Gặp người chiến sĩ biệt động tham gia đánh sập Nhà việc Phú Cường năm xưa

Thứ bảy, ngày 12/04/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

 Đại thắng mùa xuân 1975 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đưa Tổ quốc ta bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Để làm nên điều kỳ diệu đó có vô vàn những đóng góp, hy sinh của biết bao con người bình dị. Và người tôi muốn nhắc đến là bà Lê Thị Thùy Linh, một chiến sĩ biệt động...

 Nhà việc Phú Cường năm xưa giờ là “địa chỉ đỏ”, nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ

 Sôi sục dòng máu cách mạng

Bà Lê Thị Thùy Linh hiện đang sinh sống ở phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một. Dáng người nhỏ nhắn, nhưng trông bà rất nhanh nhẹn. Bà tiếp chúng tôi bằng nụ cười tươi rói và phong cách phóng khoáng của người Nam bộ. Bà chính là người mà mấy mươi năm trước đã tham gia đánh sập Nhà việc Phú Cường, nơi không chỉ là trụ sở làm việc của bộ máy ngụy quyền xã Phú Cường mà còn là nơi hội họp của bộ máy ngụy quyền quận Châu Thành.

Bà Lê Thị Thùy Linh tâm sự, bà vốn sinh ra ở làng Bến Súc, xã Thanh Tuyền, huyện Bến Cát (nay thuộc huyện Dầu Tiếng). Năm 1962, như bao ấp, làng khác ở miền Nam lúc bấy giờ, làng Bến Súc bị địch gom dân lập ấp chiến lược, trường học bị giải tán. Vì muốn con cái được học hành đến nơi đến chốn, bà Lê Thị Thùy Linh được gia đình đưa xuống ở nhờ nhà người quen ở TX.Thủ Dầu Một để tiếp tục đi học. Bà theo học tại trường Tư thục Nghĩa Phương ở đường Lý Thường Kiệt, phường Phú Cường. Đầu năm 1964, bà Lê Thị Thùy Linh được nhận vào làm việc tại bộ phận đánh máy của văn phòng Nhà việc Phú Cường. Từ đây, con đường cách mạng của bà chính thức bắt đầu.

“Dì là con nhà cách mạng nòi. Quê ngoại của dì ở Củ Chi. Lúc mới 7, 8 tuổi, dì đã được tiếp xúc với cách mạng. Các cậu của dì theo cách mạng. Rồi đêm đến, các chiến sĩ đoàn dân công về phục vụ múa hát… sôi động cả vùng. Vì vậy, từ nhỏ trong lòng dì đã nung nấu ý chí cách mạng”, bà Lê Thị Thùy Linh kể.

Khi biết bà Linh đang làm việc ở Nhà việc Phú Cường thì một người quen ở thôn An Thành, xã An Tây, Bến Cát đã giới thiệu bà cho ông Nguyễn Văn Cho (Năm Cho), cán bộ quân báo - biệt động TX.Thủ Dầu Một. Người quen này chính là một cơ sở mật quân báo của tỉnh, trong vai người đi trọ học tại gia đình mà bà Lê Thị Thùy Linh cũng đang ở trọ học. Với dòng máu cách mạng luôn sôi sục, lại được ông Năm Cho giáo dục, vận động nên bà Lê Thị Thùy Linh nhận lời tham gia làm quân báo, trở thành cơ sở mật tin cậy của lực lượng biệt động TX.Thủ Dầu Một. Câu chuyện đã xảy ra rất lâu nhưng với bà Lê Thị Thùy Linh, người chiến sĩ biệt động được ví là những người “vào hang bắt cọp” vẫn còn nhớ như in.

Bà Lê Thị Thùy Linh bảo, sau khi tham gia làm quân báo, bà được ông Năm Cho cử đi dự lớp bồi dưỡng đào tạo cơ sở mật tại căn cứ Bông Trang - Nhà Đỏ. Lớp học diễn ra trong 10 ngày. Ngày ấy, chuyện vắng mặt một thời gian dài tại địa phương đâu phải là chuyện chơi, dù lớp chỉ học vào thứ bảy và chủ nhật. Vì vậy, để tránh bị địch nghi ngờ, theo dõi, ngày bình thường, bà Lê Thị Thùy Linh vẫn “sáng xách ô đi, tối xách về” ở Nhà việc Phú Cường như bình thường. Nhưng cứ ngày thứ bảy, bà Lê Thị Thùy Linh mua ít trái cây bỏ vào giỏ đi theo cơ sở giao liên như hai người đi thăm bệnh lên xe đò đi tới địa điểm học tập. Với bà, mọi việc khi ấy vẫn diễn ra bình thường. Bằng sự bình tĩnh, khôn khéo, bà đã kịp thời cung cấp những thông tin quan trọng cho Đội Biệt động TX.Thủ Dầu Một.

Giờ “G” đã điểm

Cách đây gần tròn 60 năm, ngày 9-3-1966, bộ máy ngụy quyền rúng động khi Nhà việc Phú Cường bị đánh sập. Và tác giả của những quả mìn đó không ai khác chính là bà Lê Thị Thùy Linh. Bà Linh kể lại, trước đó, vào đầu năm 1965, Thị ủy Thủ Dầu Một xác định phải tổ chức những trận đánh vào bộ máy ngụy quân, ngụy quyền địch tại trung tâm thị xã nhằm tiêu hao sinh lực và gây hoang mang cho địch, tạo thế cho quần chúng đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị, binh vận. Tháng 2-1965, lực lượng biệt động TX.Thủ Dầu Một phối hợp với đơn vị đặc công Bến Cát đánh sập một góc Nhà việc Phú Cường gây cho địch nhiều thiệt hại. Địch nghi ngờ, gọi một số nhân viên làm việc tại Nhà việc Phú Cường thẩm vấn, trong đó có bà Lê Thị Thùy Linh.

 Bà Lê Thị Thùy Linh nhớ lại những ký ức một thời của người chiến sĩ biệt động

“Trong giai đoạn bị theo dõi, việc đi lại quan hệ với cơ sở mật hoặc mỗi lần có việc phải đến điểm hẹn ở khu vực cầu Ông Cộ để báo cáo cho ông Năm Cho, Sáu Hòa (cán bộ biệt động), đều phải quan sát rất kỹ, không để địch theo dấu. Nhiều tin tức bà cung cấp đã phục vụ kịp thời cho nhiệm vụ hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang thị xã, cũng như kịp thời đối phó với các hoạt động đánh phá của địch ở khu vực ấp Chợ - Phú Cường, hạn chế sự thiệt hại do địch gây ra”, bà Linh nhớ lại.

Nhà việc Phú Cường sau khi bị lực lượng Đặc công Bến Cát đánh sập một góc vào tháng 2-1965, địch phá bỏ và cho xây lại thành ngôi nhà 2 tầng. Vẫn với quyết tâm tổ chức những trận đánh vào bộ máy ngụy quân, ngụy quyền tại trung tâm thị xã nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực và gây hoang mang cho địch, tạo thế cho quần chúng đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị, binh vận, đầu tháng 3-1966, ông Năm Cho giao nhiệm vụ cho bà Lê Thị Thùy Linh tổ chức trận đánh vào Nhà việc Phú Cường bằng mìn hẹn giờ.

Để có đủ số thuốc nổ cần thiết cho trận đánh, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai là giao liên mật Ban Quân báo của tỉnh trong vai nữ sinh trường Bồ Đề được giao nhiệm vụ sẽ chuyển thuốc nổ tới cho bà Lê Thị Thùy Linh tại một hòm thư trên đường Lý Thường Kiệt. Đúng hẹn, bà Lê Thị Thùy Linh đến hòm thư lấy thuốc. Trong hai ngày, chuyển hai lần được 8kg thuốc nổ, được gói như cây thuốc lá để trong túi xách đi làm hàng ngày. Bà Lê Thị Thùy Linh bí mật để trong tủ hồ sơ phòng làm việc. Khi tiếp nhận trái mìn đã gắn đồng hồ hẹn giờ, bà cài vào gói thuốc nổ và bấm đồng hồ hẹn giờ. Đúng 19 giờ 30 phút ngày 9-3-1966, bà cho mìn nổ.

Bà Lê Thị Thùy Linh cho hay, cuối giờ làm việc ngày 9-3-1966, bà vẫn bình tĩnh ra vẻ như mọi ngày nên bọn địch không hề mảy may nghi ngờ. Lúc này, bà trở về nhà mẹ của ông Năm Cho lẩn tránh. Nếu Nhà việc Phú Cường không sập thì bà thoát ly theo cách mạng, nếu sập thì đi làm lại như bình thường. Và giờ “G” đã điểm. Nhà việc Phú Cường bị đánh sập, làm chết 8 tên, một số tên bị thương...

Nhà việc Phú Cường ngay giữa trung tâm tỉnh lỵ bị lực lượng biệt động thị xã đánh sập hoàn toàn, làm cho bộ máy ngụy quyền và ngụy quân ở TX.Thủ Dầu Một rất hoang mang, đồng bào ở nội ô Thủ Dầu Một rất phấn khởi. Nhiều bà con đi chợ rỉ tai nhau: “Nhà việc Phú Cường được bảo vệ như vậy mà còn bị Việt cộng tấn công thì dinh tỉnh trưởng cũng bị đánh là cái chắc”.

Bình tĩnh, khôn khéo, bà Lê Thị Thùy Linh đã hoàn thành nhiệm vụ. Với trận đánh Nhà việc Phú Cường, chiến sĩ biệt động Lê Thị Thùy Linh được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba.

 Nhà việc Phú Cường ngay giữa trung tâm tỉnh lỵ bị lực lượng biệt động thị xã đánh sập hoàn toàn, làm cho bộ máy ngụy quyền và ngụy quân ở TX.Thủ Dầu Một rất hoang mang, đồng bào ở nội ô Thủ Dầu Một rất phấn khởi. Nhiều bà con đi chợ rỉ tai nhau: “Nhà việc Phú Cường được bảo vệ như vậy mà còn bị Việt cộng tấn công thì dinh tỉnh trưởng cũng bị đánh là cái chắc”.

 THU THẢO