Đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển công nghiệp bán dẫn- Kỳ 2

Thứ năm, ngày 14/03/2024

(BDO) Kỳ 2: Những doanh nghiệp tiên phong

Liên tục trong thời gian gần đây, nhiều nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử của các doanh nghiệp (DN) tại Bình Dương gia tăng năng lực, đáp ứng mạnh mẽ hơn nữa trong chuỗi cung ứng sản phẩm. Tuy nhiên, cần có lộ trình hình thành, phát triển nhà máy sản xuất công nghiệp bán dẫn.

Gia tăng năng lực

Trao đổi với chúng tôi về tiềm lực của những DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) điện tử lớn, ông Nguyễn Trọng Luật, Tổng Giám đốc Cicor Việt Nam (VSIP I), chia sẻ Cicor có mặt tại Bình Dương đã 24 năm, là một trong những công ty dịch vụ sản xuất điện tử lớn tại châu Âu, chuyên sâu vào các thị trường công nghệ cao như thiết bị y tế.

Sản xuất tại Công ty TNHH Cicor Việt Nam (VSIP I)

“Việc đầu tư nhà máy thứ 4 tại Bình Dương không chỉ tăng gấp đôi khả năng sản xuất của tập đoàn tại Việt Nam, mà còn phát triển thêm khả năng kỹ thuật, chuyên sản xuất và gia công sản xuất các sản phẩm, bán thành phẩm điện tử, cơ điện, các sản phẩm nhựa để xuất khẩu với vốn đầu tư 5 triệu đô la Mỹ, nâng tổng vốn đầu tư của Cicor tại Bình Dương lên 15 triệu đô la Mỹ. Khách hàng ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về sản phẩm, chúng tôi cũng bắt buộc phải tập trung cải thiện, đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất”, ông Nguyễn Trọng Luật cho biết.

 TS Trần Nhàn, Giám đốc kỹ thuật Công ty Nanochap Electronics: Bình Dương cần xây dựng chính sách và thủ tục hành chính tinh giản, minh bạch. Ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng cho sản xuất, cơ sở hạ tầng, giáo dục cho lực lượng lao động này cũng cực kỳ quan trọng, có thể thu hút họ về trong thời gian ngắn nhưng phải làm sao giữ chân họ lại lâu dài cần phải tính đến.

Được biết, đến nay nhà máy Cicor Việt Nam đạt ngang tầm các nhà máy sản xuất tại Thụy Sĩ, Đức và Hoa Kỳ. Cicor đang tăng năng lực tại Việt Nam bằng cách thành lập một đội ngũ kỹ thuật chuyên môn, phối hợp chặt chẽ với đội ngũ nghiên cứu và phát triển tại trụ sở chính Bronschhofen (Thụy Sĩ) để đáp ứng nhu cầu đang tăng trưởng nhanh chóng của khách hàng về việc phát triển các thiết bị điện tử chất lượng cao.

Cũng như Cicor, cuối năm 2023, Công ty TNHH Nitto Denko Việt Nam được UBND tỉnh trao giấy phép xây dựng mở rộng nhà máy sản xuất sản phẩm phụ trợ điện tử (giai đoạn 6). Sau khi tiếp tục đầu tư, Nitto Denko đã nâng tổng số vốn đầu tư vào Bình Dương lên tới hơn 113 triệu đô la Mỹ.

Theo lãnh đạo DN này, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Nitto Denko Việt Nam không ngừng nỗ lực, phát triển sản xuất và trở thành một trong những thương hiệu phụ trợ uy tín đối với các tập đoàn, DN công nghiệp lớn nhỏ ở trong nước cũng như các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Doanh thu của công ty thường đạt kết quả tăng trưởng 2 con số, đồng thời không ngừng nâng vốn đầu tư qua các giai đoạn nhằm bảo đảm phục vụ nhu cầu thị trường gia tăng.

Phát triển nhà máy sản xuất chip

Trao đổi với chúng tôi về phát triển các DN bán dẫn tại địa phương, TS Trần Nhàn, đồng sáng lập, Giám đốc kỹ thuật Công ty Nanochap Electronics (Úc), cho biết trong toàn chuỗi ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam mới tham gia được 2 khâu ở giai đoạn giữa là thiết kế và đóng gói. Hai khâu này mang tính thực thi là chính chứ chưa được tham gia các khâu đầu não như thiết kế kiến trúc, sản xuất, hay thương mại hóa. Để xây dựng được nguyên một chuỗi công nghiệp bán dẫn đầy đủ cần quá nhiều yếu tố quan trọng, trong đó phải có nguồn nhân lực chất lượng cao và bền vững, có tính kế thừa, cơ sở hạ tầng hiện đại, ổn định, quy trình làm việc và chính sách phải rõ ràng, mình bạch, tinh giản.

Theo TS Trần Nhàn, Bình Dương có thể có lợi thế về chính sách và cơ sở hạ tầng nhưng có điểm yếu là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong ngắn hạn có thể thu hút nguồn lực chất lượng cao từ các nơi khác bằng các chế độ đãi ngộ tốt, nhưng dài hạn phải có đào tạo để mang tính kế thừa. Giai đoạn ban đầu có thể tham gia vào các khâu thiết kế, kiểm tra, đóng gói như các công ty hiện tại ở Việt Nam, nhưng để tham gia vào toàn bộ chuỗi công nghiệp bán dẫn, điều kiện tiên quyết là phải có các nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam.

“Phải có sự phối hợp giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với các công ty cung cấp phần mềm thiết kế, bởi giá cả các phần mềm này rất đắt. Trước mắt là phối hợp giữa trường đại học, viện nghiên cứu với các nhà máy sản xuất chip trên thế giới, sau đó là nhà máy trong nước, để sinh viên nghiên cứu có thể sản xuất và kiểm tra các ý tưởng thiết kế của mình, từ đó nâng cao kiến thức, kỹ năng. Quá trình đó sẽ giúp tạo ra đội ngũ kỹ sư chất lượng cao, có thể tự mở ra các công ty thuần Việt, tự thương mại hóa chip do chính họ làm ra”, TS Trần Nhàn chia sẻ thêm. (còn tiếp)

Bình Dương, một địa phương năng động và có những định hướng phát triển đúng đắn, những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nhân tiếp tục giúp Bình Dương vững vàng trên con đường đi tới của mình. Trong đó, Bình Dương cần có sự quyết tâm lớn trong việc triển khai các mô hình chuyển đổi sản xuất theo hướng thông minh hơn, bền vững hơn, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp bán dẫn, chuyển đổi số...”.
(Bà Đặng Thị Thanh Vân, Giám đốc Điều hành Savvycom Việt Nam)

TIỂU MY

Từ khóa: