Doanh nghiệp sẽ vượt khó

Cập nhật: 07-05-2012 | 00:00:00

Trước tình hình khó khăn của DN, ngày 4-5 vừa qua, tại cuộc họp báo Chính phủ, các bộ ngành công bố gói giải pháp cứu DN được đánh giá là đa dạng nhất từ trước đến nay. Các giải pháp được áp dụng như: Giãn, giảm thuế thu nhập DN, giãn thuế VAT, miễn thuế môn bài, giảm tiền thuê đất... với tổng trị giá 29.000 tỷ đồng. Ngoài giải pháp cứu DN, Chính phủ cũng đã quyết định lùi thời hạn thu phí quỹ bảo trì đường bộ đến ngày 1-1-2013 thay vì từ ngày 1-6 tới. Ngân hàng Nhà nước cũng vừa ra quy định giới hạn trần lãi suất cho vay ở mức 15% năm. Riêng với hai loại phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, hạn chế ô tô vào nội ô, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải làm lại đề án, nếu đạt Chính phủ mới trình ra Quốc hội và việc thu phí chỉ thực hiện khi Quốc hội thông qua.

Có thể nói, các quyết định và động thái nêu trên của Chính phủ, một số bộ ngành đang được dư luận đồng tình. Giới doanh nhân và DN đang phấn khởi trước việc thực hiện gói giải pháp hỗ trợ để duy trì và ổn định sản xuất, kinh doanh. Nhưng đó chỉ là bình diện chung. Đi sâu vào phân tích cụ thể, một số doanh nhân đã lập tức có ý kiến, như: Giúp chưa tới, giải pháp còn phân tán, bỏ quên DN xuất khẩu... Ông Võ Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam đã nêu ý kiến đáng suy nghĩ: Việc giảm 30% thuế thu nhập DN đối với DN vừa và nhỏ là không có tác dụng gì, bởi họ có lãi đâu mà nộp. Chưa kể, đây không phải là giải pháp mà DN cần. Cái họ cần là làm sao tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng, đừng để ngân hàng tìm lý do từ chối không cho DN vay. Hoặc có ý kiến cho rằng, trong các giải pháp của Chính phủ đưa ra chỉ tập trung “cứu” các DN sản xuất trong nước, trong khi các DN xuất khẩu vẫn chưa thấy được sự hỗ trợ cần thiết.

Về việc lùi thời gian thu phí bảo trì đường bộ và xem xét việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, hạn chế ô tô vào nội đô đã được người dân đồng tình. Bởi xung quanh việc đề xuất thu các loại phí này đã bị dư luận phản ứng khá gay gắt. Theo tính toán của Bộ Giao thông - Vận tải, nếu hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, mỗi năm cả nước thu được 12.000 -15.000 tỷ đồng từ hơn 600.000 ô tô cá nhân. Câu hỏi đặt ra là: Nếu người dân dừng mua ô tô thì ngân sách sẽ thất thu một khoản là bao nhiêu và nếu thu được khoản phí này thì tình hình ùn tắc giao thông, hạ tầng giao thông có thực sự được cải thiện. Hiện tồn tại một mâu thuẫn là chúng ta vừa muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô vừa tìm cách hạn chế vì hạ tầng giao thông kém! Một đất nước có gần 90 triệu dân mới chỉ có hơn 600.000 xe ô tô cá nhân mà đã bị hạn chế lưu thông thì việc hạn chế và mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô rõ ràng là mâu thuẫn. Trong khi đó, mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô thời gian qua xem như đã thất bại. Tỷ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng vẫn đang ở mức thấp, xe sản xuất trong nước chủ yếu là lắp ráp phụ tùng nhập khẩu, xe nhập khẩu nguyên chiếc thì giá đắt gấp đôi so với các nước trong khu vực. Như vậy, kỳ vọng vào một chiếc ô tô “Made in Vietnam” và chuyện người Việt mơ có một chiếc ô tô giá rẻ ngày càng trở nên xa vời...

 NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên