Đóng góp làm nên sự thành công của doanh nghiệp (DN) là công nhân lao động. Ý thức rõ điều này, các DN đều xem công nhân lao động là vốn quý. Đối đãi chân tình, nỗ lực ổn định việc làm và không ngừng cải thiện phúc lợi là cách mà nhiều DN đã thực hiện để giữ chân người lao động. Dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra và những bất lợi trong sản xuất, kinh doanh do tác động bởi tình hình kinh tế thế giới, nhưng hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực chăm lo để giữ gìn vốn quý của DN.
Nhảy việc là chuyện thường ngày của công nhân lao động ở nhiều DN trước đây, đặc biệt là sau kỳ nghỉ tết hàng năm. Sở dĩ có chuyện nhảy việc là do thu nhập và các chế độ phúc lợi của người lao động nơi này tốt hơn nơi kia. Những năm gần đây, nhảy việc rất ít xảy ra vì hầu hết các DN có đông công nhân lao động đều tìm cách để công nhân xem DN là nhà. Việc làm ổn định, phúc lợi nâng lên, đối đãi chân tình, ứng xử tử tế… là cách mà nhiều DN đã nỗ lực thực hiện để hạn chế công nhân lao động nhảy việc.
Chăm lo cho công nhân lao động là việc làm thường xuyên của DN cả khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn. Còn nhớ những ngày Bình Dương “khóa chặt, đông cứng” để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, mặc dù thua lỗ do công ty phải tạm dừng hoạt động nhưng nhiều chủ DN cùng với tổ chức Công đoàn vẫn lặn lội đến từng khu trọ tặng quà và động viên công nhân. Tiếp đó là những ngày thiếu đơn hàng do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế thế giới, nhiều chủ DN phải chạy đôn, chạy đáo tìm kiếm đơn hàng để tạo việc làm cho công nhân cho dù đơn hàng không đủ mang lại lợi nhuận. Họ làm tất cả chỉ vì công nhân, bởi họ xem công nhân là người thân và luôn lo nghĩ cho công nhân.
Thấu cảm cái tình của chủ DN, nhiều công nhân lao động đã xem DN là nhà, luôn đồng hành cùng DN. Thực tế cũng đã chứng minh điều này là nhiều DN đạt quân số 100% công nhân lao động trở lại làm việc ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua, không có công nhân nhảy việc. Ý thức DN là nhà, là “nồi cơm” của gia đình, công nhân lao động còn tự nguyện tham gia các phong trào do tổ chức Công đoàn phát động như sáng kiến kỹ thuật, xung kích tự quản trong DN. Từ những phong trào này, nhiều sáng kiến đã được đưa vào thực hiện, tiết giảm ngày công, làm lợi cho DN; tình hình an ninh trật tự, tài sản của DN được bảo đảm.
Cái lợi của việc công nhân xem DN là nhà, DN xem công nhân là người thân đã rõ. Bảo vệ ngôi nhà, đóng góp xây dựng ngôi nhà của chính mình ngày càng vững chắc đã được công nhân lao động thực hiện. Tình trạng đình lãn công trái pháp luật, trộm cắp tài sản, gây rối đánh nhau trong DN theo đó ngày càng giảm. Tuy nhiên, để công nhân lao động xem DN là nhà, về phía DN phải biết trân quý người lao động, phải xem công nhân là người thân. Bên cạnh đối đãi chân tình, ứng xử tử tế, DN phải bảo đảm các chế độ phúc lợi cho người lao động. Đây là mối quan hệ tương hỗ mà cả hai phía đều phải nỗ lực bồi đắp và giữ gìn.
LÊ QUANG