Giữ nét đẹp cho lễ hội

Cập nhật: 10-02-2011 | 00:00:00

Tiếp sau Tết Nguyên đán sẽ là mùa lễ hội. Mỗi một lễ hội là một điểm hẹn, điểm hội tụ cho những cuộc hành hương về với cội nguồn. Theo thống kê, mỗi năm khắp mọi miền cả nước có đến gần 500 lễ hội lớn, nhỏ. Nhưng rộn rã, tấp nập và náo nhiệt nhất là vào mùa xuân. Sự đa dạng của lễ hội với vẻ đẹp mang tâm hồn và cốt cách người Việt, đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc. Hiểu được giá trị và ý nghĩa sâu sắc của lễ hội, những năm gần đây việc tổ chức và quản lý các lễ hội đã được chính quyền nhiều địa phương quan tâm, góp phần thỏa mãn nhu cầu tâm linh, vui chơi giải trí của người dân. Tuy đã có chấn chỉnh nhưng bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn phát sinh những biểu hiện tiêu cực, biến tướng, thậm chí xô bồ, bát nháo khiến cho các lễ hội có nguy cơ mất dần đi những nét đẹp văn hóa vốn có.

Ở Bình Dương, sau Tết Nguyên đán có lễ hội chùa Bà (TX.TDM) vào ngày rằm tháng giêng. Còn khoảng hơn một tuần nữa mới đến ngày diễn ra lễ chính rước kiệu Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu nhưng từ ngày mùng 1 tết, đông đảo khách thập phương đã đến viếng, dâng hương tại chùa. Sáng mùng 7 tết, dạo một vòng quanh chùa Bà, quang cảnh người xe tấp nập, rộn ràng. Hàng quán ẩm thực, quầy xe bán nhang đèn phục vụ khách hành hương bận rộn, ồn ả. Vào thời điểm giáp ngày rằm tháng giêng, ngày chính của lễ hội dự báo lượng khách hành hương sẽ tăng đột biến. Khi số lượng người quá đông với hàng chục ngàn đổ dồn về trong  một thời điểm chắc chắn sẽ gây không ít áp lực và khó khăn cho Ban tổ chức và lực lượng chức năng. Trước tiên là vấn đề bảo đảm trật tự an toàn cho lễ hội và du khách. Trong đó việc phòng cháy chữa cháy cần được chú trọng bởi lượng người thắp, thỉnh nhang đèn là rất lớn. Bên cạnh đó, đã thành thông lệ, lễ hội chùa Bà rằm tháng giêng là dịp cho các dịch vụ “té nước theo mưa”. Hàng quán ẩm thực, dịch vụ giữ xe, bán sách tử vi bói toán, trò chơi núp bóng cờ bạc... được dịp bung ra. Khi đó, việc quản lý và kiểm soát giá cả là hết sức khó khăn, an toàn vệ sinh thực phẩm xem chừng bị thả nổi. Khách hành hương đã than phiền nhiều việc giá giữ xe “chặt chém” tùy tiện không theo quy định. Và cũng không thể không cảnh báo với du khách về nạn móc túi. Dù được thông báo cảnh giác, đề phòng nhưng hầu như năm nào cũng có người trở thành nạn nhân của bọn móc túi chưyên nghiệp trà trộn vào dòng người đi lễ hội. Cảnh người hành khất, nạn “đinh tặc”, đặc biệt trên quốc lộ 13 và đại lộ Bình Dương được dịp “tung hoành” trở lại làm phiền lòng du khách.

Tạo nếp sống văn minh cho lễ hội là vấn đề cần được nhìn nhận. Việc chấn chỉnh một cách toàn diện và triệt để các tiêu cực phát sinh nhằm bảo đảm được tính văn hóa, tính cộng đồng cũng như sự lành mạnh của lễ hội. Ban tổ chức cần tăng cường chỉ đạo, kiểm soát để cho đông đảo người dân và du khách được hồ hởi hòa mình trong không khí náo nhiệt của lễ hội. Du khách và người dân đất Thủ mong có được một mùa lễ hội chùa Bà rằm tháng giêng với những nét đẹp riêng, hoành tráng, an lành và thân thiện...

THÁI PHONG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=414
Quay lên trên