Giữ mãi tuổi thơ êm đềm
“Gió, tiếng lá khô xào xạc. Gió cuốn đưa ta về với tuổi thơ êm đềm! Hình như cái nắng của tuổi thơ không gay gắt, rát bỏng mà hiền dịu và ấm áp. Những buổi trưa vàng nắng, ta đầu trần đuổi theo những cánh chuồn bay. “Hạ ơi, vắng anh chắc em sẽ buồn/Lối hẹn lối hò còn ai/Để đưa em đường vắng lối xa...”. Những câu hát chênh chao đưa ta về một thời xa vắng, một thời đã qua thật nhanh - nhanh đến mức ngỡ ngàng. Ta đi dọc bờ sông tìm những hang dế ẩn mình trong đám cỏ xanh. Ta cố với bàn tay bé nhỏ trèo lên những cành cao để tìm một tổ chim chào mào mới nở. Ta lặn sâu xuống đáy dòng suối mát lành tìm những viên sỏi đủ màu lấp lánh. Khúc suối vỡ òa những tiếng cười thơ trẻ...”.
Đó là những ký ức đẹp mà những ai có một tuổi thơ ấm áp nhớ về một thời hoa bướm được vui thú trong dịp hè về. Tuy nhiên, vẫn còn đó một bộ phận trẻ em, mùa hè là dịp các em rảnh rổi (vì được nghỉ học) để lao động phụ giúp gia đình. Đáng quan tâm hơn khi không ít trẻ đã phải vào đời, phải bỏ học để lao động sớm mà lẽ ra ở vào lứa tuổi của các em nhiệm vụ chính vẫn là học hành, vui chơi. Theo Tổ chức Lao động quốc tế, trên thế giới hiện có 215 triệu lao động trẻ em (LĐTE), trong đó có 115 triệu em đang làm việc trực tiếp trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn và đạo đức, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ em. Hàng năm, Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em (12-6) đều “khẩn thiết” kêu gọi toàn cầu đấu tranh để xóa bỏ vấn nạn này. Ở nước ta, mặc dù số trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã giảm từ trên 68.000 em (năm 2005) xuống còn trên 25.000 em (năm 2009) nhưng việc giải quyết tình trạng LĐTE vẫn còn là thách thức lớn.
Nguyên nhân dẫn đến LĐTE ai cũng biết là vì... nghèo. Nhiều bậc phụ huynh dẫu đau lòng, rát ruột khi thấy con em mình phải lao động sớm nhưng vì các em có thể đỡ đần gia đình bớt nỗi lo toan chuyện cơm áo gạo tiền nên cũng đành nhắm mắt làm ngơ. Mặt khác, môi trường gia đình bất ổn cũng là nguyên nhân không nhỏ đẩy các em phải vào đời sớm, là miếng mồi ngon cho sự ngược đãi, bạo hành. Chuyện em Nguyễn Thị Bình ở Hà Nội, bé Hào Anh ở Cà Mau là những minh chứng cụ thể.
Rõ ràng, gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phòng chống LĐTE. Những bậc làm cha làm mẹ đều đã bước qua tuổi thơ nên hơn ai hết, họ đều mong muốn con em mình có được tuổi thơ êm đềm, ấm áp. Vì thế, việc xây dựng ý thức chống LĐTE ngay từ trong gia đình sẽ góp phần mang lại hiệu quả tích cực. Mặt khác, Nhà nước đã có nhiều sự quan tâm, chăm sóc trẻ em, đặc biệt đã có văn bản cấm doanh nghiệp sử dụng LĐTE, đồng thời pháp luật cũng cần quy định ràng buộc trách nhiệm và có biện pháp chế tài hơn nữa đối với những đơn vị, doanh nghiệp sử dụng trẻ em. Đồng thời tăng cường hình thức tuyên truyền trong cả cộng đồng chống LĐTE, kêu gọi cộng đồng sớm chấm dứt tình trạng trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Được như thế, chắc chắn công tác phòng chống LĐTE sẽ mang lại hiệu quả, tuổi thơ các em sẽ được ấm áp, êm đềm, dẫu sau nhiều năm trưởng thành họ vẫn mơ về một thời tươi đẹp như lời tâm sự trên.
DÂN THƯỜNG