Trong số những ngôi đình đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh, đình thần - dinh ông Ngãi Thắng ở khu phố Ngãi Thắng, phường Bình Thắng, TP.Dĩ An là ngôi đình khá độc đáo, bởi nơi đây thờ đến 2 vị thần của làng. Theo chân những cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin TP.Dĩ An, chúng tôi đã có dịp ghé thăm ngôi đình cổ độc đáo này...
Cổng đình thần Ngãi Thắng mới được xây dựng lại vào năm 2007 rất khang trang
2 vị thần trong một ngôi đình
Theo ông Nguyễn Trung Quân, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin TP.Dĩ An, trong ngôi đình này thờ 2 vị thần, đó là Thần Thành hoàng Bổn Cảnh và công thần Trương Công Đạt. Đây là 2 vị thần có công lớn đối với dân làng Ngãi Thắng trong những ngày đầu đến đây khai hoang, lập nghiệp.
Cũng như bao ngôi đình khác, đình Ngãi Thắng được người dân lập nên để thờ Thần Thành hoàng Bổn Cảnh của làng. Lúc đầu, đình được xây dựng rất nhỏ, đơn sơ trong một khu rừng rậm khá hoang vu. Đình Ngãi Thắng còn gọi là đình thần - dinh ông vì trong đình còn thờ công thần Trương Công Đạt. Tư liệu lịch sử ghi lại, ông Trương Công Đạt vốn là người xứ Thuận Hóa, là một vị quan Chánh án đời Thái Tổ triều Lê. Sau khi ông mất, con cháu ông đã di cư vào Nam và đến vùng đất thuộc khu phố Ngãi Thắng ngày nay khai khẩn đất đai để trồng trọt, xây dựng cuộc sống nơi vùng đất mới. Sau khi an cư, họ đã di dời linh cữu của ông ở quê vào đây và lập mộ để thờ phụng.
Tương truyền, mộ ông rất linh và thường phù hộ, che chở cho người dân trong vùng được bình an, may mắn. Vì thế, người dân ở Ngãi Thắng xem ông như một “vị thần phù hộ của nhân dân” và thờ phụng ông trong đình cùng với vị Thần Thành hoàng Bổn Cảnh của họ. Cũng từ đó, đình được gọi là đình thần - dinh ông Ngãi Thắng. Năm 1852, đình thần - dinh ông Ngãi Thắng đã được vua Tự Đức phong tặng sắc thần và đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích cấp tỉnh ngày 9-1-2009.
Lưu giữ nét sinh hoạt văn hóa
Theo các vị trong Ban quý tế đình, lúc đầu đình Ngãi Thắng được xây dựng rất nhỏ giữa một khu rừng rậm rạp, gần đó có khu mộ của ông Trương Công Đạt. Từ khi xây dựng đến nay, đình thần - dinh ông Ngãi Thắng đã trải qua nhiều lần tu bổ, sửa chữa. Trong những năm tháng chiến tranh, đình từng bị thiêu rụi hoàn toàn vào năm 1954. Sau đó, ông Lê Văn Liêng, Châu Văn Ngà và Nguyễn Văn Phận (được gọi là tiền hiền) đã đứng ra xây dựng lại ngôi đình để người dân thờ cúng 2 vị thần của làng và có nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần. Đến năm 2000, đình tiếp tục được người dân đóng góp tiền của để tu bổ, sửa chữa thêm lần nữa. Những câu liễn, đối chữ Hán có ý nghĩa về mặt văn hóa cũng được phục hồi, treo trang trọng trong đình. Nhờ sự chung sức, đóng góp của người dân, đình Ngãi Thắng đã trở nên khang trang, kiên cố hơn như ngày hôm nay.
HÀNG NĂM CÓ 2 LỄ CÚNG LỚN LIÊN QUAN ĐẾN 2 VỊ THẦN THỜ PHỤNG TRONG ĐÌNH ĐƯỢC TỔ CHỨC, ĐÓ LÀ LỄ CẦU AN THẦN THÀNH HOÀNG BỔN CẢNH (TỪ NGÀY 18 ĐẾN 19-8 ÂM LỊCH) VÀ CÚNG ĐẠI LỄ CẦU AN ÔNG TRƯƠNG CÔNG ĐẠT (TỪ NGÀY 18 ĐẾN 19-11 ÂM LỊCH). NGOÀI NHỮNG LỄ CÚNG TRÊN, TỪ NHIỀU NĂM QUA, TẠI ĐÌNH CÒN DUY TRÌ MỘT MỘT LỄ CÚNG KHÁ ĐẶC BIỆT NỮA, ĐÓ LÀ CÚNG NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ 27-7... |
Khi đến địa phận khu phố Ngãi Thắng, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra ngôi đình này bởi cổng đình được xây dựng khá khang trang. Cổng đình được xây theo lối tam quan, được xây dựng lại vào năm 2007 (trên cổng còn ghi số 2007). Từ cổng đình bước vào, phía bên trái là dãy nhà ăn, kế đến là khu vực chánh điện (khu vực thờ phụng). Các hương án thờ thần đều được đặt bên trong chánh điện: Đầu tiền là hương án thờ vị chánh thần Thành hoàng Bổn Cảnh (trên trang thờ có đề chữ Thần viết bằng chữ Hán); kế đến là bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (trên bàn thờ có đặt tượng thờ Bác Hồ bằng đồng) và cuối cùng là hương án thờ ông Trương Công Đạt. Hai bên hương án là án thờ Tả ban và Hữu ban. Theo các vị trong Ban quý tế, ở đình Ngãi Thắng không có bàn thờ Hội đồng nội, mà thay vào đó là bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và bàn thờ các anh hùng liệt sĩ trong xã. Đây chính là điểm khác biệt của đình thần Ngãi Thắng so với nhiều ngôi đình làng khác, góp phần tạo thêm nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây.
Đình là nơi lưu giữ nét sinh hoạt văn hóa về mặt tinh thần của người dân từ bao đời nay. Hàng năm, tại đây diễn ra nhiều hình thức sinh hoạt cộng đồng mang đậm nét văn hóa làng quê Việt Nam thể hiện sự tôn kính, biết ơn đối với tổ tiên và các vị thần đã có công phù hộ cho dân làng. Vào dịp rằm tháng giêng, tại đình diễn ra cúng lễ Kỳ yên (còn gọi lễ Thượng nguyên) thu hút đông đảo người dân trong vùng và các vùng lân cận đến tham gia. Đặc biệt, hàng năm có 2 lễ cúng lớn liên quan đến 2 vị thần thờ phụng trong đình, đó là lễ cầu an Thần Thành hoàng Bổn Cảnh (từ ngày 18 đến 19-8 âm lịch) và cúng đại lễ cầu an ông Trương Công Đạt (từ ngày 18 đến 19-11 âm lịch). Ngoài những lễ cúng trên, từ nhiều năm qua, tại đình còn duy trì một một lễ cúng khá đặc biệt nữa, đó là cúng Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7...
Trải qua bao thăng trầm lịch sử và sự biến đổi của thời gian, đình thần - dinh ông Ngãi Thắng vẫn là nơi lưu giữ những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc từ xưa đến nay. Dù xã hội ngày càng phát triển, nhưng những nét văn hóa truyền thống ấy vẫn được bảo tồn, phát triển, không chỉ góp phần kết nối tình cảm giữa con người với nhau mà còn thắt chặt thêm tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong xây dựng cuộc sống mới.
CẨM LÝ