Lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang là sự kiện thường niên được du khách mong chờ mỗi dịp cuối Thu đầu Đông - thời điểm hoa tam giác mạch bung nở khoe sắc đẹp nhất trên cao nguyên đá Đồng Văn.
Mùa tam giác mạch trên Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang).
Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ X năm 2024 với chủ đề "Miền hoa thương nhớ" sẽ chính thức khai mạc vào 20 giờ ngày 09/11 tại Quảng trường Thanh niên huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang).
Lễ hội năm nay hứa hẹn sẽ có nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn, đặc sắc, diễn ra xuyên suốt từ ngày 09/11 đến hết ngày 21/11 như Hội thi trình diễn và giới thiệu trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện Đồng Văn; trình diễn và trải nghiệm các công đoạn dệt lanh; thêu tay trang phục truyền thống; chế tác vật dụng sinh hoạt và các nhạc cụ dân tộc truyền thống; trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản, ẩm thực và dược liệu địa phương.
Bên cạnh đó, tại các điểm dừng chân và các làng văn hóa du lịch tiêu biểu tại huyện Đồng Văn sẽ tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian để du khách cùng tham gia trải nghiệm vào các ngày thứ 7, Chủ nhật hàng tuần. Huyện Đồng Văn cũng sẽ tổ chức khánh thành các công trình điểm nhấn du lịch trên địa bàn vào dịp này.
Lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang là một trong những sự kiện văn hóa hấp dẫn của mảnh đất địa đầu Tổ quốc, là sự kiện thường niên được mong chờ mỗi dịp cuối Thu đầu Đông - thời điểm hoa tam giác mạch bung nở khoe sắc đẹp nhất trên cao nguyên đá Đồng Văn.
Thông tin tại Hội nghị xúc tiến, quảng bá và kích cầu du lịch Hà Giang diễn ra mới đây, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang khẳng định, dù bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, nhưng hiện nay Hà Giang sẵn sàng có những điều kiện tốt nhất về an ninh, an toàn, môi trường để du khách có thể yên tâm quay trở lại khám phá Hà Giang, đặc biệt là bước vào dịp cao điểm mùa hoa tam giác mạch.
Không còn hạn chế nào với khách du lịch đến tỉnh, du khách được đảm bảo mọi điều kiện an toàn. Quốc lộ 2 đã được thông xe, tàu du lịch trên sông Nho Quế đã hoạt động trở lại, giao thông ở đèo Mã Pì Lèng không còn gặp khó khăn.
Cùng với việc đảm bảo an toàn trong di chuyển và lưu trú, Hà Giang đang thực hiện một số biện pháp kích cầu phục hồi du lịch. Trong đó, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã kêu gọi các hội viên, cơ sở kinh doanh du lịch hưởng ứng chương trình kích cầu, giảm giá các dịch vụ từ 10-30%, thời gian thực hiện từ giữa tháng 9/2024 đến hết mùa cao điểm du lịch vào đầu tháng 2/2025.
Từ đầu năm đến nay, Hà Giang đón 2.468.000 lượt du khách, trong đó, khách quốc tế là 290.584 lượt, khách nội địa là 2.177.416 lượt, tăng 14,3% so với cùng kỳ, đạt 77,1% so kế hoạch năm 2024. Tổng thu từ du lịch ước đạt 6.120 tỷ đồng. Tuy nhiên, tháng 9/2024, lượng du khách đến tỉnh đạt 243.000 lượt người, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Hà Giang có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu cùng các địa danh nổi tiếng như núi đôi Quản Bạ, phố cổ Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng, chợ phiên Mèo Vạc, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì… đây là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, nơi hội tụ của 19 dân tộc như Mông, Dao, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo, La Chí...
Cao nguyên đá hoang sơ vốn hùng vĩ, tráng lệ như mềm mại duyên dáng hơn nhờ sắc hồng của hoa tam giác mạch, mùa hoa đã mang màu áo mới đến cho cả một vùng núi đá.
Một Hà Giang trọn vẹn trong sự hòa quyện của từng tầng cấu trúc địa hình và những màu sắc dịu dàng mà đất trời đã tô điểm trên vùng đất này.
Tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh các hoạt động quy hoạch cho vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, hướng tới công tác bảo tồn, phát triển và tạo sinh kế cho người dân thông qua các hoạt động du lịch, dịch vụ; khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng như đẩy mạnh phát triển cây dược liệu, phát huy các giá trị bản sắc của đồng bào các dân tộc, mở rộng phát triển đặc sản, tạo cảnh quan du lịch trên những cánh đồng hoa tam giác mạch; khai thác các địa điểm du lịch như di tích nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, đỉnh Mã Pì Lèng, núi Đôi Quản Bạ./.
Theo TTXVN