(BDO) Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis châu Á 2023, cùng với định hướng chuyển đổi kinh tế châu Á phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu, các diễn giả cho rằng hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp (DN) cần phải tích cực tham gia, tăng tốc hành động hướng tới mô hình sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm và bền vững.
Hòa mình theo xu hướng
Các diễn giả đánh giá, trong bối cảnh nhiều cơ hội và thách thức đan xen, Việt Nam cần khai thác hiệu quả các cơ hội, hóa giải những khó khăn, thách thức của thời đại để góp phần thúc đẩy sự chuyển đổi kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, DN cần tiên phong, hội nhập trên hành trình xanh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc chuyển đổi chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng theo hướng bền vững hơn, thúc đẩy chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi phát triển xanh.
Các diễn giả tham luận tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis châu Á 2023
Ý thức, khát vọng của DN là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bà Đặng Thị Thanh Vân, Giám đốc điều hành Savvycom, Việt Nam, cho rằng trong thời điểm đầy biến động của tình hình thế giới, Việt Nam đã chuyển hướng phát triển kinh tế sang kinh tế có giá trị gia tăng cao, khẳng định mình là trung tâm tăng trưởng kinh tế mới. Điều này được thúc đẩy nhờ vào việc Việt Nam tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện, vị trí chiến lược là cửa ngõ đi vào các thị trường đang phát triển nhanh khác, nguồn lao động dồi dào và có tay nghề, chi phí lao động cạnh tranh và nhiều chính sách ưu đãi.
Bà Lisa Botos, Giám đốc sáng lập, MMBP Private Partners (Singapore), cho rằng doanh nhân và DN phải thuyết phục được bạn hàng làm ăn với mình do bản sắc văn hóa tốt của mình. Văn hóa cần phải được thấm vào qua thương trường, qua lịch sử, qua quá trình rèn luyện phấn đấu. Nếu văn hóa làm ăn, văn hóa DN nổi trội lên thì sẽ có nhiều người làm ăn với mình, từ đó mình sẽ giàu lên. Ví dụ, nói về hình ảnh một doanh nhân Bình Dương với nét đặc trưng là gì thì phải nêu bật lên được, có như vậy mới thành công. |
“Trên nền tảng đó, muốn đi nhanh các DN phải chủ động tiên phong. Không ai khác, chính đội ngũ doanh nhân và DN Việt gánh trọng trách đi tiên phong hiện thực hóa quá trình hội nhập và gặt hái lợi ích từ hội nhập. Vấn đề đặt ra là, cần làm gì để DN, doanh nhân chủ động, tự tin hội nhập hiệu quả. Câu trả lời là cập nhật xu hướng, ứng dụng công nghệ, tiếp cận môi trường kinh doanh, văn hóa, chính sách…”, bà Đặng Thị Thanh Vân lưu ý.
Theo ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch Halcom, Việt Nam, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII có Nghị quyết số 06 về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trong đó, nghị quyết xác định quan điểm hội nhập kinh tế quốc tế là sự nghiệp của toàn dân; doanh nhân, DN, đội ngũ trí thức là lực lượng đi đầu. Nhưng hiện tại, đa số DN Việt Nam vẫn còn tư duy quản trị theo kiểu cũ, tư duy của thị phần mà chưa nhận thức được tầm quan trọng của chuỗi giá trị xanh dựa trên nền tảng công nghệ.
“Muốn phát triển trong bối cảnh hội nhập, DN Việt Nam ngoài chủ động tăng năng lực về trình độ quản trị, nhân lực, đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm, uy tín kinh doanh... thì phải nỗ lực để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”, ông Nguyễn Quang Huân đề xuất.
Tăng tốc chuyển đổi xanh
Ông Don Lam, Giám đốc Điều hành và Đối tác sáng lập VinaCapital, Việt Nam, chia sẻ: “Tôi nghĩ việc chuyển đổi xanh đang khá phổ biến ở các nước châu Âu, song các nước châu Á cần thêm thời gian để hiện thực hóa cam kết về giảm phát thải carbon. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể lạc quan về việc thực hiện mục tiêu này, vì thực tế hiện nay tại Việt Nam các dự án sử dụng năng lượng tái tạo đã tăng đáng kể. Đa số các dự án đầu tư mới là dự án công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao và sử dụng năng lượng tái tạo”.
Các chuyên gia trao đổi bên lề phiên đối thoại
Ông John Jung, đồng sáng lập Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), cho rằng cách tiếp cận xây dựng thành phố thông minh với các tiêu chí của ICF hiện nay cũng khá tương thích với xu thế chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Theo đó, để xây dựng thành phố thông minh cần tiếp cận một cách toàn diện, không chỉ là công nghệ, dữ liệu mà còn cần phải chú trọng yếu tố con người, nâng tầm giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mô hình sinh thái đổi mới sáng tạo.
Trong xu thế chuyển đổi qua phát triển xanh, Bình Dương cần quan tâm đến hệ thống giao thông thông minh, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân; nghiên cứu phát triển các loại hình giao thông ứng dụng công nghệ cao (như xe điện, xe tự hành…).
Ông Johan Nyvene, Chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh, khẳng định trong xu thế bền vững, thành công của DN không chỉ nằm ở các con số tài chính mà còn bao gồm khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi trước những thách thức chưa từng có trong tiền lệ. DN cần tiên phong, hội nhập trên hành trình xanh, tiếp tục đóng vai trò hạt nhân thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc chuyển đổi chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng theo hướng bền vững hơn, thúc đẩy chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh.
Hơn lúc nào hết, các DN Bình Dương cần phải tích cực tham gia, tăng tốc hành động hướng tới mô hình sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm và bền vững.
Bà Đặng Thị Thanh Vân cho rằng Bình Dương cũng cần phải đào tạo nhân lực tốt hơn cho DN, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, bên cạnh các yếu tố như cung cấp năng lượng xanh và cơ sở hạ tầng tốt hơn. Đồng thời, cần chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng băng thông rộng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thay đổi, tái cấu trúc, định hình hướng đi mới để đáp ứng xu thế phát triển xanh hiện nay.
TIỂU MY