Đường Mỹ Phước - Tân Vạn: Tạo thêm động lực cho Bình Dương phát triển - Kỳ 2

Cập nhật: 17-04-2018 | 08:03:52

Kỳ 2: Khẳng định giá trị

 Được kỳ vọng như một đại lộ Bình Dương thứ hai của giai đoạn phát triển mới, đường Mỹ Phước - Tân Vạn cùng lúc đảm nhận các nhiệm vụ: Giao thông đối nội và đối ngoại, kết nối xuyên suốt giữa các khu công nghiệp trong tỉnh hòa vào hệ thống giao thông của vùng, đưa hàng hóa đến các cảng biển, sân bay quốc tế với cự ly ngắn nhất; đồng thời cũng là trục giao thông Bắc - Nam nối khu vực Tây nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Con đường này còn có tác dụng kích hoạt các đô thị vệ tinh trong chùm đô thị của tỉnh phát triển theo định hướng văn minh, hiện đại

 Sau khi đưa vào sử dụng, các lĩnh vực thương mại - dịch vụ dọc theo tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn phát triển mạnh mẻ. Ảnh: D.CHÍ

 Đón đầu quy hoạch

Bám sát và đón đầu quy hoạch chung về giao thông của vùng đã được Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bình Dương tiếp tục đầu tư kéo dài đường Mỹ Phước - Tân Vạn thêm 10,9km về hướng Bàu Bàng, chiều rộng mặt đường 61m. Công trình này là điểm nhấn kiến trúc trong phát triển công nghiệp - đô thị của hai địa phương TX.Bến Cát và huyện Bàu Bàng, tạo thành chuỗi giao thông liên kết các khu công nghiệp, đô thị từ phía bắc đến phía nam của tỉnh. Đồng thời, tuyến đường mới mở ra hướng kết nối giao thông đối ngoại liên vùng từ biên giới Campuchia qua đường Hồ Chí Minh về Chơn Thành (Bình Phước) đến Bình Dương ra các cảng nước sâu ở TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, sân bay quốc tế Long Thành trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hữu Chí, Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng cho biết, tuyến đường mới Mỹ Phước - Bàu Bàng, còn được gọi là đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối dài, là mơ ước từ lâu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà. Tới đây, các khu công nghiệp ở Bình Phước đi vào hoạt động, lưu lượng xe qua lại sẽ rất lớn, trong khi hiện nay trên tuyến quốc lộ 13, một số nơi đã xuất hiện tình trạng quá tải, kẹt xe cục bộ. Cho nên, sự ra đời của tuyến đường này góp phần vào việc phân luồng giao thông, giảm áp lực lên một số trục giao thông chính trong tỉnh.

Ngoài ý nghĩa tạo lực cho hai địa phương TX.Bến Cát và huyện Bàu Bàng phát triển, thu hút đầu tư, tuyến đường Mỹ Phước - Bàu Bàng hoàn thành còn rút ngắn 30% cự ly so với hành trình cũ, góp phần tiết kiệm cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư về thời gian lẫn tiền bạc. Công trình này vừa mang tính đột phá, vừa là bước đón đầu chiến lược trong phát triển hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Hiện tại, khu vực Tân Vạn (TX.Dĩ An) đang có các dự án phát triển cảng trung chuyển container (ICD) kết nối thuận lợi với các cảng lớn của TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, khu vực Dĩ An còn được quy hoạch ga đường sắt, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Bến xe Miền Đông mới…; đây là những trung tâm quan trọng để đón, trả khách từ hệ thống metro số 1 TP.Hồ Chí Minh về Bình Dương.

Khi các dự án được triển khai theo quy hoạch, Tân Vạn sẽ trở thành đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh Bình Dương để đi các cảng biển, cảng container và sân bay quốc tế mới Long Thành và cũng là đầu mối trung chuyển hành khách quan trọng từ khu vực Tây nguyên, Bình Dương về TP.Hồ Chí Minh và ngược lại. Có thể nói, đường Mỹ Phước - Tân Vạn chính là đòn bẩy chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương trong thời kỳ mới. Ông Sakai Yoichiro, Giám đốc điều hành Tập đoàn Tokyu tại Việt Nam, thành viên đoàn khảo sát của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần nâng cao chất lượng phát triển, đưa Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước.

Tạo lực cho phát triển

Theo kế hoạch, tuyến xe buýt nhanh đô thị từ ga Suối Tiên về Thành phố mới Bình Dương sẽ bắt đầu khởi động khi tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên đi vào hoạt động. Từ đó tạo đà phát triển tiếp dự án đường sắt đô thị, góp phần thực hiện nhiệm vụ chiến lược giảm phương tiện cá nhân tại các đô thị nhờ hệ thống giao thông công cộng hiện đại. Với những điều kiện thuận lợi và sự liên hoàn giữa các dự án, đường Mỹ Phước - Tân Vạn được giữ vai trò tạo lực để đưa Bình Dương trở thành đô thị hiện đại trong thời gian tới. Hiện nay, dọc theo đường Mỹ Phước - Tân Vạn đã hình thành nhiều dự án, khu dân cư, chung cư cao cấp, phù hợp với chiến lược thu hút đầu tư mới của tỉnh Bình Dương.

Với cự ly ngắn nhưng chạy xuyên suốt từ đầu đến cuối tỉnh, đi qua nhiều khu công nghiệp, đô thị, lại không mất phí đường bộ, nên chỉ sau thời gian ngắn đưa vào hoạt động, một số đoạn của đường Mỹ Phước - Tân Vạn đã trở nên quá tải vì lượng xe lưu thông tăng cao so với dự kiến ban đầu.

Giám đốc một công ty may mặc, ở đường Mỹ Phước - Tân Vạn chia sẻ: “Nhà tôi ở TP.Hồ Chí Minh nhưng lại làm việc ở Bình Dương, mỗi ngày tôi đều đi lại trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Dù có tiêu chuẩn được đưa rước bằng ô tô nhưng tôi vẫn thường đi xe máy cá nhân để tránh kẹt xe. Trước đây, tuyến đường này chỉ kẹt xe vào giờ cao điểm, bây giờ nhiều giờ trong ngày đã có thể xảy ra kẹt xe; chỉ cần 1 xe tải ra vào công ty, khi quay đầu là có thể tạo ra kẹt xe cục bộ vì lượng xe lưu thông trên đường quá đông. Tuy vậy, các tài xế xe tải, xe container cư xử với nhau rất hòa nhã, văn minh, thường nhường nhau khi nhận được tín hiệu xin đường… nên tình trạng kẹt xe ở đây sớm được giải quyết”.

Chỉ ra nguyên nhân lượng xe đi qua đường Mỹ Phước - Tân Vạn tăng nhanh, anh Hồ Phước Lợi, có trên 10 năm lái xe container cho Công ty Cổ phần Vận tải Hàn Việt nói, đường Mỹ Phước - Tân Vạn đi vào hoạt động đã tạo rất nhiều thuận lợi cho hoạt động vận tải, lưu thông của các doanh nghiệp, người dân, vì tuyến đường đã rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí cho doanh nghiệp; đặc biệt suốt tuyến không có trạm thu phí. Nếu như trước đây, xe container đi về cảng Cát Lái (TP.Hồ Chí Minh) hay các cảng nước sâu ở Bà Rịa - Vũng Tàu phải về Sóng Thần theo đường ĐT743 để ra quốc lộ 1A thì hiện nay, các tài xế chỉ đi thẳng hướng Mỹ Phước - Tân Vạn, thuận tiện cho cả hướng TP.Hồ Chí Minh và Vũng Tàu. Đối với xe tải từ Tây nguyên về cảng cũng chọn đi tuyến đường này, vì giảm được rất nhiều chi phí.

 Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Đường Mỹ Phước - Tân Vạn là tuyến đường chiến lược của tỉnh

Trong cả nước, chưa có tỉnh nào xây dựng được tuyến đường tỉnh thuận lợi, thông suốt từ đầu cho đến cuối tỉnh, chạy qua các thành phố, khu công nghiệp quan trọng như đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Tuyến đường này vừa góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư vừa tạo động lực cho tỉnh phát triển các đô thị mà tuyến đường đi qua.

 Ông Cao Lại Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Bình Dương có tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch và phát triển đô thị

Hầu hết các đô thị tại Việt Nam hiện nay đang gặp phải khó khăn là hạ tầng không đồng bộ do quy hoạch thiếu tập trung. Xuất phát là tỉnh nghèo nhưng lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã biết nhìn xa trong chiến lược quy hoạch và phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, tránh được những bất cập mà các đô thị khác mắc phải để hình thành bộ khung hạ tầng đồng bộ, vững chắc phục vụ cho chiến lược phát triển lâu dài và bền vững.

 Kỳ cuối: Khai thác tốt lợi thế tuyến đường

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết
là đường Cao tốc Mỹ Phước-Tân Vạn như dự án thiết kế ban đầu thì tuyệt vời hơn thì giờ đâu phải chịu cảnh kẹt xe triền miên,TNGT nghiêm trọng liên tiếp xảy ra hàng ngày .
nguyenthang (Cách đây 7 năm)

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1481
Quay lên trên