Du lịch Bình Dương cần làm gì để phát triển bền vững?

Cập nhật: 10-10-2012 | 00:00:00
Từ tiềm năng và lợi thế Dẫu không có biển như TP.HCM hay Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng DL Bình Dương lại được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, mát mẻ nhờ có 3 con sông lớn chảy qua địa bàn là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để xây dựng những khu du lịch (KDL) nghỉ dưỡng, DL sinh thái dọc theo các con sông, vừa có thể phát triển loại hình DL mạo hiểm, khám phá vốn rất được yêu thích đối với du khách nước ngoài, du khách đến từ các đô thị lớn trong nước nhất là TP.HCM. Bên cạnh đó, Bình Dương còn có món quà vô giá khác là núi Châu Thới (danh thắng cấp quốc gia - tọa lạc tại TX.Dĩ An) mà đặc biệt là danh thắng núi Cậu - lòng hồ Dầu Tiếng được ví như một thiên đường DL nhưng tiếc là vẫn chưa được đánh thức. Ngoài những món quà từ thiên nhiên, DL Bình Dương còn có tiềm năng rất lớn từ hệ thống các di tích với hàng chục di tích được xếp hạng cấp quốc gia (khu di tích địa đạo Tây Nam - Bến Cát, nhà tù Phú Lợi, chùa Hội Khánh…), gần 30 di tích cấp tỉnh và đặc biệt là trên 500 di tích khác chưa được xếp hạng. Trong số các di tích này, đa số là đình, chùa, miếu, tịnh xá, tịnh thất, nhà cổ (50 ngôi), mộ cổ, di tích khảo cổ vốn rất thích hợp để phát triển các tour du lịch tâm linh, du lịch văn hóa - về nguồn. Không chỉ vậy, theo ông Lê Văn Hùng, Giám đốc cơ quan đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại TP.HCM thì Bình Dương còn được biết đến là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc xã hội hóa các hoạt động thể thao và DL. Nếu chỉ tính riêng ở mảng DL thì tốc độ xã hội hóa hoạt động này của Bình Dương là bằng với Ninh Bình, TP.HCM. Đây là nguồn lực rất lớn để DL tỉnh nhà cất cánh. Những công trình DL được phát triển theo loại hình này đã trở thành những điểm đến nổi tiếng không chỉ trong nước, như: KDL Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến, KDL Mắt Xanh, KDL Phương Nam… Đặc biệt, tiềm năng của Bình Dương trong việc phát triển các tour DL tham quan khám phá các làng nghề truyền thống đặc thù của địa phương như gốm sứ, sơn mài là cực lớn nhưng tiếc là vẫn chưa được khai thác, phát huy tốt”. Ông Hùng cũng cho rằng DL Bình Dương có những lợi thế mà không phải tỉnh nào trong khu vực cũng có được. Thứ nhất, Bình Dương có vị trí rất đắc địa khi nằm gần đô thị trung tâm kinh tế lớn nhất nước với cả chục triệu dân là TP.HCM. Cho nên nếu làm tốt công tác quảng bá, đa dạng hóa các sản phẩm DL đặc thù thì có thể thu hút lượng khách DL rất lớn từ TP.HCM đổ về vào dịp cuối tuần theo dạng nghỉ dưỡng. Thứ hai, Bình Dương có được sự quan tâm rất lớn trong việc phát triển DL từ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành và nhất là người dân rất năng động, có khả năng đáp ứng tốt với ngành công nghiệp không khói. Đặc biệt, Bình Dương nằm gần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sắp tới là sân bay quốc tế Long Thành (theo Tổ chức DL thế giới UNWTO thì bán kính lý tưởng để thu hút khách DL quốc tế là trong vòng 50km trở lại kể từ sân bay quốc tế), không xa cảng biển nên có thể nói là hết sức thuận lợi để thu hút khách lữ hành quốc tế. Đến thực trạng và giải pháp phát triển bền vững Với vườn cây ăn trái Lái Thiêu - đã có một thời gian dài Bình Dương nổi tiếng cả nước như là địa phương đi đầu trong việc phát triển DL miệt vườn - sinh thái, trước cả các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Vĩnh Long. Nhưng hiện tại, những khu vườn cây ăn trái Lái Thiêu (tập trung khu vực Bình Nhâm, An Sơn, An Thạnh của TX.Thuận An hiện nay) - một thời từng được xem là biểu tượng quảng bá DL Bình Dương, đã đánh mất thương hiệu bởi vì nhiều lý do khác nhau. Biết bao giờ những vườn cây măng cụt của miệt Lái Thiêu mới lại tấp nập du khách từ TP.HCM và các địa phương khác kéo đến thưởng thức món trái cây đặc sản được xem là mòn quà tuyệt vời của đất - người Bình Dương?   Một góc KDL sinh thái núi Cậu - Dầu TiếngKhông chỉ chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh mà DL Bình Dương hiện đang đứng trước việc xâm hại môi trường DL, ảnh hưởng lâu dài đến việc thu hút du khách trong tương lai. Tình trạng xâm hại môi trường cảnh quan DL ở Bình Dương đang diễn ra hàng ngày, có thể dễ dàng bắt gặp ở nhiều nơi như KDL sinh thái núi Cậu - lòng hồ Dầu Tiếng (vứt rác bừa bãi, khai thác khoáng sản), KDL chùa núi Châu Thới hay tại các danh thắng, di tích lịch sử - văn hóa khác (xả rác, xây dựng trái phép, mở đường giao thông). Một thực trạng khác cần phải đề cập là DL Bình Dương hiện đang đối mặt với hậu quả của việc thiếu tính định hướng, quy hoạch của những giai đoạn trước đây. Điểm dễ nhận thấy đầu tiên là Bình Dương dù có thế mạnh nhưng lại không có được những sản phẩm DL đặc thù hoặc có nhưng chỉ mang tính hình thức, thiếu hiệu quả. Ví dụ, những tour tham quan làng nghề truyền thống hiện nay (làng sơn mài Tương Bình Hiệp, lò lu Đại Hưng, lò chén, lò gốm Tân Phước Khánh) được các du khách phản ánh là quá đơn điệu, trùng lắp, khâu thuyết minh, hướng dẫn thì vừa thiếu lại vừa yếu. Tính tương tác giữa du khách với công việc sáng tạo sản phẩm và nghệ nhân, người dân làng nghề là gần như không có. Du khách có nhu cầu rất lớn muốn được trải nghiệm mình tham gia một công đoạn trong quy trình sản xuất các sản phẩm truyền thống như nhào nặn đất sét làm gốm, vẽ, cẩn sơn mài… nhưng chỉ được hướng dẫn viên giới thiệu vài câu, gợi ý mua sản phẩm và ra về. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Phú Thy, Giám đốc chi nhánh Công ty DL Viettravel tại Bình Dương chia sẻ: Trong một lần tập huấn với các chi nhánh, đại diện của Viettravel ở các tỉnh phía Bắc, các bạn - đồng nghiệp của tôi có thể kể vanh vách từng danh thắng, điểm DL của Tây Ninh, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Đồng Tháp. Nhưng trước lời đề nghị hãy giới thiệu về các điểm đến của DL Bình Dương thì các đồng nghiệp của tôi đa số đều đành chịu thua; một hai người có loáng thoáng nhắc đến KDL Đại Nam. Điều này nói lên là công tác quảng bá DL của tỉnh Bình Dương còn quá yếu kém. Bởi không phải DL Bình Dương không có tiềm năng, hay thiếu các điểm đến hấp dẫn mà chủ yếu là chúng ta không biết làm công tác truyền thông về thế mạnh, thứ tài sản quý mà chúng ta đang có trong nhà. Vậy làm thế nào để DL Bình Dương phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế, đồng thời là một công cụ nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; phấn đấu đến năm 2015 đón khoảng 5 triệu lượt khách, trong đó 43 ngàn lượt khách quốc tế, doanh thu DL đến năm 2015 đạt khoảng 2.200 tỷ đồng… như mục tiêu được lãnh đạo tỉnh và ngành DL Bình Dương đặt ra? Rất mừng là ngành DL Bình Dương đã xây dựng xong Quy hoạch phát triển DL tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã được UBND tỉnh phê duyệt và ban hành mới đây. Đây là một trong những kim chỉ nam đồng thời là hành lang pháp lý để định hướng phát triển DL Bình Dương trong vòng 20 năm tới. Bên cạnh đó, việc Bình Dương vừa củng cố lại Hiệp hội DL tỉnh Bình Dương với Đại hội giữa nhiệm kỳ và ra mắt Ban chấp hành mới tập hợp những cá nhân có năng lực, tâm huyết, đam mê với ngành nghề sẽ là cú hích cho DL tỉnh nhà được lèo lái, phát triển theo định hướng, tránh những chồng chéo, thiếu sót như hiện nay. Bên cạnh đó, Bình Dương cần phải chú trọng các giải pháp về nguồn vốn đầu tư; bảo vệ tôn tạo tài nguyên môi trường DL; xây dựng đội ngũ nhân lực phục vụ cho DL; về hợp tác trong nước và quốc tế; xây dựng các sản phẩm đặc thù và đặc biệt là công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá DL Bình Dương đến các thị trường trong và ngoài nước. DL Bình Dương sẽ không thể cất cánh nếu thiếu sự đồng lòng, cùng chung tay góp sức xây dựng và bảo vệ thương hiệu DL Bình Dương từ phía cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân. Mỗi người dân trong khả năng của mình hãy là một “đại sứ DL Bình Dương”, cộng với tâm huyết, sự đầu tư của doanh nghiệp, quản lý hiệu quả của Nhà nước thì chúng tôi tin rằng trong một vài năm tới Bình Dương không chỉ nổi tiếng Đông Nam Á là tỉnh công nghiệp mà còn là tỉnh DL hàng đầu của khu vực ASEAN.CHÍ THANH - HÒA NHÂN
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên