Kỳ 2: Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra tác động đa chiều, mang lại tiện ích cho người dân, tạo đà tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ tài chính - ngân hàng.
Việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng hiện đại ở nông thôn vẫn còn thấp. Trong ảnh: Khách hàng thanh toán hóa đơn mua sắm bằng tiền mặt tại cửa hàng Bách hóa xanh ở huyện Bắc Tân Uyên
Xu hướng tất yếu
Những năm qua, TTKDTM là định hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Với sự vào cuộc tích cực của ngành ngân hàng, các đơn vị liên quan, chủ trương này đang có những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2019, Agribank Bình Dương đã đưa vào vận hành 7 CDM mới, 4 máy đặt tại hội sở, 3 máy phân bổ ở 3 đơn vị là Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bến Cát. Với 62 ATM/CDM trên toàn địa bàn, Agribank Bình Dương đáp ứng được mục tiêu tăng khối lượng thanh toán giao dịch. Cụ thể, số lượng thẻ ATM phát hành lũy kế qua các năm tăng lên: Năm 2020 là 652.249 thẻ; năm 2021 là 727.297 thẻ; năm 2022 là 806.843 thẻ, tỷ lệ tăng dần mỗi năm là hơn 11%. Mặt khác, triển khai sản phẩm mở tài khoản online qua phương thức eKYC trên ứng dụng Agribank E-mobile Banking, từ tháng 9-2021 đến ngày 31-12-2022 tỷ lệ khách hàng đăng ký mở tài khoản online tăng 173%. Gắn liền quá trình này, doanh thu từ dịch vụ Agribank liên tục tăng trưởng, với tốc độ tăng năm 2022 đạt 15,5%. Đây là một trong những con số minh họa tích cực, góp phần giảm tỷ lệ thanh toán tiền mặt trong dân cư.
Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank Bình Dương (VCB), cũng cho biết thời gian qua VCB đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, thiết kế các biện pháp khuyến khích khách hàng sử dụng nhiều hơn sản phẩm số. VCB đã triển khai ứng dụng dành cho 4 đối tượng khách hàng VCB Digibank, VCB DigiBiz, VCB iB@nking, VCB Cashup thông qua các ứng dụng ưu việt nổi trội (rút tiền bằng QR, thanh toán thông minh, tối ưu chi phí). Không ngừng đầu tư hệ thống trang thiết bị tiên tiến hiện đại với 82 máy ATM/CDM (nhiều nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại) trải đều trên địa bàn tỉnh. Tốc độ doanh thu từ dịch vụ cũng tăng tương ứng 14%/năm.
Nói về quy mô sử dụng dịch vụ ngân hàng số, bà Lâm Thị Châu Phương, Giám đốc TPbank Bình Dương, cho hay ngân hàng này hiện có khoảng 80% số lượng khách hàng đang sử dụng các dịch vụ ngân hàng số, tức khoảng 6,5/8 triệu khách hàng cá nhân. Dịch vụ số của TPbank không chỉ đáp ứng gần như 100% các nhu cầu về tài chính mà ngân hàng này cũng đã xây dựng hệ sinh thái số toàn diện, đáp ứng gần như mọi nhu cầu thanh toán ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Cụ thể, trên ứng dụng Internet banking TPbank Mobile, TPbank đã kết nối với hơn 50 đối tác và cung cấp tới hơn 2.000 đầu dịch vụ thanh toán, từ dịch vụ công, giải trí, du lịch, mua sắm, y tế, giao thông, bất động sản… Từ 3 năm trở lại đây, TPbank đã chuyển 93% các giao dịch của mình lên kênh số.
Khuyến khích khách hàng ở nông thôn
Có thể nhận thấy, không chỉ ở thành thị, người dân khu vực nông thôn, vùng xa trên địa bàn tỉnh đã dễ dàng trải nghiệm các tiện ích từ dịch vụ ngân hàng điện tử. Tuy vậy, việc triển khai hình thức TTKDTM tại một số nơi vẫn còn nhiều hạn chế.
Dữ liệu thống kê từ Agribank Bình Dương, cho biết tần suất sử dụng máy CDM/ATM ở vùng xa so với khu vực thành thị ít hơn khoảng 30%. Trong đó, đa phần đối tượng sử dụng là các cơ quan, ban, ngành, người lao động các khu công nghiệp. Trong khi đó, lượng khách hàng cá nhân, người dân mở thẻ còn ít. Tương tự, lượng giao dịch nộp tiền mặt vào CDM ở khu vực thành thị khoảng 1.050 giao dịch/1máy/1tháng, khu vực nông thôn chỉ khoảng 630 giao dịch/1máy/1tháng. Khu vực thành thị có số lượng dân cư đông, nhiều khu công nghiệp, thường xuyên tiếp cận thông tin nên số lượng khách hàng giao dịch tại máy CDM cao hơn so với khu vực nông thôn.
Ông Văn Quang Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo: Có máy CDM - Autobank tại huyện vùng xa Phú Giáo đã giúp người dân làm quen, qua đó sử dụng các dịch vụ tài chính phù hợp, giảm bớt thời gian, chi phí giao dịch cho người dân… Với đặc thù tại các vùng quê, các ngân hàng không cần lắp đặt quá nhiều máy giao dịch tự động, thay vào đó, nên tích cực tuyên truyền, tạo các sản phẩm dịch vụ hấp dẫn để người dân tăng cường giao dịch trực tuyến. |
Chia sẻ những băn khoăn về sử dụng hình thức TTKDTM, chị Phạm Thị Phượng, ấp Núi Đất, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, cho biết: “Từ nhà tôi phải đi 4km mới đến được điểm giao dịch của ngân hàng, để giao dịch được bằng phương thức hiện đại này, tôi phải mất nhiều thời gian. Mặt khác, dù đã nhận lương qua thẻ ATM hơn 2 năm, có biết các tính năng hiện đại của CDM nhưng tôi hay đọc được các tin tức về việc mất tiền trong tài khoản nên cảm thấy lo lắng, tôi vẫn giữ thói quen rút tiền, vào ngân hàng gửi tiền, nhận biên lai để an lòng”.
Trước vấn đề này, bà Trần Thị Quỳnh Châu, Phó Giám đốc Agribank Bình Dương, cho rằng ngân hàng cần sự đồng hành của các cấp, các ngành, cũng như sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, tiện ích, tính an toàn và bảo mật thông tin của việc thanh toán điện tử. Cần có chính sách khuyến khích các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ triển khai các loại hình thanh toán điện tử hiện đại, từng bước thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm các cơ chế, chính sách nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc chuyển đổi số và thúc đẩy TTKDTM.
Theo lãnh đạo Agribank Bình Dương, thời gian tới ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy TTKDTM khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đồng thời, tăng cường dịch vụ thanh toán thẻ, tiếp tục phát triển (cả về số lượng và chất lượng) kết hợp với sắp xếp hợp lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả mạng lưới POS, hướng tới thay thế dần các ATM sang CDM… nhằm đưa dịch vụ ngân hàng lan tỏa sâu rộng hơn. (Còn tiếp)
THANH HỒNG