Đồng hành cùng dân tộc

Cập nhật: 11-03-2011 | 00:00:00

Cờ hoa rực rỡ sắc màu, từng nhóm người hối hả, tất bật nhưng trên môi luôn nở nụ cười tại các điểm sẽ hành lễ Phật sự... đó là hình ảnh những ngày này trên đất Bình Dương. Hội thảo Hoằng pháp năm 2011 chính thức diễn ra tại Bình Dương từ ngày 10 đến 13-3. Đây là sinh hoạt lớn của Phật giáo Việt Nam và cũng là sự kiện lớn về sinh hoạt văn hóa của quê hương đất Thủ. Bình Dương với chủ trương mở rộng cửa chẳng những chào đón các nhà đầu tư đến làm ăn mà còn là nơi hội tụ và sinh hoạt văn hóa với quan điểm rộng mở thông thoáng, cho đến nay đã có nhiều sự kiện mang tính toàn quốc và quốc tế đã diễn ra trên nhiều lĩnh vực.

Hội thảo Hoằng pháp lần này với chủ đề xuyên suốt là Phật giáo với dân tộc mang ý nghĩa rất tích cực cho sự phát triển của Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung. Có thể nói, hàng ngàn năm nay từ khi du nhập vào Việt Nam thì Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc. Giáo lý nhà Phật gần gũi với đời sống của dân Việt với bản chất hiền từ, nhân ái, thương người, độ lượng và cưu mang đùm bọc lẫn nhau. Chính vì lẽ đó nên trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, trong việc huy động sức người chống lại thiên tai, trong sự cưu mang những phận đời khốn khó do chiến tranh, thiên tai luôn có vai trò của nhà Phật. Trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, nhất là trước cơ chế kinh tế thị trường khắc nghiệt, nơi mà vật chất nhiều khi thống trị mỗi suy nghĩ và hành động của con người thì giáo lý nhà Phật cũng là một trong những cứu cánh, nó tạo một số chuẩn mực đạo đức, nó giúp con người cân bằng hơn trong cuộc sống, không quá tham lam, vô độ, nâng cao tình người trong bản thân, trong gia đình, trong xã hội, khuyên con người hướng thiện tránh xa cái ác, hiếu thảo với cha mẹ, với tiền nhân... Nếu như Hoằng pháp với kiều bào để mọi người luôn hướng về cội nguồn dân tộc thì Hoằng pháp với thanh thiếu niên để giúp cho lớp trẻ có được nền tảng đạo đức trong sáng từ suy nghĩ đến hành động, chống thói ăn chơi đua đòi vật chất, lễ phép hiếu nghĩa với cha mẹ, thầy cô; yêu thương quý mến bạn bè, người thân; sống có trách nhiệm với cộng đồng...

Đảng và Nhà nước ta có quan điểm rất rõ ràng, luôn xem tôn giáo là hình thức đời sống tinh thần tồn tại lâu dài cùng với sự phát triển của dân tộc. Không riêng gì Phật giáo mà các tôn giáo khác trong thời gian qua đã phát triển rất nhanh cả về tín đồ lẫn cơ sở thờ tự, các hình thức sinh hoạt tôn giáo luôn được tôn trọng. Những quan điểm về kỳ thị, hạn chế hoạt động tôn giáo đã dần trở nên lạc hậu, nó đi ngược lại xu thế hòa hợp dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Hội thảo Hoằng pháp lần này là một minh chứng về chính sách tôn giáo đúng đắn của Nhà nước. Trong thời gian tới, không chỉ sinh hoạt của Phật giáo mà sinh hoạt của các tôn giáo khác cũng sẽ được Đảng, chính quyền và nhân dân Bình Dương quan tâm hỗ trợ. Đất lành chim đậu - Bình Dương sẽ trở thành miền đất tìm đến của mọi người.

NGUYỄN HUỲNH
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=246
Quay lên trên