Giao thông kết nối, lực đẩy phát triển

Cập nhật: 14-08-2020 | 09:03:42

Kinh tế - xã hội phát triển, nhu cầu đi lại, giao thương, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu… tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu đó, với đất nước hay bất cứ một địa phương nào đều đòi hỏi có nguồn lực rất lớn để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối liên tỉnh, liên vùng. Phát triển giao thông xứng tầm, đủ sức “chuyên chở” cả nền kinh tế đi lên, nhiều năm qua Bình Dương đã huy động, tập trung mọi nguồn lực đầu tư.

Từ một địa phương có hạ tầng giao thông yếu kém, song hành với tốc độ phát triển mạnh của kinh tế - xã hội, hiện tại hệ thống giao thông của Bình Dương được đánh giá là khá hiện đại, tính kết nối, liên thông cao. Giao thông liên xã, liên huyện, liên tỉnh, kết nối vùng được đầu tư mạnh, xứng tầm, là lực đẩy phát triển. Nhìn nhận đó xuất phát từ thực tế khách quan, những ai chưa tin, chưa thấy cứ thử kiểm chứng bằng một vòng dạo qua các tuyến đường trên địa bàn, từ trung tâm tỉnh lỵ cho đến các xã vùng xa của Dầu Tiếng, Phú Giáo.

Nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông, như đã nói, là rất lớn. Ngoài nguồn ngân sách Nhà nước, đòi hỏi mời gọi từ xã hội hóa với sự tham gia của những doanh nghiệp (DN) có tiềm lực. Hai tuyến đường được coi là “xương sống” giao thông của tỉnh, mang tính kế nối cao có thể kể đến là quốc lộ 13 và Mỹ Phước - Tân Vạn. Quốc lộ 13 - hơn 20 năm trước đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng với sự tham gia của DN, trở thành tuyến giao thông hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh nhà. Tuyến đường này đã và đang phát huy hiệu quả trong đi lại của người dân, cũng như vận tải hàng hóa. Đó là chưa kể đến sức bật cho đô thị, dịch vụ ở những địa bàn tuyến đường đi qua.

Trong giai đoạn phát triển mới, Bình Dương với sự hình thành hàng loạt khu công nghiệp ở địa bàn các huyện, thị phía bắc, nhu cầu giao thông lại tiếp tục đặt ra một cách bức thiết. Đường Mỹ Phước - Tân Vạn hình thành với tổng vốn đầu tư khoảng 4.300 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa được các chuyên gia đánh giá là cách làm sáng tạo. Tuyến đường dài 62km, xuyên qua 5 địa bàn: Bàu Bàng - Bến Cát - Thủ Dầu Một - Thuận An - Dĩ An với rất nhiều các khu, cụm công nghiệp, đô thị lớn của tỉnh. Đường Mỹ Phước - Tân Vạn từ khi đưa vào khai thác đã cho thấy tầm quan trọng trong nhiệm vụ “gánh vác” một lưu lượng lớn các phương tiện giao thông, đặc biệt là vận tải hàng hóa, phục vụ cho các DN trên địa bàn.

Cùng với quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn “gánh” cả nhiệm vụ giao thông đối ngoại, liên thông cả vùng, đáp ứng nhu cầu của các tỉnh Tây nguyên, qua Đông Nam bộ, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đầu tư, phát triển những tuyến giao thông xứng tầm, không chỉ là đòi hỏi hiện tại mà còn là tầm nhìn mang tính chiến lược để tạo ra lực đẩy phát triển.

TRIỆU PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1017
Quay lên trên