Hà Huy Tập: “Hãy xem tôi như người còn sống” – Bài cuối

Cập nhật: 23-04-2016 | 08:21:06

Bài cuối: Nhà lãnh đạo cách mạng tài năng

Với 35 tuổi đời, trải qua gần 16 năm hoạt động cách mạng, trong đó gần 2 năm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng với nhiều bí danh và tên gọi khác nhau; đồng chí Hà Huy Tập đã có nhiều chủ trương, quyết sách cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo cách mạng nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã hiến dâng trọn vẹn đời mình cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng và của dân tộc; để lại cho Đảng những bài học quý báu cả về lý luận và thực tiễn hoạt động cách mạng.

Tháng 12-1928, Hà Huy Tập rời Sài Gòn sang Trung Quốc hoạt động, được Quốc tế Cộng sản cử sang học tại trường Đại học Phương Đông (Liên Xô). Trong thời gian học ở trường, Hà Huy Tập say mê nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của C.Mác - Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin, các văn kiện của Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Liên Xô; Hà Huy Tập đã viết nhiều bài gửi tạp chí Bôn-sơ-vích, cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Pháp và biên soạn nhiều tài liệu khác gửi Quốc tế Cộng sản.

Tháng 3-1932, Hà Huy Tập tốt nghiệp trường Đại học Phương Đông và ở lại Liên Xô hoạt động. Trong thời gian ở Liên Xô, Hà Huy Tập viết cuốn sách “Sơ thảo lịch sử Đảng Cộng sản Đông Dương”. Cuốn sách nêu bật lịch sử đấu tranh oanh liệt của quần chúng công nông, vai trò và uy tín của đảng viên cộng sản, rút ra những bài học về phương pháp đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của kẻ địch. Giữa năm 1933, Hà Huy Tập bí mật về Trung Quốc, bắt liên lạc với Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và một số đồng chí khác lập ra Ban Chỉ huy ở ngoài, do Lê Hồng Phong làm thư ký và Hà Huy Tập làm ủy viên phụ trách tuyên truyền cổ động, Tổng Biên tập tạp chí Bôn-sơ-vích. Nhiệm vụ trọng tâm của Ban là khôi phục lại các tổ chức Đảng trong nước bị địch phá vỡ sau cao trào cách mạng 1930-1931 và chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội lần thứ nhất của Đảng.

Tổng Bí thư Hà Huy Tập và bài viết trên báo nước ngoài

Sau một thời gian chuẩn bị, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất đã họp tại Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 27 đến ngày 31-3- 1935. Hà Huy Tập chủ trì và đọc Báo cáo chính trị của đại hội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Trung ương gồm 5 người, do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư, đồng chí Hà Huy Tập làm Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài. Thời gian này do đồng chí Lê Hồng Phong bận đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, nên thực chất trọng trách lãnh đạo cách mạng do Hà Huy Tập đảm nhiệm.

Hà Huy Tập là người chủ công xây dựng các văn kiện và chủ trì Đại hội Đảng năm 1935. Tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương tháng 7-1936, Hà Huy Tập được phân công về nước tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương và khôi phục các tổ chức Đảng trong nước. Ngay sau đó, Hà Huy Tập đã sáng suốt quyết định chuyển trụ sở của Đảng từ nước ngoài về xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Quyết định này có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện trong việc bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, thống nhất của Đảng từ Trung ương tới cơ sở, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của phong trào cách mạng từ lúc đó.

Một góc Khu lưu niệm Tổng Bí thư Hà Huy Tập
ở xã Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh

Tiếp đến tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định, đồng chí liên tục chủ trì 3 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đó là hội nghị tháng 3-1937, thống nhất các tổ chức Đảng ở Bắc kỳ và Trung kỳ, xác định những chủ trương mới thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển. Hội nghị tháng 9-1937, thông qua một số quyết định quan trọng về việc thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương, phát triển cơ sở Đảng trong các thành thị và đồn điền, kết hợp các hình thức đấu tranh công khai và bán công khai... Nhờ vậy chỉ trong một năm, Đảng ta từ chỗ bị địch khủng bố trắng đã thành lập lại Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương. Và trong hội nghị tháng 3-1938, phân tích thái độ của các đảng phái, các tổ chức chính trị ở Đông Dương, công tác quần chúng, công tác tổ chức và lãnh đạo của Đảng, quyết định đổi Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương. Không chỉ là một nhà lãnh đạo cách mạng tài năng của Đảng, không ngừng chăm lo xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Hà Huy Tập còn là một nhà lý luận sắc sảo, một cây bút chiến đấu trên mặt trận tư tưởng và chính trị của cách mạng Việt Nam, tổ chức và chỉ đạo xuất bản sách, báo, tạp chí của Đảng.

Ngày 12-10-1936, Hà Huy Tập triệu tập Hội nghị cán bộ để bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Tại hội nghị này, đồng chí chính thức được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Qua thực tiễn trong phong trào cách mạng sôi nổi của giai cấp công nhân và toàn dân tộc, bằng sự nhạy bén chính trị và ngòi bút sắc bén, Hà Huy Tập thể hiện là một nhà lý luận chính trị sắc sảo, giữ vị trí quan trọng trong hoạt động báo chí, xuất bản. Hà Huy Tập cũng là người sáng lập, tổng biên tập của nhiều tờ báo, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng, tích cực nghiên cứu lịch sử Đảng. Ở tuổi 23, ông đã hoàn thành cuốn Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương, tổng kết sâu sắc thực tiễn cách mạng Việt Nam trong những năm đầu do Đảng lãnh đạo. Ngoài ra, ông còn viết khoảng 25 tác phẩm khác.

Bằng ngòi bút đầy tính chiến đấu dưới nhiều bút danh khác nhau, Hà Huy Tập đã viết nhiều bài đăng báo kiên quyết vạch trần bộ mặt, phê phán quan điểm phản động của phần tử Trôtxkít; tuyên truyền bảo vệ quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lê Nin. Các tác phẩm Vì một mặt trận nhân dân Đông Dương, Vì sao cần ủng hộ Mặt trận Bình dân bên Pháp... của ông là những tác phẩm lý luận chính trị của Đảng có giá trị, góp phần chỉ đạo cách mạng trong thời kỳ vận động dân chủ. Tư duy và sự nhạy bén chính trị của Hà Huy Tập còn thể hiện ở quan điểm dân tộc, giai cấp, coi đây là điều kiện cơ bản dẫn tới mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt của Hà Huy Tập tuy ngắn ngủi nhưng những đóng góp của ông cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta là rất quan trọng và to lớn. Sự nghiệp cách mạng vẻ vang của ông đã để lại cho chúng ta bài học vô cùng quý giá về lý tưởng cộng sản, về tinh thần học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng, về ý chí chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân. Tinh thần và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Hà Huy Tập luôn sống mãi cùng với Đảng, Tổ quốc và nhân dân ta.

 Trong điều kiện Đảng ta còn phải hoạt động trong sự kiểm soát của chính quyền thực dân, Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã cho ra đời tờ báo bằng tiếng Pháp L’Avant Garde (Tiền phong) với danh nghĩa là cơ quan của lao động và nhân dân Đông Dương, thực chất là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương. Báo chính thức ra đời ngày 29-5-1937 tại Sài Gòn với Tuyên ngôn mang tiêu đề Hội những người lao động, những người bị áp bức ở Đông Dương, Hà Huy Tập đã khẳng định rõ mục đích của tờ báo. Là cơ quan ngôn luận đầu tiên của Trung ương Đảng được ra hoạt động công khai, nội dung tờ báo rất phong phú, phản ánh khá toàn diện những vấn đề nóng bỏng của phong trào cách mạng Đông Dương trong cuộc đấu tranh đòi tự do, cơm áo và hòa bình. Đặc biệt, tờ báo rất quan tâm đến tuyên truyền đường lối của Đảng và cuộc đấu tranh chống bọn Trốtxkít.

 

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2034
Quay lên trên