Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis châu Á 2023: Đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và phát triển

Cập nhật: 04-12-2023 | 23:07:50

(BDO) Sau 2 ngày 3 và 4-12 diễn ra, với 6 phiên toàn thể và 26 phiên đối thoại, Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis châu Á 2023 đã phân tích các cơ hội, thách thức của châu Á trong giai đoạn phát triển mới. Các diễn giả đã đưa ra nhiều giải pháp nâng cao năng lực về thể chế, hạ tầng, nhân lực, chia sẻ công nghệ, mô hình quản trị, hợp tác phát triển các chuỗi cung ứng tự cường và bền vững…

Cơ hội của Việt Nam

Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis châu Á 2023 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang có nhiều bất ổn về địa chính trị, kéo theo sự biến động về kinh tế. Với 6 phiên toàn thể và 26 phiên đối thoại, diễn đàn nỗ lực trả lời các vấn đề đặt ra: Làm thế nào châu Á vượt qua các thách thức để củng cố và đẩy nhanh tăng trưởng bền vững; làm thế nào để nâng tầm sức mạnh của châu Á trong giải quyết các thách thức toàn cầu...

 Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương phát biểu bế mạc diễn đàn. Ảnh: Quốc Chiến

Trên tinh thần hợp tác, đoàn kết, phát triển, các diễn giả đều bày tỏ khát vọng châu Á - châu lục lớn nhất thế giới về diện tích và dân số, đa dạng về tôn giáo, văn hóa, sắc tộc với bề dày lịch sử hàng ngàn năm. Các giải pháp phát triển được phân tích sâu sát, như: Nâng cao năng lực về thể chế, hạ tầng, nhân lực; chia sẻ công nghệ, mô hình quản trị; hợp tác phát triển các chuỗi cung ứng tự cường và bền vững… Bên cạnh đó, đề cao cách thức phát triển kinh tế trên nền tảng lấy con người làm trung tâm, lấy những giá trị văn hóa tốt đẹp làm nền tảng, coi giải quyết khó khăn, thách thức là động lực để hợp tác cùng vươn lên mạnh mẽ hơn.

 Tại phiên bế mạc, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ của Ngài Frank-Jurgen Richter, Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á  cùng các thành viên diễn đàn, các chính khách, lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các diễn giả, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã tích cực tham gia, đồng hành và cùng làm nên thành công chung của sự kiện quan trọng này.

 Tại phiên bế mạc, các diễn giả cho rằng châu Á cần không ngừng tạo dựng quan hệ gắn kết lành mạnh giữa các quốc gia, duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực. Ủng hộ cách tiếp cận toàn cầu trong giải quyết các thách thức phát triển, khuyến khích sự tham gia sâu rộng hơn của doanh nghiệp trong các chương trình, dự án phát triển, tạo thuận lợi về thể chế, đẩy mạnh mô hình đối tác công-tư.

Cùng với đó, tối ưu hóa nguồn lực, phối hợp và phát huy vai trò tích cực của các định chế quốc tế. Tất cả cùng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa để cùng phát triển nhanh, bao trùm và bền vững; phát huy tốt những động lực tăng trưởng mới, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, đóng góp vì hòa bình, thịnh vượng cho các quốc gia, khu vực và trên toàn thế giới.

Bà Yip Thy-Diep Ta, người sáng lập J3d.ai Labs (Cộng hòa Liên bang Đức) cho rằng trong bối cảnh hiện nay, các nước cần đẩy mạnh sự hợp tác và phát triển thay vì đối đầu. Vấn đề bà quan tâm là làm thế nào để Việt Nam đột phá để trở thành phiên bản của Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) trong tương lai gần. Điều đó đòi hỏi Việt Nam cần có khung chiến lược, tận dụng lợi thế của mình, tăng sức chống chịu trước sự biến động của thế giới.

“Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp các nước phát triển san bằng khoảng cách nếu có các chiến lược, kỹ năng. Việt Nam đang có luật về dữ liệu cá nhân là một lợi thế. Chính phủ cần có luật định để có mảng khai thác dữ liệu như học bài học mà thung lũng Silicon (Hoa Kỳ) đã làm.

Thứ đến, dân số trẻ là một lợi thế rất lớn mà không phải quốc gia nào cũng có”, bà Yip Thy-Diep Ta, người con của Việt Nam xa xứ, trăn trở về hành trình phát triển và vươn mình của Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch Halcom Việt Nam cho rằng chúng ta đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn. Những căng thẳng địa chính trị trên thế giới đang đặt ra thách thức lớn về tài chính, chuỗi cung ứng song cũng tạo ra cơ hội lớn trong việc chung tay giải quyết những vấn đề chung, thiết lập lại chuỗi giá trị toàn cầu.

 Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương bắt tay chào mừng lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á. Ảnh: Quốc Chiến

Việt Nam đứng trước một lợi thế lớn khi các nền kinh tế trên thế giới đang có dấu hiệu hồi phục trở lại. Điều này đặt ra một lộ trình hợp tác công bằng trên cơ sở tạo cơ hội để các nước có một khoảng thời gian để “đuổi kịp” những yêu cầu về phát triển của các nước phương Tây. “Việt Nam trên quan điểm yêu chuộng hòa bình, giữ vững chiến lược ngoại giao cây tre và những khát vọng , định hướng chiến lược về phát triển xanh, bền vững sẽ tiếp tục hợp tác, làm bạn với các nước trên thế giới”, ông Nguyễn Quang Huân đưa ra ý kiến.

Bình Dương - lựa chọn mới cho nhà đầu tư   

Ông Nguyễn Quang Huân đánh giá rằng Bình Dương đã và đang là một tỉnh dẫn đầu của Việt Nam về chiến lược phát triển thành phố thông minh. “Bình Dương không chỉ áp dụng giải pháp về thông minh, về điều hành cơ cấu công mà cả các hoạt động xã hội. Đây là nền tảng để Bình Dương giải quyết những thách thức đặt ra sau một chặng đường phát triển, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, vấn đề môi trường. Bình Dương áp dụng công nghệ 4.0 vào điều hành và các mô hình phát triển kinh tế.

 Văn nghệ tại phiên bế mạc. Ảnh: Quốc Chiến

Nếu về lâu dài Bình Dương tiếp tục triển khai đúng định hướng chiến lược đề ra là một điều rất tốt và sẽ nâng tầm phát triển”, ông Nguyễn Quang Huân nói.

 Tại phiên bế mạc, lãnh đạo Công ty Becamex Tokyu bày tỏ việc muốn biến thành phố mới Bình Dương thành thành phố giáo dục chất lượng cao theo định hướng quốc tế. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tạo ra sự hợp tác phát triển để xây dựng thành phố mới Bình Dương trở thành trung tâm giáo dục uy tín, là điểm đến của những nhân tài.

Vấn đề này, ông Yoshito Hori, Người sáng lập, Chủ tịch Globis (Nhật Bản) cho rằng muốn phát triển mảng giáo dục theo hướng quốc tế thì thành phố mới Bình Dương phải mời gọi tài năng đến đây, thu hút chất xám từ nơi khác đến, xây dựng được một hệ sinh thái mới với nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp, môi trường đáng sống… Muốn làm được điều đó, cần có sự đồng lòng từ các cấp, các ngành, địa phương và sự hỗ trợ của Chính phủ.

Kết thúc những ngày gặp gỡ, thảo luận, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương bày tỏ: Bình Dương tin tưởng Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis châu Á 2023 đã và đang mang đến cho toàn thể đại biểu một cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm thực tế về khu vực châu Á, những nét đặc thù về đất nước, con người Việt Nam nói chung và môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Bình Dương nói riêng. Tất cả góp phần cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có thêm lựa chọn mới về một điểm đầu tư đáng tin cậy, là cơ hội để đặt nền tảng cho các nhà đầu tư hợp tác cùng phát triển thịnh vượng trong tương lai.

Châu Á hiện là khu vực đi đầu về hợp tác, hội nhập quốc tế với trên 150 hiệp định thương mại tự do, chiếm 58% tổng số hiệp định thương mại tự do của thế giới. Tuy nhiên, cũng như những khu vực khác, quá trình hội nhập toàn cầu đang đặt châu Á trước nhiều thách thức, như: Diễn biến phức tạp về các mối đe dọa khủng bố, biến đổi khí hậu, thảm họa về bệnh dịch, thiên tai…

Tiểu My

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2143
Quay lên trên