Đừng chết vì thiếu hiểu biết!?

Thứ tư, ngày 24/03/2010

Cái chết của cháu bé 3 tuổi tạm trú tại ấp Bình Đức 2, xã Bình Hòa, huyện Thuận An vì nhiễm cúm A/H5N1 lại một lần nữa cảnh báo tất cả chúng ta phải thận trọng với vi-rút cúm A/H5N1. Dịch bệnh nói chung và dịch cúm A/H5N1 nói riêng không kiêng nể ai, không chừa một ai. Cái chết của cháu bé có thể xuất phát từ sự chủ quan của gia đình, cũng có thể xuất phát từ sự lỏng lẻo trong quản lý giết mổ của chính quyền địa phương, nhưng suy cho cùng vẫn là sự thiếu hiểu biết của người lớn, mà cụ thể chính là cha mẹ cháu bé.

Cho đến thời điểm này, không ai biết cháu bé mắc bệnh khi nào và ở đâu? Liệu cháu bé đã mắc bệnh ở quê nhà tại Hậu Giang, mắc bệnh tại nơi tạm trú ở Bình Dương hay mắc bệnh tại một địa phương nào đó trên đường bé cùng gia đình di chuyển từ Hậu Giang đến Bình Dương? Gia đình không biết, ngành chức năng không biết, chỉ biết rằng cháu bé chết là do nhiễm cúm A/H5N1 như kết luận của Viện Pasteur TP.HCM! Chính vì không ai xác định được nguồn lây nhiễm cho bé nên công tác bảo vệ cộng đồng càng thêm khó khăn.

Nguồn lây nhiễm cho bé mặc dù không xác định được, nhưng mầm bệnh từ bé có thể lây nhiễm cho cộng đồng thì chắc như “đinh đóng cột”. Để bảo vệ cho những người sống và cả cộng đồng dân cư, trong mấy ngày qua ngành chức năng từ xã đến tỉnh vào cuộc, chính quyền xã Bình Hòa, huyện Thuận An vào cuộc. Tất cả chỉ vì một mục đích duy nhất là ngăn chặn hiệu quả nguồn lây nhiễm, không để mầm bệnh phát tán trong cộng đồng. Cùng với ngành chức năng và hệ thống chính quyền sở tại, người dân trong tỉnh mà đặc biệt là người dân xã Bình Hòa, rộng hơn là huyện Thuận An cần nâng cao việc cảnh giác với mầm bệnh có thể lây lan.

Theo khuyến cáo của Viện Pasteur TP.HCM, cúm A/H5N1 là loại dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao gần 60% so với số ca mắc. Hầu hết các ca nhiễm cúm A/H5N1 đều có tiếp xúc với gà sống bị bệnh hay ăn thịt gà bệnh chết. Do đó, việc đề phòng lây nhiễm cúm A/H5N1 cũng cực kỳ đơn giản là không tiếp xúc với gà sống, kể cả gà không bệnh, nếu có tiếp xúc thì nhanh chóng rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn; tuyệt đối không ăn thịt gà bệnh chết. Đối với những hộ có nuôi gà thì cần tiêm phòng đầy đủ cho đàn gà nuôi. Khi phát hiện trong gia đình có người bệnh với triệu chứng sốt, ho, khó thở mà trước đó có liên quan đến gia cầm, thủy cầm cần đưa ngay đến cơ sở y tế để điều trị...

Việc đề phòng nhiễm cúm A/H5N1 tuy đơn giản, nhưng vẫn có người chết chỉ vì không đọc, không lắng nghe sự khuyến cáo từ cơ quan chức năng và ngành truyền thông. Những cái chết như vậy được cho là thiếu hiểu biết! Cụ thể với trường hợp cháu bé 3 tuổi nói trên thì phần thiếu hiểu biết hoàn toàn thuộc về cha mẹ bé!.

LÊ QUANG