Dịch vụ ngân hàng vươn tầm hiện đại, tiện ích- Kỳ 3

Cập nhật: 17-03-2023 | 21:50:18

Kỳ 3: Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ cho khách hàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Bình Dương đã ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng (DVNH) cho nền kinh tế. Phóng viên Báo Bình Dương phỏng vấn ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Dương về nội dung này.

- Xin ông cho biết đôi nét về sự phát triển DVNH trên địa bàn tỉnh hiện nay?

- Nhìn chung hoạt động thanh toán trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn ra ổn định, an toàn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của khách hàng. NHNN chi nhánh Bình Dương là thành viên trực tiếp của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, chủ yếu phục vụ cho hoạt động nhận vốn/điều vốn đi hội sở của các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD), kho bạc Nhà nước trên địa bàn, phục vụ nhu cầu nộp rút tiền mặt của một số chi nhánh TCTD, kho bạc Nhà nước qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.

Các ngân hàng đang cải tổ mạnh mẽ, đầu tư công nghệ để phát triển sản phẩm dịch vụ phù hợp nhằm tăng tốc độ thanh toán không dùng tiền mặt. Trong ảnh: Nhân viên hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ nạp tiền vào CDM tại Agribank chi nhánh Bình Dương

Tính đến ngày 10-3-2023, các địa điểm giao dịch (chi nhánh/ phòng giao dịch), máy ATM của các ngân hàng đã có mặt tại 9 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh. Với tổng số 803 máy ATM chủ yếu được lắp đặt tại các trụ sở chi nhánh/phòng giao dịch, các siêu thị, cơ sở y tế, trường học, bệnh viện và các khu công nghiệp… Tại địa bàn TX.Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên và huyện Bàu Bàng cũng đã có các phòng giao dịch và ATM để người dân thuận tiện đến giao dịch (gồm 43 phòng giao dịch và 118 máy ATM).

- Hạn chế trong việc mở rộng khả năng tiếp cận DVNH hiện nay là gì, thưa ông?

- Có nhiều nhóm nguyên nhân chủ quan từ phía ngân hàng, người dân, doanh nghiệp và các nhóm nguyên nhân khác. Trong đó, một trong những khó khăn tác động việc mở rộng khả năng tiếp cận DVNH đến khu vực vùng xa, vùng nông thôn là đặc điểm của các khách hàng khu vực này còn thói quen sử dụng tiền mặt, ngại chuyển đổi tiếp cận với các hình thức thanh toán hiện đại. Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ của một số người dân chưa tốt, đó là chưa kể đến yếu tố hạ tầng công nghệ thông tin, mạng lưới internet... vẫn còn nhiều hạn chế.

- Còn khó khăn đối với ngành ngân hàng trong chuyển đổi số (CĐS) là gì?

- Quá trình CĐS ngành ngân hàng đã diễn ra mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra không chỉ liên quan đến việc đồng bộ, phù hợp của hành lang pháp lý mà còn ảnh hưởng bởi an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao có xu hướng gia tăng, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp. Bên cạnh là việc thiếu hụt nhân sự trình độ cao và sự cân bằng về hiệu quả trong đầu tư nguồn lực, về vốn cho CĐS. Cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, khả năng tích hợp, kết nối, liên thông với các hệ thống, các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng… cũng là những vấn đề cần quan tâm.

- NHNN chi nhánh Bình Dương đặt mục tiêu như thế nào về việc nâng cao khả năng tiếp cận DVNH, thưa ông?

- Kế hoạch CĐS ngành ngân hàng được xây dựng, tiếp cận theo hướng đặt người dân, khách hàng ở vị trí trung tâm. Mục tiêu tổng quát của kế hoạch mặc dù được phân chia theo nhóm NHNN và các TCTD nhưng đều hướng tới việc phục vụ tốt hơn cho người dân.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động CĐS. Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ và tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn và hoạt động liên tục hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, các hệ thống thông tin quan trọng của NHNN. Tăng cường tích hợp, kết nối với các bộ, ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các DVNH trên nền tảng số, nâng cao chất lượng phục vụ và tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về ứng dụng kỹ thuật số và những lưu ý để phòng, tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử… 

Năm 2022, tổng số giao dịch thanh toán của NHNN chi nhánh Bình Dương qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng là 130.739 món, tăng 14,35% so với năm 2021, với tổng giá trị giao dịch 133.163 tỷ đồng. Hệ thống thanh toán từng lần tổng giao dịch 5.023 món, tăng 8,55%, với tổng giá trị giao dịch 101.739 tỷ đồng. Kế hoạch CĐS ngành ngân hàng đã đặt ra các mục tiêu rất cụ thể đến năm 2025, như: 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động...

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=720
Quay lên trên