Du lịch về nguồn: Nhắc nhở mỗi người thêm tự hào về truyền thống quê hương
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Cùng với các loại hình du lịch khác, Bình Dương cũng là nơi có nhiều tiềm năng khai thác để phát triển loại hình du lịch về nguồn. Đó chính là những di tích lịch sử - văn hóa, những căn cứ địa cách mạng… chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, truyền thống của quê hương. Hành trình về với những “địa chỉ đỏ” trên địa bàn tỉnh vẫn đang tiếp diễn, thu hút nhiều người tham gia, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tiềm năng phát triển
Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, trên mảnh đất quê hương Bình Dương hôm nay đang lưu lại rất nhiều dấu ấn gắn với những địa danh đã đi vào lịch sử. Đó chính là những nơi lưu giữ, ghi dấu những chứng tích lịch sử và cũng chính là những điểm đến tham quan, giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử quê hương và tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Ông Phạm Hồng Thi, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh, cho biết với điều kiện thuận lợi về giao thông, cơ sở vật chất và tiềm năng du lịch, Bình Dương có nhiều cơ hội để phát triển loại hình du lịch về nguồn. Hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa, những căn cứ địa cách mạng nổi tiếng, chứa đựng nhiều giá trị chính là tiềm năng sẵn có của tỉnh, đang được quan tâm phát huy, khai thác để phát triển du lịch về nguồn.
Những điểm đến nổi tiếng, thu hút nhiều khách tham quan trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh có thể kể đến, như: Di tích lịch sử địa đạo Tây Nam Bến Cát (còn gọi là Địa đạo Tam giác sắt ở TP.Bến Cát); Di tích lịch sử Chiến khu Đ (huyện Bắc Tân Uyên); Di tích lịch sử Chiến khu Thuận An Hòa (TP.Thuận An); Di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi (TP. Thủ Dầu Một); Di tích lịch sử Chiến khu Vĩnh Lợi; Di tích Chiến thắng Tháp canh cầu Bà Kiên (TP.Tân Uyên)…
Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Binh đoàn Cửu Long trước đây là Bảo tàng Quân đoàn 4 (TP.Dĩ An) cũng là những địa điểm chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, được nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu trong hành trình về nguồn. Trung bình mỗi năm, những điểm đến này đã đón tiếp hàng trăm ngàn lượt khách tham quan.
Những hành trình ý nghĩa
Trong những ngày tháng 3 này, tại nhiều điểm đến về nguồn trong tỉnh đã tiếp đón rất nhiều đoàn khách tham quan, tìm hiểu. Anh Nguyễn Duy Thái, người phụ trách thuyết minh tại Di tích lịch sử Chiến khu Vĩnh Lợi, cho biết trong đầu tháng 3 đã có 15 đoàn khách đến đây tham quan, tăng hơn so với những tháng trước. Ngoài đoàn viên thanh niên các địa phương, còn có nhiều đoàn khách là học sinh, sinh viên, học viên các trường học, cán bộ, công nhân viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đến tham quan.

Mới đây, Huyện đoàn Phú Giáo đã chọn Di tích lịch sử Chiến khu Vĩnh Lợi để tổ chức Hành trình về nguồn “Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai”. Có khoảng 100 cán bộ Đoàn, Hội chủ chốt trong toàn huyện tham gia hoạt động này.
Chị Nguyễn Thị Minh Hằng, Bí thư Huyện đoàn Phú Giáo, cho biết Chiến khu Vĩnh Lợi đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho cách mạng, góp phần tích cực vào thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, mà cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Vì thế, đợt này, Huyện đoàn đã chọn nơi đây để tổ chức hành trình nhằm giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Dưới sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khu di tích, mỗi người tham gia hiểu hơn về những chiến công vang dội, về những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Những câu chuyện ấy không chỉ khiến các bạn trẻ xúc động, mà còn khơi dậy lòng tự hào và ý thức trách nhiệm trong việc tiếp nối truyền thống, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. “Tôi cùng các thành viên trong đoàn đã cảm nhận được không khí thiêng liêng của một vùng đất từng chứng kiến biết bao hy sinh, gian khổ trong những năm tháng chiến tranh. Những tấm bia tưởng niệm, bức phù điêu tái hiện các trận đánh oanh liệt và các kỷ vật còn lưu giữ tại đây như những trang sử sống động, giúp chúng tôi hiểu hơn về tinh thần đấu tranh kiên cường của cha ông”, chị Nguyễn Thị Minh Hằng bày tỏ sau chuyến hành trình.
Một trong những điểm được nhiều đoàn lựa chọn để tổ chức hành trình về nguồn, hành trình đến với địa chỉ đỏ, gắn với tổ chức lễ kết nạp đoàn viên trong tháng 3 này là Bảo tàng Binh đoàn Cửu Long. Anh Nguyễn Nguyên Bảo, Bí thư Chi đoàn Trường THCS Lê Quý Đôn (TP.Bến Cát), cho biết Chi đoàn trường vừa tổ chức chương trình về nguồn kết hợp kết nạp Đoàn cho học sinh tại Bảo tàng Binh đoàn Cửu Long. Việc chọn địa điểm để tổ chức chương trình, theo anh Bảo là để “giúp các em học sinh cảm nhận rõ hơn tinh thần yêu nước, sự hy sinh của thế hệ đi trước”. “Được kết nạp Đoàn trong một không gian lịch sử, không khí trang nghiêm như ở bảo tàng lịch sử này chắc chắn với các em học sinh sẽ là một kỷ niệm khó quên, khiến ai cũng tự hào khi chính thức trở thành đoàn viên”, anh Nguyễn Nguyên Bảo chia sẻ.
Ngoài Bảo tàng Binh đoàn Cửu Long, anh Nguyễn Nguyên Bảo cho biết ở Bình Dương, anh đã từng tham gia các hoạt động về nguồn tại Di tích Địa đạo Tam giác sắt, Nhà tù Phú Lợi… Mỗi nơi đến đều giúp anh hiểu thêm về lịch sử quê hương và trân trọng hơn sự hy sinh của các thế hệ đi trước. Chia sẻ về chuyến về nguồn này, anh Nguyễn Nguyên Bảo nói: “Lần đầu đến Bảo tàng Binh đoàn Cửu Long, tôi ấn tượng nhất là không gian trưng bày rất sống động, dễ hiểu. Các hiện vật và câu chuyện ở đây rất gần gũi và xúc động, đặc biệt là hình ảnh về những người lính năm xưa. Nếu có dịp, chắc chắn tôi sẽ quay lại, không chỉ để tìm hiểu thêm mà còn để nhắc mình sống có lý tưởng và trách nhiệm hơn”.
Du lịch về nguồn không đơn thuần là chuyến tham quan, vui chơi giải trí thông thường, mà còn là dịp để mỗi người tham gia có dịp quan sát, hiểu hơn về lịch sử, về truyền thống. Từ đó sẽ thêm tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của các thế hệ cha ông, yêu thêm mảnh đất quê hương mình và có thêm động lực để phấn đấu trong học tập, lao động, cùng chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, vững mạnh hơn. |
HỒNG THUẬN