt gao nên tháng 11-1930, Chi bộ Nhà máy xe lửa Dĩ An ngừng hoạt động. Đến tháng 3-1936, Chi bộ Nhà máy xe lửa Dĩ An được tái lập và tiến hành củng cố lại tổ chức Công hội đỏ, chuẩn bị phương hướng đấu tranh trong thời gian về sau. Liên tiếp vào các năm 1936, 1937, 1938, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, nhiều cuộc đấu tranh đình công đã lôi cuốn toàn thể công nhân Đề pô xe lửa Dĩ An tham gia với cương lĩnh đấu tranh phong phú như đòi cải cách dân chủ, tự do nghiệp đoàn, tự do hội họp... Từ sau năm 1937, với sự phối hợp giữa đội ngũ công nhân đường sắt và lực lượng công nhân Sài Gòn - Gia Định đã lôi kéo hàng trăm công nhân tham gia phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Hỏa xa Nam kỳ đòi tự do, dân chủ, lập nghiệp đoàn, thả tù chính trị, chống quân xâm lược...

Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, công nhân nhà máy xe lửa Dĩ An đã đồng loạt nổi dậy làm chủ nhà máy; thành lập ban tự quản để quản lý máy móc tài sản và tình hình an ninh trật tự trong nhà máy, tham gia sản xuất phục vụ ngành đường sắt; chủ động rèn thêm rựa, mã tấu để tự trang bị cho mình và cung cấp cho lực lượng vũ trang địa phương; tháo gỡ, vận chuyển máy móc đi nơi khác cất giấu để lập xưởng quân giới; tổ chức hậu cần, vận động quyên góp lương thực, thực phẩm, thuốc men, tiền bạc để tiếp tế cho mặt trận, cùng với nhân dân địa phương tham gia củng cố và bảo vệ chính quyền vừa mới giành được.

Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai, công nhân đề pô xe lửa Dĩ An cũng bước vào giai đoạn đấu tranh mới. Kết hợp giữa đấu tranh chính trị với nhiều hình thức như bí mật tổ chức tháo gỡ máy móc, thiết bị chuyển vào chiến khu để lập xưởng quân giới hay tổ chức phá hoại làm tê liệt sản xuất... gây ra nhiều tổn thất và khó khăn cho địch.

Bước sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (1954-1968), dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, phong trào đấu tranh của công nhân đề pô xe lửa Dĩ An liên tục nổ ra với hình thức ngày càng đa dạng, tạo được tiếng vang lớn trong ngành, được hàng ngàn công nhân các nơi hưởng ứng như: Chống lại sắc lệnh của chính quyền Ngô Đình Diệm quy định giờ làm việc, chống chủ trương “tố cộng, diệt cộng”, chống bắt lính, chống gom dân lập ấp chiến lược, chặn đầu địch để phát truyền đơn cho khách đi tàu...; kết hợp cùng với phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương, đã tạo thành sức mạng tổng hợp của chiến tranh toàn dân, toàn diện; tiêu diệt được nhiều tên ác ôn, hội tề; quyên góp vật chất, tiền bạc ủng hộ cách mạng. Công nhân nhà máy xe lửa Dĩ An còn tổ chức nhiều lần bãi công tập thể đòi dân sinh, dân chủ, chống đàn áp, kìm kẹp, chống bắt lính, phản đối chiến tranh, đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh.

Từ giữa tháng 4-1975, dưới sự chỉ đạo của Ban Khởi nghiệp huyện Dĩ An, các cơ sở trong đề pô xe lửa Dĩ An đã chuẩn bị cờ, khẩu hiệu, biểu ngữ và một số vũ khí chuẩn bị phối hợp với nhân dân địa phương nổi dậy cướp chính quyền. Ngày 29-4-1975, các cơ sở tổ chức lực lượng canh giữ kho, máy móc không cho địch phá hoại, bảo đảm nguyên vẹn cơ sở vật chất để bàn giao cho cách mạng; đồng thời tích cực phối hợp với bộ đội, du kích địa phương truy lùng tàn quân của địch, thu hàng tấn vũ khí và đạn dược. Ngày 30-4-1975, hòa cùng niềm vui chung của cả nước, công nhân đề pô xe lửa Dĩ An khẩn trương dọn dẹp vệ sinh để chuẩn bị buổi mít tinh mừng ngày độc lập, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới, với tinh thần tự lực, tự cường, nhà máy đã tổ chức lại sản xuất, không ngừng đổi mới khoa học kỹ thuật và công nghệ đáp ứng yêu cầu vận tải đường sắt. Những thành tích của nhà máy đã được ghi nhận bằng những phần thưởng xứng đáng của Nhà nước, đó là danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2005 và Huân chương Độc lập hạng ba vào năm 2008. Ngày 25- 12-2012, Nhà máy xe lửa Dĩ An đã được UBND tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử truyền thống cách mạng của công nhân nhà máy xe lửa Dĩ An nói riêng và của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

 CẨM LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3589
Quay lên trên