Gỡ vướng để tăng tốc

Cập nhật: 09-05-2024 | 08:38:44

Câu chuyện giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn là vấn đề phức tạp, tác động trực tiếp đến đối tượng sử dụng đất, các thành phần kinh tế, đặc biệt là đến đời sống của người dân, hộ gia đình. Vì vậy, lâu nay, không riêng gì Bình Dương mà ở các tỉnh, thành khác, nhiều công trình đã bị chậm tiến độ thi công, nhất là các công trình trọng điểm, có quy mô lớn...

Thực tế cho thấy, các công trình, dự án ở các địa phương khi thực hiện GPMB đều có những khó khăn, vướng mắc liên quan việc xác định nguồn gốc đất, giá đất, đơn giá tài sản, cây cối… để tính bồi thường.

 Từ đó, làm gián đoạn tiến độ thực hiện dự án, chậm được đưa vào sử dụng, phát sinh chi phí. Là địa phương có nhiều dự án, công trình trọng điểm của tỉnh và quốc gia, thời gian qua tỉnh Bình Dương đã phải tập trung nhiều công sức để triển khai các công trình, tuy nhiên công tác GPMB một số dự án vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Đơn cử, dự án mở rộng Quốc lộ 13 được tỉnh triển khai nâng cấp từ 6 làn xe lên 8 làn xe từ tháng 4-2022, đến nay cũng bị chậm tiến độ do vướng hạ tầng lưới điện. Hay như dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua Bình Dương; dự án đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh - Dựán thành phần 1 (GPMB đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn)...

Để tháo gỡ những vướng mắc từ công tác GPMB, thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã có nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngay từ những ngày đầu năm, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi kiểm tra thực tế, đôn đốc, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh còn một số hạn chế, bất cập, khó khăn, trong đó có công tác quy hoạch, GPMB các công trình giao thông trọng điểm, liên quan các bộ ngành Trung ương, các địa phương...

Đối với những vấn đề lớn, lãnh đạo tỉnh đã kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương để có biện pháp tháo gỡ khó khăn. Tại cuộc làm việc với đoàn công tác của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác của Chính phủ vào trung tuần tháng 4-2024 tại Bình Dương, lãnh đạo tỉnh đã kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan một số dự án trọng điểm, như: Nút giao thông Tân Vạn trên tuyến Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh; cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án xây dựng đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, xem xét hỗ trợ địa phương kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện dự án; nâng cao năng lực Ga liên vận quốc tế Sóng Thần; việc di dời lưới điện phục vụ thi công các dự án hạ tầng giao thông...

Với tinh thần “khó khăn ở đâu thì ở đó phải giải quyết, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải tháo gỡ”, ngay sau kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có kết luận chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương liên quan kịp thời tháo gỡ các vướng mắc cho tỉnh. Khi các “điểm nghẽn” được tháo gỡ, công tác triển khai, chỉ đạo quyết liệt và tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” trên các công trình, tin rằng năm 2024, nhiều dự án trên địa bàn tỉnh sẽ đạt và vượt tiến độ đề ra.

K.TÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=536
Quay lên trên