Giao việc, giao quyền và tự chịu trách nhiệm

Cập nhật: 12-04-2010 | 00:00:00

Công tác cán bộ là một việc làm thường xuyên và liên tục, nhất là ở mỗi kỳ đại hội, công tác này càng tập trung mạnh mẽ hơn. Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Cán bộ lãnh đạo còn chiếm giữ vai trò quan trọng hơn, quyết định đến sự thành bại của đơn vị mình, ngay cả liên quan đến sự thành bại cả một ngành, địa phương và đất nước. Trong phạm vi bàn luận này, người viết chỉ muốn đề cập đến bản lĩnh, sự tài giỏi của những người đứng đầu trong đơn vị, cơ quan.

Theo quy định, người đứng đầu hay người lãnh đạo trong đơn vị, cơ quan phải có đầy đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn. Cụ thể hơn là người lãnh đạo phải nắm bắt kịp thời những diễn biến có liên quan đến đơn vị mình, phải quan tâm, nhìn nhận, xem xét và giải quyết những sự việc, hiện tượng gần như đến tận “chân tơ kẽ tóc”. Khi trực tiếp đối diện với vô số công việc, người lãnh đạo cần thể hiện bản lĩnh và tính chuyên nghiệp để đánh giá kết quả thực tế một cách đúng đắn, chính xác trên tinh thần dân chủ của một tập thể đơn vị, cơ quan. Đó cũng là một tiêu chí cơ bản để đánh giá năng lực điều hành, quản lý của vị lãnh đạo này với vị lãnh đạo khác.

Có lẽ đánh giá phẩm chất người lãnh đạo tài giỏi chính là biết phát hiện “điều cốt lõi” hoặc “vấn đề nóng” để ưu tiên giải quyết, biết cách huy động, tập hợp được nhân tài vật lực nhằm thực hiện kế hoạch đã đề ra, biết vận dụng sáng tạo, nhuần nhuyễn những kế sách trước mắt nhằm hướng đến mục tiêu chiến lược phát triển lâu dài... Tuy vậy, chỉ riêng những vấn nạn về tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, lấn chiếm vỉa hè hay những vấn đề xã hội nhạy cảm khác... là những bài toán nan giải kéo dài rất nhiều năm qua vẫn chưa giải quyết một cách triệt để.

Nguyên nhân chủ yếu chưa giải được bài toán trên là do cách thức giao việc và giao quyền cho những người lãnh đạo chưa thật cụ thể và dứt điểm. Khi giao việc, lãnh đạo cấp trên nên có cái nhìn tổng thể, chỉ ra cho lãnh đạo cấp dưới thấy những vấn đề nóng bỏng cần giải quyết, chứ không chỉ đơn giản là giao kế hoạch rồi kiểm tra, đôn đốc thực hiện là xong. Vì thế trong công việc, một nguyên tắc xuyên suốt cần tuân thủ đó là đã giao việc thì phải giao quyền và việc được giao phải có trách nhiệm hoàn thành.

Trong quá trình đổi mới và hội nhập như hiện nay, đổi mới cơ chế lãnh đạo nói chung, cơ chế điều hành, quản lý nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng. Xu hướng nổi bật trong giao việc là đưa ra những công việc hết sức cụ thể để thử thách năng lực lãnh đạo của cán bộ, trên cơ sở đó chọn lọc nhân tài, kể cả có thể tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo. Thế nhưng, bất kỳ phương thức và nghệ thuật lãnh đạo nào cũng không thể thay thế được tính tiên phong của người được giao trọng trách làm lãnh đạo. Có người làm lãnh đạo không tự giao việc cho mình, họ chỉ thích được giao quyền mà không thích tự chịu trách nhiệm...

Thiết nghĩ, đã đến lúc cần nhìn nhận thấu đáo công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo. Một khi có đội ngũ lãnh đạo bản lĩnh, tài giỏi thì những bài toán nan giải sẽ được giải quyết và sự đồng thuận sẽ nhân lên gấp bội.

MAI HUY
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên