Năm nào cũng vậy khai giảng rồi đến tổng kết, nhiều kiến nghị, nhiều bức xúc được đặt ra trong công tác trồng người nhưng có những thực tế không mong muốn vẫn tồn tại và thậm chí có chiều hướng phát triển đó là việc hành vi hư hỏng ở trẻ em gia tăng. Theo nhiều báo cáo đánh giá của các tổ chức về giáo dục thì trẻ em Việt Nam có xu hướng “lớn trước tuổi” trong sinh hoạt, đây là điều có thể dự đoán được do sự hội nhập văn hóa mạnh mẽ, đời sống vật chất được cải thiện... Nhưng có một điều là nếu như sự trưởng thành sớm về tri thức là tốt thì bên cạnh đó sự tiếp cận nhanh lối sống, hành vi của người lớn trong đó có nhiều thói xấu đi kèm. Ngày nay chúng ta dễ dàng thấy từng nhóm” cô - cậu” ngồi quán cà phê, thuốc lá phì phèo, ăn nói thô tục, ngôn ngữ @ không ai hiểu, tổ chức đua xe, hút chích, tụ tập hò hét, vô lễ với người lớn, sẵn sàng dùng hung khí để giải quyết chuyện vặt vãnh... và đa số các “cô - cậu” này còn ngồi trên ghế nhà trường.
Nguyên nhân của vấn đề chắc đã được nhiều người mổ xẻ nhưng điều quan trọng là làm cách nào để hạn chế, nếu như việc trang bị kiến thức là nhiệm vụ chính của nhà trường thì việc dạy tư cách; hành vi cho học sinh không thể khoán trắng cho nhà trường được. Người xưa có nói “Dạy con từ lúc ban sơ” là không sai, đứa trẻ ngay từ lúc học mẫu giáo và bắt đầu vào học phổ thông là lúc cần chuẩn hóa tư cách hành vi, phải biết vâng lời cha mẹ, thầy cô, lễ phép với người lớn, hòa nhã giúp đỡ bạn bè... đây là những thói quen hình thành nhân cách sau này. Trẻ em mới lớn có tâm lý hiếu động hay phá phách do nhận thức chưa đầy đủ về hành vi, nếu như chỉ khuyên bảo e rằng không hiệu quả, cần phải tăng mức xử phạt học đường và phụ huynh phải mạnh tay rèn giũa mới kết hợp với nhà trường được.
Thuyết “Chính Danh” của Khổng Tử ngày xưa dùng để bảo đảm tôn ti trật tự trong xã hội phong kiến mặc dù còn những khiếm khuyết trong thời đại ngày nay nhưng nó vẫn có những giá trị nhất định, đó là việc định phận tư cách con người, thầy ra thầy, trò ra trò, dù học sinh có là con nhà quyền thế, có giàu có cỡ nào chăng nữa thì vẫn là học sinh nên phải chấp hành kỷ luật học đường, vâng lời cha mẹ, thầy cô, kính trên nhường dưới. Nhiều phụ huynh vì quá lơ là hoặc quá nuông chiều đã làm con em mình hư hỏng, họ chuyển trường khi con bị thầy cô phạt, họ cho tiền nhưng không biết con em dùng vào việc gì, họ chạy vạy khi con em bị xử phạt giao thông... nói chung họ cho rằng chỉ có con em mình là đúng, chính vì thế nên không hiếm thấy các hình ảnh học sinh nói cười khi đang chào Quốc kỳ, lẳng lặng khi đi qua trước mặt thầy cô, mac ke no khi có người lớn đến chơi nhà...
Bác Hồ đã nhiều lần nhắc nhở phải đào tạo một thế hệ trẻ “Vừa hồng - vừa chuyên” hồng ở đây không phải chỉ ở ý nghĩa chính trị mà trước hết nó là đạo đức của người công dân, Người cũng nói rằng người có tài mà không có đức sẽ rất nguy hiểm cho xã hội. Ngày nay chúng ta đang hội nhập với thế giới để phát triển nhưng phải biết giữ gìn những giá trị truyền thống để xây dựng con người Việt Nam, trẻ em là thế hệ kế thừa của dân tộc, việc quan tâm giáo dục tư cách hành vi cho trẻ em là điều hết sức quan trọng đó là nhiệm vụ cấp bách của nhiều lực lượng từ gia đình đến nhà trường và các tổ chức đoàn thể xã hội.
NGUYỄN HUỲNH