Hôm qua (5-9), cùng với cả nước, tất cả các trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã đồng loạt khai giảng năm học mới 2023-2024. Với chủ đề “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo” cho thấy năm học 2023-2024, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà đang hướng tới giữ vững thành quả, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đổi mới thực chất với hiệu quả nâng cao. Đặc biệt, ngành giáo dục và đào tạo Bình Dương còn đặt mục tiêu xa hơn là xây dựng trường học hạnh phúc, thông minh ở tất cả các cấp học.
Đổi mới giáo dục và đào tạo là câu chuyện không mới nhưng luôn là vấn đề thời sự nhân các sự kiện liên quan đến ngành giáo dục và đào tạo. Đổi mới giáo dục và đào tạo đã được đề cập cách đây 10 năm và là nhiệm vụ xuyên suốt không riêng ngành giáo dục và đào tạo mà của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Ngay sau khi Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) thông qua, vấn đề đổi mới giáo dục và đào tạo được toàn ngành giáo dục và đào tạo, chính quyền các cấp chú trọng thực hiện. Kết quả qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Bình Dương đã gặt hái được nhiều thành quả rất đáng tự hào. Trường lớp được xây dựng khang trang, đạt chuẩn; trang thiết bị phục vụ dạy và học ngày càng hiện đại; số lượng học sinh giỏi các cấp năm sau luôn cao hơn năm trước. Đặc biệt, những năm gần đây Bình Dương luôn đứng trong tốp đầu các tỉnh, thành về số lượng học sinh THPT đỗ tốt nghiệp và đại học.
Kết quả đó phần nào đã phản ánh được quá trình đổi mới của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà, quyết tâm của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc thực hiện quan điểm chỉ đạo “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”.
Thuận lợi của ngành giáo dục và đào tạo Bình Dương trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW là luôn nhận được sự đồng hành từ lãnh đạo tỉnh, sự hỗ trợ từ chính quyền các cấp với quan điểm “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. Tuy nhiên, khó khăn mà ngành giáo dục và đào tạo Bình Dương phải vượt qua là số lượng học sinh cơ học tăng nhanh qua từng năm, là áp lực về trường lớp, đội ngũ giáo viên giảng dạy. Những khó khăn ấy đã ít nhiều ảnh hưởng tới quá trình thực hiện đổi mới, nâng chất giáo dục theo tinh thần nghị quyết đã đề ra. Dẫu vậy, ngành giáo dục và đào tạo Bình Dương đã tạo được sự đột phá, đổi mới thực chất với hiệu quả không ngừng nâng cao đã được chứng minh bằng các con số cụ thể qua từng năm học.
Đổi mới giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện… Do vậy, bên cạnh sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền, hoạt động quản trị của ngành giáo dục và đào tạo rất cần sự tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học. Có như vậy vấn đề đổi mới giáo dục mới thực sự đi vào thực chất và thành công.
LÊ QUANG