“Đô” người Việt cao thật!

Cập nhật: 25-05-2011 | 00:00:00

Cách đây hơn 10.000 năm, các công dân thành Babylon sẽ không thể ngờ cái thứ nước do họ sáng chế ra khi uống vào làm cho con người có cảm giác lâng lâng, ngầy ngật, say say... lại phát triển khủng khiếp đến như vậy. Bia là loại thức uống đã trở nên quá quen thuộc đối với 99,9% cánh mày râu. Theo tính toán của các chuyên gia ngành bia, tính trung bình mỗi người Việt Nam uống khoảng 16 lít bia/năm. Và Việt Nam là quốc gia đứng thứ ba thế giới, thứ nhì khu vực Đông Nam Á về mức tiêu thụ bia với hàng tỷ lít bia mỗi năm. Nếu vậy thì “thành tích” này đâu kém cạnh ai.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, 4 tháng đầu năm 2011 các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất hơn 714 triệu lít bia các loại, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng ngành bia tại Việt Nam, theo thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường, ước đạt 15%/năm. Việt Nam có khoảng 350 cơ sở sản xuất bia có trụ sở ở hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước và tiếp tục tăng về số lượng. Trong số này, có hơn 20 nhà máy đạt công suất trên 20 triệu lít/năm, 15 nhà máy có công suất lớn hơn 15 triệu lít/năm và có tới 268 cơ sở có năng lực sản xuất dưới 1 triệu lít/năm.

Thị trường bia được dự báo sẽ rất sôi động trong thời gian tới. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại chính là sự xuất hiện của nhiều sản phẩm bia dẫn tới rất khó quản lý về mặt chất lượng, đặc biệt là các loại bia “vi sinh”, được bán với giá rất rẻ. Hiện tại thị trường bia nước ta đang là sự cạnh tranh 50 - 50 của bia nội địa và bia nhập khẩu. Điều khá bất ngờ là tốc độ tăng trưởng tiêu thụ của bia nhập khẩu qua những năm gần đây luôn đạt những con số ấn tượng. Lượng bia nhập khẩu lớn nhất đa số có xuất xứ từ Bỉ, Đức và Hà Lan. Dự báo đến năm 2012 Việt Nam sẽ chiếm vị trí thứ hai của Pháp (chỉ đứng sau Mỹ) để trở thành thị trường tiêu thụ quan trọng của bia Heineken. Và khả năng đến năm 2015 Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ bia Heineken lớn nhất thế giới! Ở thị trường nội địa, Tổng Công ty Bia rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với các nhãn hàng “333”, “Sài Gòn xanh”, “Sài Gòn đỏ”, “Saigon Special”... chiếm vị trí độc tôn. Năm 2010, doanh nghiệp này tiêu thụ tổng cộng 1,088 tỷ lít bia các loại. Năm 2011, doanh nghiệp này đặt mục tiêu tiêu thụ 1,3 tỷ lít bia và dự kiến đạt mốc 2 tỷ lít vào năm 2015.

Theo khoa học, uống bia, nếu chỉ một lượng vừa phải thì lại tốt cho sức khỏe. Nhưng nếu lạm dụng, uống quá nhiều thì ngược lại. Tim mạch là cơ quan rất dễ bị tác động của bia rượu. Những người nghiện bia rượu luôn có huyết áp cao hơn người bình thường và dễ có nguy cơ đối mặt với các bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, bia rượu kéo dài còn có thể dẫn đến đột quỵ và tổn thương não. Thêm vào đó, chức năng gan của những người nghiện bia rượu luôn bị giảm sút. Không chỉ là ảnh hưởng của bia rượu đối với sức khỏe; sâu xa hơn và đáng nói hơn là tác động của bia rượu về mặt xã hội. Đó là sự lãng phí ngoại tệ (để nhập khẩu bia, rượu), tiền bạc, thời gian... xung quanh ly bia trên bàn nhậu của đa số cánh mày râu. Để rồi hệ lụy đương nhiên xảy ra là tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, mâu thuẫn gia đình... những mối lo lớn mà cả xã hội đang ra sức cố gắng để đẩy lùi - tất yếu có một phần nguyên nhân từ những ly bia, ly rượu “vui vẻ” từ bàn nhậu! 

 NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=397
Quay lên trên