Tân Phước Khánh là một trong 3 “cái nôi” gốm sứ hình thành rất sớm trên đất Bình Dương. Bên cạnh những cơ sở sản xuất gốm sứ theo xu hướng hiện đại với các chủng loại sản phẩm phong phú, đa dạng, làng gốm Tân Phước Khánh bây giờ vẫn còn một số cơ sở sản xuất gốm theo phương pháp thủ công truyền thống, tồn tại, phát triển qua bao đời nay.
Giữ nghề truyền thống
Ngược dòng lịch sử, nghề gốm sứ bắt đầu xuất hiện ở Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên) vào khoảng giữa thế kỷ XVII. Cùng với làng gốm ở Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một) và Lái Thiêu (TP.Thuận An), làng gốm Tân Phước Khánh cũng trải qua bao thăng trầm. Ban đầu, gốm Tân Phước Khánh được tráng men khá đơn giản, với đặc trưng men màu da lươn hoặc canh lục đậu. Về sau, nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, gốm Tân Phước Khánh mới có thêm nhiều màu sắc khác. Ngoài thị trường tiêu thụ tại địa phương và trong nước, sản phẩm gốm sứ Tân Phước Khánh cũng được xuất khẩu đi các nước. Vì thế, từ lâu các sản phẩm của làng nghề vừa có pha trộn giữa truyền thống Việt Nam, Á đông và phương Tây để phù hợp với thị hiếu khách hàng.
Làm gốm theo cách thủ công truyền thống năng suất thường thấp hơn phương pháp sản xuất hiện đại, thế nên hiện nay nhiều cơ sở ở làng nghề Tân Phước Khánh cũng đã chuyển đổi theo. Tuy nhiên, cũng có nhiều người gắn bó lâu năm, đã quen với cách làm gốm truyền thống lại không muốn bỏ nghề. Và trên thực tế, dòng gốm xưa vẫn luôn có một chỗ đứng nhất định trong dòng chảy hiện đại ngày nay.
Làm gốm theo phương pháp truyền thống tại làng gốm Tân Phước Khánh
Những ngày đầu năm 2021, chúng tôi có dịp về lại làng gốm Tân Phước Khánh trên địa bàn phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên. Theo chân những người làm công tác du lịch, chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất gốm xưa Tuyền Phát. Những người thợ gốm vẫn đang miệt mài bên những công đoạn sản xuất gốm mà mình phụ trách. Ông Nguyễn Công Thịnh, một thợ vẽ gốm lâu năm của cơ sở vừa trò chuyện với chúng tôi, đôi tay vẫn luôn thoăn thoắt vẽ các họa tiết hoa văn trang trí trên gốm một cách rất điêu luyện. Thấy chúng tôi trầm trồ, ông bảo: “Lúc mới vào nghề thì cũng cần phải có khiếu, nhưng làm riết thành quen tay rồi nên giờ vẽ đơn giản lắm. Khi đã quen rồi thì dù vẽ 10 chiếc hay 100 chiếc cũng đều giống như nhau”.
Bà Vương Thị Nguyệt, chủ cơ sở gốm xưa Tuyền Phát, cho biết bà là đời thứ ba duy trì nghề truyền thống này của gia đình. Lớn lên trong gia đình làm gốm, nên từ hồi còn đi học tiểu học, bà đã bắt đầu làm quen với gốm. Ngày trước, anh em trong gia đình bà cũng đều làm nghề gốm mà ông bà, cha mẹ truyền lại, nhưng rồi do hoàn cảnh cuộc sống nên đến nay chỉ có bà Nguyệt là gắn bó, duy trì phát triển nghề gốm của gia đình.
Điểm đến du lịch
Để có một sản phẩm gốm hoàn thiện, bà Nguyệt nói nhìn thì đơn giản vậy nhưng có rất nhiều công đoạn liên quan. Trước đây, cơ sở gốm của gia đình bà chủ yếu sản xuất các loại chậu theo đơn đặt hàng, nhưng đơn hàng lúc có, lúc không nên thợ cũng bỏ việc hết. Vậy nên sau này bà chuyển sang sản xuất các mặt hàng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như: Tô, chén, dĩa, thố... để có việc làm thường xuyên, sản phẩm cũng dễ đến với khách hàng trong nước hơn. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, các sản phẩm của cơ sở cũng được cải tiến về mẫu mã, sử dụng men màu để cho ra sản phẩm đẹp, chất lượng hơn xưa.
Với những sản phẩm mộc mạc, giản đơn và gần gũi, gốm xưa Tuyền Phát đã được khách hàng lựa chọn, tin dùng ngày càng nhiều hơn
Chị Nguyễn Thị Cẩm Tú, phụ trách công tác truyền thông cho cơ sở gốm xưa Tuyền Phát hiện nay chia sẻ, là người đam mê gốm, chị thường tìm hiểu thông tin trên các trang web, mạng xã hội và thấy bên cạnh những sản phẩm theo xu hướng hiện đại, nhu cầu của người tiêu dùng ngày nay cũng có xu hướng hoài cổ, quay về với những hoa văn đơn giản, dòng gốm mộc mạc thời xưa. Chị nhận thấy, các sản phẩm tô, chén, dĩa, thố, chậu... của cơ sở gốm xưa Tuyền Phát sản xuất theo phương pháp thủ công rất phù hợp với xu hướng này nên đã bàn bạc với chủ cơ sở để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của cơ sở đến với khách hàng có nhu cầu. Từ đó, các sản phẩm gốm xưa bắt đầu ngày càng đến gần hơn với khách hàng.
Các sản phẩm gốm xưa Tuyền Phát đã len lỏi vào các quán ăn, nhà hàng, quán cà phê đến các cơ sở bán đồ lưu niệm, trang trí ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Chị Tú cho biết thêm, hiện nay chị cũng đang trao đổi với một số đối tác ở nước ngoài muốn mua sản phẩm của cơ sở để mở nhà hàng và bán cho khách có nhu cầu. Không những vậy, trong thời gian qua, các sản phẩm gốm của cơ sở còn được Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh mời tham gia đại diện giới thiệu, quảng bá về làng nghề truyền thống tỉnh Bình Dương tại nhiều phiên hội chợ, ngày hội du lịch trong và ngoài tỉnh. Điều đặc biệt là không chỉ giới thiệu, bán sản phẩm gốm của cơ sở mình, của làng nghề truyền thống Bình Dương, trong nhiều phiên hội chợ, ngày hội du lịch, những người thợ của cơ sở còn tham gia giới thiệu về quy trình sản xuất và hướng dẫn khách tham gia trải nghiệm làm gốm.
Với những sản phẩm mộc mạc, giản đơn và gần gũi, gốm xưa Tuyền Phát đã được khách hàng lựa chọn, tin dùng ngày càng nhiều hơn. Cùng với những hoạt động giới thiệu gắn với du lịch địa phương, sản phẩm gốm xưa Tuyền Phát đã góp phần đưa hình ảnh làng gốm Tân Phước Khánh đến với du khách gần xa.
HỒNG THUẬN