Điệp viên A.13 Hoàng Đạo |
Để lại người phụ nữ, người chiến sĩ cảm tử, họ xuống thuyền, đi về bãi Sầm Sơn, lên mõm sau của chùa Độc Cước, nhìn theo con tàu. Lửa bùng lên ngoài khơi. Nước dâng thành cây, con tàu chìm dần xuống trong lửa khói, còn nhô lên phần đuôi. Họ phải đề phòng tàu khác ngoài biển nhả đạn vào. Dù phải ẩn náu, mọi người vẫn thấy tàu thủy, máy bay địch quần đảo trên biển, nhưng không cứu kịp - Những ngày sau đó, thủy sư đô đốc của Pháp làm lễ truy điệu lớn tại Hải Phòng. Các báo cánh hữu ở Pháp đăng tin, quy nguyên nhân là do ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Pháp nên lính thủy Pháp phản chiến đánh tàu. Ông Nguyễn Tạo, Trưởng ty điệp báo Trung ương đã viết thư ngỏ gởi Bộ trưởng Bộ thuộc địa Mút-tê bằng cách rải truyền đơn vào Hà Nội và gởi trực tiếp. Thư nói rõ người Pháp đã thua vì chiến công của một tổ điệp báo Việt Minh. Chẳng bao lâu sau, báo chí cánh tả đăng lại rõ ràng theo tin của Việt tấn xã, đó là chiến công của tổ điệp báo của Việt minh, một cuộc thua đau của người Pháp.
Ông Đạo chỉ vào cái tượng của anh hùng Nguyễn Thị Lợi: “Con người này đáng được sống hạnh phúc, nhưng đã chọn hy sinh cho Tổ quốc”- Dường như ông cho rằng nhà tạc tượng có tài thật đấy, nhưng không bao giờ diễn đạt được hết về cái vĩ đại của con người này - Không phải nhà điêu khắc thiếu tài năng, mà là một vẻ đẹp bi tráng sống mãi, đau thương trong lòng ông, người chứng kiến.
25. Mãi tới 50 năm sau, vào năm 1995, một cuộc hội thảo lớn ở Sầm Sơn để nghiên cứu, kết luận về tầm vóc và ý nghĩa chiến công lớn trong ngành tình báo thời chống Pháp.
“Ở cuộc hội thảo, các ngành nghiên cứu khoa học lịch sử, khoa học hình sự, khoa học tình báo đều có những bài phát biểu, khẳng định chiến công lớn. Cuộc hội thảo do Bộ Nội vụ, Cục tình báo tiến hành. Khi ông Hoàng Đạo kể đến đó, tôi yêu cầu ông cho tôi những tài liệu liên quan đến hội thảo, ông bảo không có. Tôi vừa tiếc vừa giận ông: Hỏi bất cứ tài liệu nào về cuộc đời ông, đều không có - Các bài báo viết về ông, cũng chẳng giữ một mảnh. Ông bảo “liên quan đến tình báo thì làm sao giữ đầy tài liệu trong người được. Hỏi cấp trên người ta bảo rằng điệp vụ này không còn bí mật nữa, ông cứ việc ra lục ở các bảo tàng. Đến vậy thì tôi làm gì có các tài liệu như những cuộc truy tìm mà ông ông Lê Tri Kỷ ngày xưa có cả một hòm tài liệu trong hang đá, trở thành quyền sở hữu tư liệu của nhà văn đã khuất. Tôi không có may mắn ấy”.
Ông đưa ra cuốn tạp chí lịch sử quân sự. Ở chỗ đánh dấu bằng cách cặp cái danh thiếp có ghi Dr. Nguyễn Văn Khoan, Học viện Hồ Chí Minh - Nghĩa Tân - Hà Nội. Trên tư liệu có chữ của ông Khoan đề tặng. Đó là bài “Xin dâng chiến công này lên Hồ Chủ tịch” - Tác giả bài báo, Nguyễn Việt Hồng viết rằng được đọc bản gốc ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam bức điện Công an Hà Nội gởi Trung ương, báo cáo về vụ đánh tàu Amyot D’inville - Bức điện kết thúc bằng những dòng sau: “Những kết quả hành động trên là kết thúc vụ điệp báo Hoàng Đạo A.13. Báo cáo tỉ mỉ sẽ gởi sau. Chi bộ Công an Hà Nội xin dâng chiến công này lên Hồ Chủ tịch và Đại hội Đảng”.Bài báo viết tiếp,
“Hoàng Đạo bí danh A.13 được “đánh” vào quân địch, làm cố vấn cho Bảo Đại, đồng chí Đạo là Ty trưởng Ty Công an Thanh Hóa, hiện đang nghỉ hưu ở thành phố Hồ Chí Minh” - Ông cười, lái câu chuyện vào việc xin nhìn nhận chiến công tập thể mà ông là hạt nhân, chuyện đã được lịch sử và ngành công an khẳng định. Các hồi ký của các tướng lĩnh đều cho rằng Hoàng Đạo là một con người “cực kỳ thông minh”. Hồi đó nhiều nơi báo cáo lên cấp trên về chiến công này. Báo chí, phát thanh rầm rộ lắm. Nhưng Hoàng Đạo vẫn ẩn mình yên tĩnh trong chiến công chung của tập thể.(Còn tiếp)
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI