Đừng để trắng tay vì chạy theo “vàng trắng”!

Cập nhật: 07-04-2010 | 00:00:00

Thời gian qua do giá mủ cao su xuất khẩu tăng liên tục, nên nhiều nông dân đã “bạt đồi, phá ruộng” để mở rộng diện tích cây cao su. Chuyện “chặt, trồng - trồng, chặt” khi giá nông sản lên xuống đã từng xảy ra trước đây, khiến nhiều nông dân “lên bờ, xuống ruộng” là bài học nhớ đời với nhiều nông dân trong tỉnh. Và nay, khi giá mủ cao su xuất khẩu vượt ngưỡng 50 triệu đồng/tấn, nhiều làng quê không có đồi để bạt, hết diện tích điều để chặt lại dấy lên phong trào đưa cây cao su xuống ruộng! Đây sẽ là sai lầm khó cứu vãn nếu nông dân không lắng nghe lời khuyến cáo từ ngành chức năng.

Bài học nhãn tiền của việc đưa cây cao su xuống ruộng mà các công ty chuyên canh cây cao su trên địa bàn tỉnh đưa ra sau một thời gian dài rút tỉa kinh nghiệm, là có thể mất “cả chì lẫn chài”, vì cây cao su không thích hợp với các vùng đất trũng thấp, ruộng nước. Kinh nghiệm từ các công ty này cho thấy, cây cao su trồng ở vùng đất trũng thấp, nhiều nước chỉ phát triển trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Nhiều nông dân dễ mắc sai lầm khi thấy trong những năm đầu cây cao su đứng chân dưới ruộng phát triển xanh tốt hơn so với cây cao su trồng trên vùng đất cao. Tuy nhiên, khi cây bước vào thời kỳ trưởng thành và cho thu hoạch sẽ không phát triển được nữa vì lúc này bộ rễ đã chạm phải mực nước ngầm. Nếu bị ngập úng lâu, vườn cây sẽ chết. Chất lượng mủ của những vườn cao su đứng chân dưới ruộng cũng rất thấp, khó thu hồi được đồng vốn đã bỏ ra.

Tính đến thời điểm này, các ngành chức năng trong tỉnh vẫn chưa có con số thống kê chính xác có bao nhiêu diện tích cao su đã được phát triển trên vùng đất trũng thấp, ruộng nước. Tuy nhiên, qua quan sát tại các địa phương Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bến Cát, Tân Uyên thì con số đó là khá lớn. Và, một khi cây cao su đứng chân dưới ruộng không cho kết quả như mong muốn thì con số thiệt hại sẽ là rất lớn. Theo tính toán của nhiều nông dân, số vốn bỏ ra cho việc đầu tư mỗi hec-ta cao su từ giống, phân bón, công chăm sóc... trong thời kỳ kiến thiết cơ bản 5 - 6 năm vào khoảng 100 triệu đồng, thiệt hại nhân lên sẽ là hàng trăm tỷ đồng!

“Đừng thấy người ta ăn khoai mà vác mai đi đào” là lời khuyên chí lý với những trường hợp đưa cao su xuống ruộng hiện nay. Đành rằng lợi nhuận từ cây cao su đem lại là rất lớn, khó có loại cây nào sánh kịp, thế nhưng một khi đã chọn đầu tư cho cây cao su nông dân phải tính toán các điều kiện môi trường, thổ nhưỡng... bởi số tiền đầu tư cho cao su là không hề nhỏ. Trồng lúa, trồng hoa màu mất vụ này còn hy vọng vụ khác bội thu, còn trồng cao su dưới ruộng nếu đúng như khuyến cáo của ngành chức năng thì coi như nông dân cầm chắc sự thua thiệt. Do vậy, những ai đang có ý định đưa cây cao su xuống ruộng coi chừng trắng tay!

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên