Đồng bộ các giải pháp phục hồi du lịch Đông Nam Bộ sau dịch

Cập nhật: 05-03-2021 | 14:12:11

Lãnh đạo 6 tỉnh vùng Đông Nam Bộ ký kết liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)

Thời điểm trước dịch COVID-19, mặc dù mỗi năm các địa phương vùng Đông Nam Bộ đón khoảng 49,5 triệu lượt du khách trong và ngoài nước, nhưng theo nhiều chuyên gia, kết quả này chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch của các địa phương trong khu vực.

Vì vậy, để ngành du lịch từng địa phương cũng như toàn khu vực Đông Nam Bộ phát triển bền vững trên cơ sở khai thác các thế mạnh riêng có, trong đó nổi bật là tiềm năng du lịch sinh thái, cần có những giải pháp mang tính đồng bộ, từ việc phát hiện, bảo tồn tài nguyên du lịch đến phối hợp, liên kết khai thác một cách bài bản, hợp lý hơn trong thời gian tới.

Bảo tồn tài nguyên du lịch sinh thái

Tại khu vực Đông Nam Bộ cũng như nhiều vùng phát triển du lịch của cả nước, hoạt động tham quan du lịch sinh thái, khám phá và trải nghiệm đang ngày càng được nhiều du khách lựa chọn.

Yếu tố tiên quyết để loại hình du lịch này phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài chính là cần có sự quy hoạch, bảo tồn kết hợp khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên du lịch sinh thái một cách hợp lý.

Tiến sỹ Vũ Thịnh Trường và thạc sỹ Nguyễn Hoài Nhân (Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai) đề xuất các địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ cần làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn các dạng tài nguyên cho du lịch sinh thái.

Ban quản lý các khu, điểm du lịch ở địa phương tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác bảo tồn thông qua những hoạt động cụ thể như nghiên cứu, thống kê, rà soát lại tất cả các dạng tài nguyên sinh thái trên các địa bàn du lịch trọng điểm.

Từ đó, phân loại, xác định thứ tự ưu tiên trong đầu tư khai thác phục vụ du lịch; áp dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật mới nhất vào lĩnh vực bảo tồn và phát huy hiệu quả việc khai thác các dạng tài nguyên du lịch sinh thái như giảm thiểu những tác động của ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ trong quản lý và phân tích dữ liệu...

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người tham gia hoạt động du lịch, nhất là cộng đồng cư dân địa phương, quảng bá các giá trị của tài nguyên du lịch sinh thái thông qua ấn phẩm quảng cáo, tập gấp, sách hướng dẫn, mạng internet, các hội chợ, triển lãm.

Theo thông tin từ Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Đồng Nai, xác định du lịch sinh thái là sản phẩm chủ lực, đồng thời là thương hiệu của du lịch địa phương, Đồng Nai đặc biệt quan tâm việc đầu tư bảo tồn và phát huy các giá trị của nguồn tài nguyên này trên địa bàn.

Ngoài việc tiếp tục bảo tồn, tổ chức các hoạt động du lịch phù hợp tại Khu bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai (huyện Vĩnh Cửu), Vườn quốc gia Cát Tiên (trên địa bàn các huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú), Đồng Nai còn chú trọng phát triển tài nguyên du lịch sinh thái tại nhiều địa phương khác trong tỉnh.

Đơn cử, với mục tiêu phát triển du lịch sinh thái rừng ngay tại thành phố Biên Hòa, góp phần bảo vệ môi trường cho đô thị loại 1, mới đây Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã quyết định dành nguồn kinh phí để thực hiện Dự án Quy hoạch và xây dựng rừng phòng hộ môi trường cảnh quan Biên Hòa, nằm trên địa bàn 6 phường, xã của thành phố Biên Hòa và các huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu.

Dự án gồm các hạng mục chính như xây dựng rừng sinh cảnh, khu sưu tập động thực vật; xây dựng khu hành chính dịch vụ, khu tái định cư để di dời các hộ dân khỏi khu vực rừng; đầu tư khu nghiên cứu, đào tạo và giáo dục; hệ thống đường giao thông phục vụ phát triển du lịch cũng như các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn. 

Thực hiện hài hòa cả hai tiêu chí là bảo tồn, phát triển rừng và thu được lợi ích kinh tế hợp lý từ rừng, dự án sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn với cảnh quan sinh thái rừng phòng hộ - "lá phổi xanh" cho thành phố đô thị loại 1 Biên Hòa.

Nâng chất sản phẩm, tăng cường liên kết

Khẳng định ưu thế phát triển du lịch sinh thái của nhiều địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ, một số chuyên gia cũng cho rằng hiện nay nhiều hoạt động du lịch sinh thái Đông Nam Bộ mới chỉ dừng ở việc đưa du khách "đi xem," "đi cho biết" và "tham quan, thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên" chứ chưa thực sự có nhiều trải nghiệm để du khách có thể tìm hiểu đầy đủ về giá trị cảnh quan (rừng, biển đảo) và các giá trị văn hóa bản địa của cộng đồng cư dân địa phương.

Một góc của Khu du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương.

Nhiều địa phương trong vùng cũng như các khu vực lân cận chưa hình thành được các tour, tuyến đặc thù về du lịch sinh thái.

Việc kết nối giữa các địa phương trong vùng và các vùng phụ cận chưa đạt được mong muốn là tạo thành chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ du lịch mang tính nhất quán và bền vững để vừa thu hút nhiều du khách vừa đem lại lợi ích kinh tế-xã hội cho cộng đồng cư dân ở mỗi địa phương.

Vì vậy, để khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng du lịch sinh thái nhằm phát triển bền vững du lịch, trước mắt là nhanh chóng phục hồi sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, việc nâng chất, đổi mới sản phẩm là rất yếu tố quan trọng.

Lấy ví dụ cụ thể đối với tỉnh Đồng Nai, Thạc sỹ Trần Thu Hương (Đại học Công nghệ Đồng Nai) cho rằng tỉnh cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, có sức thu hút cao, ấn tượng, đa dạng ở từng địa phương và liên kết cả vùng để không bị trùng lặp như khai thác sản phẩm du lịch sinh thái dọc sông Đồng Nai kết hợp tham quan các di tích; bảo tồn và phát triển sản phẩm lễ hội du lịch, tín ngưỡng, văn hóa. 

Theo bà Nguyễn Thị Mộng Bình - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, để có sản phẩm du lịch sinh thái hấp dẫn, trên cơ sở có sự gắn kết giữa các địa phương trong tỉnh cũng như toàn vùng, Đồng Nai tiếp tục chú trọng thực hiện hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ giai đoạn 2020-2025.

Tỉnh cũng xây dựng tuyến du lịch sinh thái gắn với khai thác giá trị di sản văn hóa; lựa chọn một số di sản phù hợp cho phát triển du lịch để hình thành tuyến du lịch sinh thái gắn với di sản văn hóa như: hoạt động du lịch sinh thái gắn với tham quan, tìm hiểu di sản tại Khu Bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai; du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Cát Tiên gắn với Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo.

Cùng đề cập về hướng phát triển, nâng chất sản phẩm du lịch, ở góc độ cụ thể của địa phương, ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương chia sẻ là một tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, Bình Dương đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lân cận để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo sản phẩm du lịch, chương trình du lịch, tuyến du lịch liên vùng hoàn chỉnh và quảng bá chung trong và ngoài nước; xây dựng chuỗi du lịch thân thiện an toàn với sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương.

Tỉnh sẽ tập trung khai thác tuyến du lịch đường sông nhằm đón du khách đi theo tuyến đường sông Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Dương.

Bên cạnh đó, các điểm đến như quần thể núi Cậu, lòng hồ Dầu Tiếng hay làng tre Phú An (được coi là Bảo tàng tre lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm này) là những điều kiện thuận lợi để địa phương tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách khi đến Bình Dương.

Còn theo ông Võ Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), trên cơ sở khảo sát kỹ lưỡng, các doanh nghiệp du lịch đã xây dựng và đưa vào khai thác một số tour mang tính liên kết giữa các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ và một trong những sản phẩm điểm nhấn chính là các điểm đến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng như Lâm viên Mỹ Lệ (Bình Phước), lòng hồ Dầu Tiếng, làng bưởi Tân Triều (Đồng Nai)…

Thời gian tới, các tour tuyến này tiếp tục được các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh khai thác với mục tiêu đa dạng sản phẩm, mang đến cho du khách ngày càng nhiều hơn các trải nghiệm trong mỗi chuyến du lịch./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=444
Quay lên trên