(BDO) Ngợi khen vừa phải sẽ khiến con em có động lực để cố gắng nhưng hành động ca ngợi thái quá của phụ huynh là một cách giáo dục sai lầm. Điều này sẽ khiến không chỉ phụ huynh ngộ nhận mà con em họ sẽ dễ có tâm lý ảo tưởng thực lực thật sự của chính mình…
Học sinh cần được trang bị vốn sống và các kỹ năng mềm nhiều hơn ngoài việc chạy đua để có được thành tích ảo
Ve kêu râm ran cùng sắc phượng rực đỏ đâu đó mỗi góc đường cũng là thời điểm một năm học kết thúc. Trong niềm huân hoan, các trường học lần lượt tổ chức lễ tổng kết nhằm tuyên dương thành tích học tập của học sinh trong năm học vừa qua.
Nếu ở những trường THCS, THPT, cảm xúc những ngày đầu hè vừa rộn rã vừa lưu luyến, bịn rịn trong giây phút chia xa bạn bè của những học sinh cuối cấp thì tại các trường tiểu học không khí ngày tổng kết lại ngập tràn niềm vui. Cả phụ huynh, giáo viên và học sinh đều phấn chấn, vui vẻ. Gương mặt phụ huynh ai nấy đều hồ hởi khi con em mình khệ nệ khiêng trên tay nào là giấy khen, nào là phần thưởng.
Để biểu lộ niềm tự hào với thành tích học tập của con mình, nhiều phụ huynh liên tục chụp hình phần thưởng, sổ liên lạc, giấy khen… đăng tải lên facebook cùng rất nhiều mỹ từ ca ngợi các cháu lên tận mây xanh. Không chỉ đăng hình một lần, có phụ huynh còn cập nhật liên tục hình ảnh, diễn biến lễ tổng kết. Số khác lại đăng lời phê của giáo viên chủ nhiệm kèm theo kết quả học tập chỉ toàn 10 trong sổ liên lạc. Các facebooker không ngần ngại nhấp vào biểu tượng “like” để chia sẻ niềm vui cùng các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, khi hình ảnh các cháu lãnh giấy khen được cập nhật một cách thái quá thì lại khiến mọi người có cảm giác khó chịu. Điều đáng nói, hầu như phụ huynh nào có con em đang ở độ tuổi lớp 1,2,3 đều có chung một hành động dẫn đến facebook tràn lan hình ảnh… giấy khen.
Lý giải vì sao học sinh bây giờ học giỏi quá, cứ đi học là có giấy khen, một phụ huynh chia sẻ: “Con tôi đang học lớp 2, năm nay cũng được thưởng học sinh giỏi. Lúc đầu tôi cũng hãnh diện lắm, hỏi ra mới biết lớp có 36 học sinh thì hết 30 em giỏi, còn lại 6 em khá. Có nhiều lớp chẳng có học sinh nào khá, toàn giỏi hết. Bây giờ lớp nào mà học sinh khá nhiều thì cô giáo sẽ bị trừ điểm thi đua vì không đạt chỉ tiêu, rồi kéo theo trường bị hạ thi đua...”. Nickname Dinhcao bày tỏ: “Mấy bữa nay thấy facebook toàn cảnh học sinh tiểu học nhận thưởng mình cũng suy nghĩ như vậy. Cứ kiểu này chính phụ huynh sẽ làm con em mình ảo tưởng vào khả năng của mình”.
Cùng tán đồng với các quan điểm trên, bạn Phuongthuy nhận định: “Chuyện học sinh bây giờ nhận giấy khen học sinh giỏi là bình thường, quan trọng là sau cái giấy khen đó ba mẹ thấy con mình có xứng đáng và đã tiếp thu được kiến thức gì mới là quan trọng”. Chủ nhân tài khoản Charry Nguyen boăn khoăn: “Em nào có năng lực và được gia đình quan tâm đầu tư tốt thì càng lên cao càng vững, còn em nào bị đẩy vào “bệnh thành tích” thì hụt hẫng kiến thức ngay thôi. Cấp I lên cấp II toàn 100%. Học sinh lớp 6 chưa đọc viết thành thạo, cuối năm phải thi lại. Phụ huynh té ngửa hỏi sao con mình học toàn khá giỏi mà phải thi lại?”
Trường học nào chỉ chú trọng đến thành tích mà quên đi chất lượng giảng dạy là phương pháp giáo dục phản khoa học. Bản thân các bậc phụ huynh thấy con mình học giỏi và cảm thấy tự hào là tâm lý dễ hiểu. Có lẽ vì vậy mà nhiều bậc cha mẹ khi cầm giấy khen cùng sổ liên lạc chi chít điểm 10 thì ít ai nghi ngờ về năng lực của các cháu. Liệu họ có mảy may suy nghĩ, con mình đã nhận thưởng đúng năng lực thực sự? Trong suốt một năm học vất vả vừa qua, cháu đã được trang bị kỹ năng mềm, kỹ năng cứng gì? Và sự tô hồng quá nhiều thành tích của các em nhỏ sẽ dẫn đến điều gì?
TÂM TRANG