Vụ cháy cơ sở kinh doanh karaoke An Phú ở phường An Phú, TP.Thuận An mới đây và các vụ cháy khác nói chung trong những năm qua cho thấy nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn rất lớn trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày. Nếu lơ là, chủ quan từ công tác quản lý đến ý thức phòng cháy của các chủ cơ sở kinh doanh và người dân thì hậu quả rất khó lường. Thực tế những vụ cháy đã xảy ra cho thấy nguyên nhân gây cháy thì có nhiều nhưng đầu tiên là do ý thức chủ quan của con người.
Đặc biệt, khi xảy ra cháy thường gây hậu quả thương vong về người. Điều đó cho thấy điều kiện và kỹ năng thoát nạn trong hỏa hoạn còn nhiều bất cập. Theo bộ Quy chuẩn QCVN 06:2021/BXD của Bộ Xây dựng, với những công trình có chức năng dịch vụ, thương mại, cơ sở văn hóa, thể thao như bar, cơ sở kinh doanh karaoke, yêu cầu phòng cháy chữa cháy (PCCC) cao hơn các công trình bình thường khác. Trước khi xây, các công trình này phải được Cơ quan cảnh sát PCCC thẩm duyệt phương án PCCC. Khi hoàn thành xây dựng và được nghiệm thu về mặt an toàn mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều cơ sở kinh doanh khi lực lượng chức năng kiểm tra thì thực hiện đầy đủ, hoặc có cơ sở không bảo đảm đã bị xử phạt và yêu cầu khắc phục nhưng sau đó lại bỏ lỏng, không tuân thủ an toàn về PCCC. Bên cạnh ý thức về phòng cháy còn hạn chế thì các cơ sở này thường tận dụng tối đa không gian để kinh doanh.
Không chỉ với trường hợp cơ sở kinh doanh karaoke An Phú mà hiện nay trên địa bàn cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng, nhiều cơ sở kinh doanh karaoke xây dựng kín mít, phía ngoài được trang trí nhìn bắt mắt nhưng không đủ số lượng cửa, không gian thoát hiểm khi xảy ra cháy. Theo quy chuẩn thì các công trình như cơ sở kinh doanh karaoke phải có ít nhất 2 lối ra thoát nạn trở lên để có lối thoát khi sự cố xảy ra. Đó chính là điều kiện để thoát hiểm. Bên cạnh đó, để hạn chế thấp nhất thương vong về người khi cháy nổ xảy ra thì kỹ năng thoát nạn đóng vai trò quyết định sinh tử. Thay vì hoảng loạn, nếu được trang bị những kỹ năng thoát hiểm như: Bình tĩnh di chuyển, không chen lấn xô đẩy, dùng các vật dụng có thể ngăn khí độc vào phổi, dập lửa, biết cách mở cửa, tìm lối thoát hiểm an toàn và hợp tác với lực lượng chức năng... thì có thể bảo đảm an toàn tính mạng khi có hỏa hoạn xảy ra.
Thời gian qua, ngành giáo dục - đào tạo đã phối hợp lực lượng phòng cháy đưa kỹ năng PCCC, cứu nạn, cứu hộ vào trường học để trang bị kiến thức cho học sinh. Lực lượng PCCC và cứu nạn cứu hộ cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm; đồng thời tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn trong các doanh nghiệp, khu dân cư. Đặc biệt, mới đây Bình Dương còn tổ chức thành lập, ra mắt mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC tại nhiều khu dân cư để trang bị điều kiện, kỹ năng hạn chế hỏa hoạn và thương vong.
Đừng đùa với “bà hỏa”, chỉ cần một lỗ hổng là thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, hãy chung tay cùng các cấp, các ngành nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi chúng ta trong công tác phòng cháy.
K.TÂN