Hách dịch, cửa quyền với dân sẽ bị kỷ luật!

Cập nhật: 18-01-2010 | 00:00:00

Từ ngày 1-1-2010, Luật Cán bộ - Công chức (CB-CC) có hiệu lực thi hành trên cả nước. Căn cứ những quy định này thì làm một người CB-CC sẽ không hề đơn giản; bởi vì nếu “lỡ quên” mà nạt nộ, ra điều hách dịch, cửa quyền với người dân sẽ bị kỷ luật. Đạo đức và văn hóa giao tiếp của CB-CC là một trong các nghĩa vụ phải thực hiện để xứng đáng là “công bộc” và “đầy tớ” của nhân dân.

Vấn đề đạo đức và văn hóa giao tiếp đã được đưa vào Luật CB-CC (Điều 15, 16, 17) buộc CB-CC: phải gần gũi, có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc và tuyệt đối không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ.

Nếu CB-CC vi phạm các quy định này thì sẽ bị xử lý bằng pháp luật. Xem ra luật đã “mạnh tay” nhằm xử lý CB-CC kém đạo đức, văn hóa giao tiếp thông qua cách phân định lại hình thức kỷ luật áp dụng cho từng đối tượng sai phạm. Ngoài các hình thức xử lý kỷ luật như trước đây là: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc thì nay đã bổ sung thêm hình thức giáng chức. Tuy nhiên, việc cách chức, giáng chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; đặc biệt luật quy định thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Việc kéo dài thời hiệu hơn so với trước cũng nhằm cho việc xử lý kỷ luật được triệt để, nghiêm minh hơn.

Thông thường cách suy nghĩ, thái độ của người dân thể hiện tư cách người làm chủ, lẽ phải thuộc về họ, việc của họ là khẩn trương, vô cùng quan trọng; trách nhiệm của Nhà nước là phải xem xét, giải quyết sự việc này một cách thấu đáo, nghiêm túc... và họ yêu cầu phải được tôn trọng. Tâm lý chung của người dân khi xảy ra sự việc liên quan, họ cảm thấy mình bị chèn ép, oan ức, bị xem nhẹ quyền lợi... Thế nên đôi khi họ sinh ra thái độ hẹp hòi, cố chấp “quên cả” luật lệ quy định!

Việc ứng xử giao tiếp với công dân rất quan trọng, người CB-CC chừng mực nào đó đang thay mặt cơ quan Nhà nước để xem xét công việc của dân; vì vậy để xảy ra sơ suất do thiếu kiềm chế, nóng vội đều dẫn đến sự đánh giá sai lệch của dân đối với tinh thần trách nhiệm của người CB-CC Nhà nước. Thế nên, trong bất kỳ tình huống nào CB-CC cũng cần lắng nghe, thể hiện tôn trọng người dân, giải tỏa phần nào tâm trạng ức chế, tạo dựng niềm tin ban đầu của họ, qua đó mà giải thích, hướng dẫn sự việc đúng pháp luật.

Làm tốt việc ứng xử, giao tiếp với dân chính là góp phần phát huy bản chất “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”, tác động tích cực đến tình cảm, vun đắp thêm niềm tin giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước ngày càng chặt chẽ, bền vững.

THANH NHÀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên