Sau thời gian dài dịch bệnh, người lao động đã khó lại càng thêm khó khi vật giá liên tục leo thang do giá xăng tăng. Cùng với các gói hỗ trợ của Chính phủ và của tỉnh, Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ về tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động có hiệu lực từ ngày 1-7 như “làn gió mát”, tiếp thêm động lực cho người lao động vượt qua khó khăn. Mặc dù mức lương tối thiểu vùng tăng thêm đợt này không nhiều, nhưng cũng đủ bù đắp trượt giá, giúp người lao động ổn định cuộc sống để tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp (DN).
Trong hai năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới đời sống, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và sinh kế của người dân, đặc biệt là đối với người lao động làm công hưởng lương. Nhiều thời điểm người lao động phải nghỉ việc, giãn việc, thu nhập bị giảm sút. Vì vậy, họ rất mong mỏi được sớm tăng lương tối thiểu. Việc tăng lương tối thiểu vùng vào thời điểm này, thay vì 1-1-2023 là quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ. Với mức tăng 6% và giãn thời gian tăng lương tối thiểu vùng lên 18 tháng, thay vì 12 tháng như trước đây, thể hiện sự điều tiết hài hòa của Chính phủ trong việc vừa hỗ trợ người lao động, vừa tạo cơ hội cho DN chuẩn bị, có kế hoạch trong sản xuất, kinh doanh.
Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến DN, bởi khi tiền lương tăng thêm, chi phí sản xuất tăng theo nên giá thành sản phẩm sẽ tăng. Tuy nhiên, hầu hết DN trú đóng trên địa bàn tỉnh đều đồng thuận với chủ trương tăng lương tối thiểu vùng mà Chính phủ đã ban hành. Sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều DN ý thức được rằng muốn giữ chân người lao động, vấn đề quan trọng vẫn là tăng lương, tăng thu nhập. Điều chỉnh mức lương tối thiểu hợp lý sẽ mang lại “lợi ích kép”, vừa có lợi cho người lao động, vừa có lợi cho DN. Về phía người lao động, tăng lương là động lực để tăng năng suất, giúp người lao động gắn bó với DN. Về phía DN, tăng lương đồng nghĩa với việc giảm bớt lợi nhuận, nhưng tạo được mối quan hệ hài hòa, giải được bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực từng xảy ra trong giai đoạn dịch bệnh.
Để giúp DN vượt qua khó khăn, sớm ổn định sản xuất, kinh doanh sau đại dịch, trước đó Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, như: Miễn giảm thuế, phí, lệ phí cho DN; giảm thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng cho DN khó khăn; hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp… Những chính sách này đã tạo động lực giúp DN sớm phục hồi và đồng thuận với chủ trương tăng lương tối thiểu để san sẻ khó khăn với người lao động nhằm từng bước khôi phục và phát triển thị trường lao động sau đại dịch.
LÊ QUANG