Đột phá từ khu công nghiệp

Thứ hai, ngày 21/04/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Với những hướng đi mới, sáng tạo, Bình Dương đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển khu công nghiệp, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Thành công của các khu công nghiệp đang góp phần tạo nên một Bình Dương năng động và phát triển.

 Bình Dương đang phát triển từ mô hình khu công nghiệp đơn thuần sang mô hình khu công nghiệp xanh, thông minh để đón dự án đầu tư chất lượng. Trong ảnh: Khu công nghiệp VSIP 1. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

 Phát triển khu công nghiệp, thu hút đầu tư hiệu quả

Được biết đến là thủ phủ công nghiệp phía Nam, Bình Dương là một trong những địa phương có ngành công nghiệp phát triển nhất cả nước. Ai đã từng gắn bó lâu năm với Bình Dương mới cảm nhận được sự đổi thay của vùng đất “miền Đông gian lao mà anh dũng” này.

Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, từ những năm đầu thập niên 1990, Bình Dương (khi đó còn là một phần của tỉnh Sông Bé) đã khởi đầu hành trình công nghiệp hóa bằng việc quy hoạch và xây dựng các KCN. Sau khi tách ra từ tỉnh Sông Bé vào năm 1997, đến nay Bình Dương đã trở thành địa phương đứng đầu về thu hút đầu tư vào các KCN, chuyển dịch kinh tế từ thuần nông sang công nghiệp - dịch vụ. Từ 2 KCN gồm Sóng Thần 1 thành lập năm 1995 và Việt Nam - Singapore 1 (VSIP 1) vào năm 1996 đã trở thành một trong những bước đệm đầu tiên hình thành nên những KCN nối tiếp nhau ra đời của tỉnh. Đặc biệt, KCN VSIP 1 đã trở thành KCN điển hình và xứng đáng là KCN kiểu mẫu tại Việt Nam về mọi mặt, trở thành địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư uy tín trên thế giới. Từ đây đã góp phần đưa Bình Dương từ một tỉnh thuần nông trở thành một trong những tỉnh có nền công nghiệp phát triển mạnh nhất Việt Nam.

Các vị nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ chia sẻ việc phát triển các KCN tại Bình Dương lúc bấy giờ cũng gặp một số ý kiến không ủng hộ nhưng tỉnh quyết tâm làm, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì sự phát triển chung. Trước hết, Bình Dương tập trung phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, xây dựng Quốc lộ 13, xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp nối khẩu hiệu “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”, đến “trải thảm đỏ thu hút nhân tài”, lãnh đạo tỉnh luôn nhận thức và hành động theo quan điểm nhất quán là để phát triển cần phải đẩy mạnh công nghiệp hóa gắn với khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và con người.

Chính những khát vọng đổi mới, không ngừng sáng tạo từ phương thức lãnh đạo, tổ chức, bộ máy đã mang lại cho Bình Dương những kết quả vượt trội trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật, kinh tế của tỉnh tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm liên tục; GRDP bình quân đầu người hiện nay đứng đầu cả nước. Bình Dương cũng là địa phương nằm trong tốp đầu về thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, có nhiều dự án quy mô lớn, tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa cao.

Tạo nền tảng vững chắc

Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, nhờ đón bắt xu thế phát triển và hội nhập của đất nước để sớm định hình hướng đi và cùng với cách làm riêng, Bình Dương đã có những thay đổi mang tính đột phá trên nhiều phương diện. Bình Dương trở thành một trong những địa phương có ngành công nghiệp phát triển mạnh nhất cả nước, là nơi hội tụ nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, đưa địa phương tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Qua đó khẳng định rõ hơn vai trò, vị thế mới về một Bình Dương đổi mới, năng động, sáng tạo; tạo thế và lực mới cho sự phát triển của tỉnh nói riêng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước nói chung trong những năm tiếp theo.

Có thể khẳng định, chủ trương xây dựng, phát triển các KCN là một trong những hướng đi sáng tạo, phù hợp, cần thiết trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương. Phát triển các KCN có ý nghĩa quan trọng nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển công nghiệp, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đô thị hóa.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, việc Bình Dương lựa chọn phương hướng phát triển KCN tập trung trong giai đoạn trước là một lựa chọn sáng tạo và đúng đắn; góp phần đưa Bình Dương từ một tỉnh “không có tên tuổi” trên bản đồ kinh tế của cả nước cũng như khu vực phía Nam trở thành một đô thị - công nghiệp phát triển, là một trong những địa phương có thu nhập đầu người cao nhất nước. Bình Dương còn vinh dự được nhiều chuyên gia nhận định là một trong những hình mẫu phát triển trong tiến trình đổi mới của đất nước.

 Bình Dương lấy công nghiệp làm nền tảng, là khâu đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp gắn với đô thị hóa. Quan điểm nhất quán của tỉnh là xây dựng khu công nghiệp nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.

Hiện nay, 29 KCN của Bình Dương đều được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Bình Dương đã sớm phát triển hạ tầng giao thông kết nối, xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa, vừa đưa công nghiệp bứt phá vừa tạo tiền đề cho thương mại, dịch vụ phát triển theo. Nhiều KCN đã trở thành thương hiệu, các KCN trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần tạo lực đẩy thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước vào địa phương. Qua đó đã góp phần không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động địa phương; tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước...

Để tăng sức cạnh tranh, Bình Dương đang tập trung thu hút đầu tư vào các KCN được quy hoạch. Bình Dương đang dành khoảng 20.000 ha đất để phát triển công nghiệp; sẽ tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các KCN hiện hữu nhưng hướng tới các chuẩn mực cao hơn về khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, chú trọng thu hút các ngành nghề mang lại giá trị gia tăng cao và đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của nhà đầu tư quốc tế. Các KCN này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc chuyển đổi các KCN hiện tại thành các KCN thông minh, từng bước giúp Bình Dương có một nền tảng vững chắc về khoa học, làm chủ và tạo ra các công cụ sản xuất mới dựa trên nền tảng khoa học - kỹ thuật, đón đầu cơ hội mới trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Bùi Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định việc xây dựng và phát triển hệ thống các đô thị, KCN luôn được Bình Dương quan tâm và dành nhiều nguồn lực để thực hiện. Nhờ đó, vị thế của tỉnh ngày càng được nâng cao, trở thành một trong những địa phương phát triển công nghiệp lớn của cả nước. Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp trong giai đoạn mới, Bình Dương đang tăng cường hơn nữa quỹ đất cho phát triển KCN, kịp thời đón đầu làn sóng đầu tư mới. Các KCN thế hệ mới như VSIP 3, KCN đô thị - dịch vụ, khu công nghệ - thông tin tập trung, KCN chuyên ngành cơ khí… được kỳ vọng sẽ tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng mới cho tỉnh.

 Đến nay, toàn tỉnh đã có 29 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch trên 12.745 ha, trong đó có 28 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích trên 12.000 ha. Các khu công nghiệp đã thu hút 3.252 dự án đầu tư, bao gồm 2.561 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 31,57 tỷ đô la Mỹ và 691 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 93.664 tỷ đồng. Nhiều khu công nghiệp đã trở thành thương hiệu, giúp Bình Dương thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư.

 NGỌC THANH - THANH TUYỀN