Đừng để bệnh dối trá... “di căn”!

Cập nhật: 04-06-2012 | 00:00:00

Thói dối trá hẳn nhiên thời nào cũng có và lên án sự dối trá là việc chẳng đặng đừng. Có thể trong độ tuổi của học sinh trung học, các em chưa thể có những suy nghĩ sâu sắc sự suy thoái đạo đức của thói dối trá, nhưng tôi tin chắc rằng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua một môi trường giáo dục lành mạnh, các em sẽ có sự phản ứng tích cực phê phán sự dối trá qua suy nghĩ của mình để hoàn thành đề thi đạt chất lượng. Và mỗi khi bài luận này đạt điểm cao thì chúng ta cần phải mừng không chỉ về điểm số của các em, cái đáng mừng hơn chính là vấn đề đạo đức chuẩn mực mà các em đã thấu hiểu được.

Thói dối trá, không cần phải nhìn đâu xa, chỉ nội trong môi trường giáo dục của Việt Nam hiện cũng đã thấy không ít. Đã nhiều năm nay công luận phê phán nhiều về bệnh thành tích của ngành giáo dục mà xem ra “bệnh” vẫn chưa thuyên giảm dù đã có nhiều cuộc vận động nói không với căn bệnh này! Cũng bởi chạy theo thành tích nên điểm số của học sinh thì bao giờ cũng rất cao, nhưng chất lượng giáo dục lại ngày càng đi xuống. Vì thành tích nên thầy cô sẵn sàng cộng thêm điểm cho học sinh để có một điểm số “đẹp” trong báo cáo cuối kỳ, cuối năm. Cũng bởi thành tích nên có nhiều học trò ngồi nhầm lớp, lên lớp ào ào, bởi vậy mới có những chuyện cười ra nước mắt như ngồi lớp 4, lớp 5 nhưng vẫn chưa biết đọc, biết viết như đã từng xảy ra ở một số tỉnh miền Tây... Tất cả đó không là dối trá mới là lạ.

Bởi đang nói đến vấn đề thi cử nên mạn phép bàn luận một đôi dòng về sự dối trá ngay chính trong môi trường giáo dục. Nhìn rộng ra trong đời sống xã hội, quả thật sự dối trá là vô cùng tận. Không dối trá thì là gì khi ở một địa phương có tới 200 cán bộ, công chức đương nhiệm thuê người thi hộ để đạt chuẩn ngoại ngữ mà theo học tới trình độ thạc sĩ. Và cũng không thiếu những cán bộ chủ chốt các cấp gian lận bằng cấp để nắm chức, nắm quyền. Tất nhiên sự dối trá khi bị phát hiện đều đã bị loại thải ngay.

Sự dối trá làm băng hoại đạo đức xã hội là vấn đề mà nhiều nhà nghiên cứu xã hội đã lên tiếng nhiều nhưng hình như biểu hiện ngày càng nhiều hơn. Tấn công vào sự dối trá có thể coi là “công cuộc” liên tục và không kém phần khó khăn, nhưng tất yếu là không thể dừng lại. Loại trừ càng nhiều những biểu hiện của sự dối trá, đừng để căn bệnh này “di căn” mới mong xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

 Triệu Phong

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=379
Quay lên trên