Bài 10: Chuyện đờn ca ở đất sen hồng
Đồng Tháp, vùng đất sen hồng thơ mộng và lãng tử. Đất và người Đồng Tháp chân chất, mạnh mẽ, khẳng khái, nhưng “thuần khiết như hồn sen”. Trong không gian hữu tình ấy, cùng lắng nghe những giai điệu mượt mà, cùng chiêm nghiệm những câu chuyện đờn ca của các cán bộ, nghệ nhân đờn ca tài tử (ĐCTT) Đồng Tháp, chúng tôi như hiểu thêm về sự quan tâm đầu tư nhằm giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này của các cấp lãnh đạo địa phương.
Một tiết mục tham gia trong Liên hoan ĐCTT và Hò Đồng Tháp năm 2016
Sức lan tỏa của đờn ca tài tử
Tiếp chúng tôi trong sự phấn khởi với những kết quả đạt được từ Liên hoan ĐCTT và Hò Đồng Tháp lần thứ nhất do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh (VH-ĐA) tỉnh tổ chức vào cuối năm 2016, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm VH-ĐA tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Liên hoan lần này, có 14 đội đến từ 12 huyện, thị, thành phố và các ban ngành trong tỉnh. Do tuyển chọn từ cơ sở nên các đội biểu diễn bằng giọng ca truyền cảm ngọt ngào, luyến láy tài hoa làm say ngất lòng người, thu hút đông đảo khán giả đến xem cổ vũ. Qua liên hoan, các nghệ nhân, người yêu thích ĐCTT đã có dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm phát huy giá trị di sản”.
Cũng theo ông Thanh Hùng, ĐCTT ở Đồng Tháp phát triển đáng phấn khởi, phong trào rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ xã đến huyện. Các địa phương trong tỉnh đã thành lập nhiều Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT thu hút đông đảo nghệ nhân tham gia hoạt động thường xuyên hơn trước, góp phần xây dựng phong trào, đào tạo và phát triển những hạt nhân trên lĩnh vực nghệ thuật ĐCTT ở cơ sở ngày một lớn mạnh cả về chất lẫn lượng. Hiện, toàn tỉnh có khoảng 195 CLB ĐCTT, với hơn 2.200 người tham gia. Nổi trội trong phong trào này có thể kể đến là huyện Lai Vung, Thanh Bình, Hồng Ngự, Cao Lãnh. Nhắc đến các ngón đờn hay thì ai cũng có thể kể liền mạch tên các nghệ nhân như: Chú Hai Ni, nghệ nhân đờn kìm (huyện Thanh Bình); chú Hai Biệu, nghệ nhân đờn cò; chú Nguyên Tùng, nghệ nhân đờn ghi ta (huyện Lai Vung); chú Phước, nghệ nhân đờn ghi ta (huyện Cao Lãnh); chú Ba Giáo, nghệ nhân đờn sến (TP.Cao Lãnh)… Còn những nghệ nhân ca thì nhiều không kể hết, tiêu biểu như: Trọng Khanh, Lê Thái (huyện Lấp Vò); Kim Phượng (huyện Lai Vung); Mỵ Châu (huyện Thanh Bình)...
Tạo đà phát triển
Nhằm giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật ĐCTT, Trung tâm VH-ĐA Đồng Tháp đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cơ bản và nâng cao nghệ thuật ĐCTT. Qua các lớp tập huấn này, đông đảo học viên, người mộ điệu có được kiến thức vừa cơ bản vừa chuyên sâu về ĐCTT.
Tiết mục biểu diễn tại buổi tổng kết lớp Tập huấn cơ bản và nâng cao nghệ thuật ĐCTT tỉnh Đồng Tháp
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Tấn cho biết: “Lớp học gần đây có 152 học viên (HV). Tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng các HV chuyên cần, gắn bó, bất ngờ nhất là có trên chục HV quê tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An tham dự. Tất cả HV nhiệt tình, say mê. Tuy nhiên, hạn chế ở chỗ là người học đờn còn khiêm tốn. Sắp tới, Trung tâm thực hành truyền dạy ĐCTT TP.Hồ Chí Minh có kế hoạch phối hợp với Trung tâm VH-ĐA tỉnh khai giảng khóa tập huấn đờn”. Tâm đắc với những kiến thức được trang bị trong lớp tập huấn, cô Lê Thị Thu Liễu (59 tuổi), ngụ ấp Tịnh Hưng, xã Tịnh Thới, TP.Cao Lãnh cho biết, mặc dù cô đã tham gia phong trào ĐCTT từ lúc 15 tuổi nhưng qua lớp tập huấn với những kiến thức bài bản, cô thấy mình được học hỏi rất nhiều. Qua lớp học này, cô Liễu sẽ về truyền dạy những kiến thức bổ ích cho con, cháu, những người hàng xóm biết ca một cách bài bản hơn.
Ông Nguyễn Thanh Hùng nói thêm, thông qua công tác tuyên truyền, tập huấn, Trung tâm VH-ĐA tỉnh đã đưa hoạt động ĐCTT đến với đông đảo công chúng, góp phần nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo vệ phát huy giá trị của nghệ thuật ĐCTT, nhất là cho thế hệ trẻ. Qua đó, các sở, ngành, huyện, thị, thành phố đã xem đây là nhiệm vụ cơ bản trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của địa phương. Anh Trần Quốc Vĩnh, Đội trưởng Đội tuyên truyền lưu động huyện Hồng Ngự, Phó Chủ nhiệm CLB ĐCTT huyện cho biết, nhờ tham gia các lớp tập huấn nâng cao ĐCTT, tích cực mở các lớp ở địa phương nên các thành viên trong CLB được tập dợt bài bản hơn. Tham gia liên hoan, CLB ĐCTT tập trung lựa chọn lực lượng trẻ, có chất giọng tốt, nhịp nhàng cơ bản, hát chuẩn tài tử...
Ông Nguyễn Tùng, Phó Chủ nhiệm CLB ĐCTT huyện Lai Vung, người hướng dẫn đờn, ca cho các HV tâm huyết chia sẻ: “Các lớp khởi đầu của ĐCTT giúp HV tìm hiểu cấu trúc của ngũ cung trong nhạc tài tử, rồi ứng dụng ngũ cung đó lên cây đàn; đồng thời học lòng bản của nhạc tài tử...”. Trên cơ sở 20 bài bản tổ, người hướng dẫn sẽ giới thiệu tính chất, hướng dẫn kỹ năng cho HV ca một phần của mỗi bài bản, sự tương đồng và khác biệt về hơi điệu trong từng bài bản. Riêng vọng cổ sẽ hướng dẫn kỹ năng ca các loại nhịp; đối với đờn, HV sẽ được giới thiệu khái quát về bộ nhịp trong nhạc tài tử, vị trí của song lan trong từng loại nhịp; hướng dẫn HV thực hành xướng âm lòng bản...
Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm VH-ĐA tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức được 3 lớp truyền dạy nghệ thuật ĐCTT cho hơn 400 HV là các đối tượng công nhân viên chức, người hưu trí, sinh viên, học sinh, các hạt nhân trong phong trào văn nghệ quần chúng tại trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng xã và các xã nông thôn mới. Thông qua các lớp tập huấn, Liên hoan ĐCTT và Hò Đồng Tháp, Trung tâm VH-ĐA tỉnh đã tuyển chọn được đội ngũ nghệ nhân tham gia Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần 2 - Bình Dương 2017. Bên cạnh việc tham gia đầy đủ các hoạt động của Festival, Đồng Tháp sẽ bố trí nghệ nhân dạy đờn, dạy ca cho du khách khi đến với không gian ĐCTT Nam bộ của tỉnh. Qua đó, truyền thêm cảm hứng và thắp lên ngọn lửa cùng nhau phát huy những giá trị tuyệt vời của bộ môn nghệ thuật di sản này.
Bài 11: Sóc Trăng với “Ký ức dòng sông”
MINH HIẾU