Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Dương Quốc Trọng vừa cho biết, ước tính 6 tháng đầu năm 2014, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam đã lên đến trên 114 bé trai/100 bé gái. Hiện tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam đã ở mức vượt con số dự tính vào năm 2018 và vẫn tiếp tục tăng. Do tình hình kể trên, đến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu gặp các hệ lụy về xã hội do thừa nam thiếu nữ.
Thực tế cho thấy, tình trạng mất cân bằng giới tính (CBGT) ở Việt Nam tuy diễn ra muộn hơn các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ… nhưng tốc độ gia tăng rất nhanh. Cụ thể, năm 2010, tỷ số giới tính khi sinh là 111,2 bé trai/100 bé gái thì đến năm 2013 tăng lên đến 113,8 bé trai/100 bé gái, còn hiện nay là trên 114 bé trai/100 bé gái.
Hàn Quốc được xem là nước thực hiện khá tốt chính sách CBGT. Tình trạng mất CBGT khi sinh ở quốc gia này diễn ra vào những năm 1980, đến năm 2005 họ đã đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức 107 bé trai/100 bé gái. Còn với Trung Quốc, họ đã có những biện pháp quyết liệt nhưng đến năm 2010, tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức rất cao (122,8 bé trai/100 bé gái).
Định kiến giới hay tư tưởng trọng nam, khinh nữ, cùng tệ nạn phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái ở một bộ phận nhân dân tồn tại dai dẳng ở các nước, đặc biệt là các nước ở châu Á, là một trong những nguyên nhân sâu xa và được xem là có tính quyết định dẫn đến sự mất CBGT hiện nay. Xác định được nguyên nhân chủ yếu như thế để thấy, tỷ số giới tính khi sinh liên quan đến vấn đề văn hóa, phong tục, tập quán của người dân nên cần xem việc mất CBGT khi sinh như là một vấn đề văn hóa. Do vậy, giải quyết vấn đề không thể nóng vội mà phải làm từng bước, huy động cả hệ thống chính trị và thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Để giảm được tỷ số giới tính khi sinh trước hết cần có chính sách ưu tiên đối với phụ nữ và những gia đình sinh con một là bé gái. Bên cạnh đó, cần rà soát sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp; cấm tuyệt đối mọi hình thức lựa chọn giới tính khi sinh. Quan trọng hơn, cần làm tốt công tác truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi của người dân để họ chủ động tham gia vào việc giảm thiểu mất CBGT khi sinh.
HOÀNG ANH